Một số quy định đáng chú ý của Pháp luật về an toàn lao động

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SB Law gần đây đã có bài phỏng vấn trong Chuyên mục Bạn và Pháp luật liên quan đến vấn đề pháp luật về an toàn lao động. Nội dung cụ thể như sau:

  1. Thưa ông, theo thống kê thì chỉ tính riêng năm 2020, tai nạn lao động ở Việt Nam đã cướp đi tính mạng của gần 1.000 người trong hơn 8.000 người bị tai nạn. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?

Trả lời:

Những con số này nói lên số lượng tại nạn lao động và những hậu quả của nó gây ra đang ở trong tình trạng đáng báo động. Nền kinh tế nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa với việc cơ giới hóa hoạt động sản xuất, không chỉ gia tăng được số lượng, chất lượng hàng hóa mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức, ngành xây dựng cũng bùng nổ các công trình lớn, nhỏ trên khắp cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các vụ tai nạn lao động cũng tăng theo. Nguyên nhân chủ yếu của phần lớn các vụ tai nạn lao động là do:

Thứ nhất, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình an toàn lao động, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Đưa vào sử dụng máy, thiết bị không đảm bảo an toàn, bố trí lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề chuyên môn được đào tạo, thiếu kiểm tra nhắc nhở người lao động tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động; không thực hiện các giải pháp về an toàn vệ sinh lao động đối với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thứ hai, người lao động cũng có nhiều vi phạm về quy trình làm việc an toàn, đa số người lao động là lao động phổ thông, trình độ văn hóa không cao do đó cũng chưa nhận thức đầy đủ những quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp cũng chưa phát huy hết vai trò trong việc bảo vệ người lao động, chưa nhận thức đúng về chức năng của công đoàn cơ sở trong việc tăng cường kiến thức pháp luật và ý thức trách nhiệm cho người sử dụng lao động và người lao động để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn trong quá trình lao động.

  1. Theo luật sư, người lao động hiện nay đã có nhận thức đầy đủ về vấn đề an toàn lao động hay chưa? Việc không nắm rõ các quy định của Pháp luật về an toàn lao động sẽ khiến người lao động gặp phải những rủi ro gì?

Trả lời:

Phần lớn lao động Việt Nam hiện nay là lao động phổ thông, còn chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật, vấn đề an toàn lao động cho bản thân còn hạn chế, vấn đề an toàn lao động còn ít được quan tâm đến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cũng đa phần là Doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy điều kiện đảm bảo an toàn lao động sản xuất chưa được đặt lên hàng đầu. Thực tế chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, tai nạn lao động sẽ xảy ra, gây nên những thiệt hại cho người lao động, cho gia đình, xã hội.

Nếu người lao động không được bảo vệ bởi các biện pháp bảo vệ an toàn lao động cần thiết thì sẽ có thể có rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia lao động. Các hệ lụy về sức khỏe này có thể thể hiện ngay khi người lao động, ví dụ như tiếp xúc với môi trường, hóa chất độc hại cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài, cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới cả tính mạng của người lao động.

An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm đảm bảo không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Dù các quy định về an toàn vệ sinh lao động đã khá chặt chẽ song việc ngăn ngừa giảm thiểu tai nạn lao động vẫn còn nhiều khó khăn.

  1. An toàn lao động là nhu cầu thiết yếu của mọi lao động. Tuy nhiên, thực tế, không nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này mặc dù pháp luật đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động. Vậy điều kiện để cấp thẻ an toàn lao động là gì? Và thẻ an toàn lao động có giá trị như thế nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Thẻ an toàn lao động là một loại giấy chứng nhận được cấp cho người lao động đạt yêu cầu sau khi tham gia huấn luyện an toàn lao động, có thời hạn 02 năm.

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì thẻ an toàn lao động do người sử dụng lao động cấp cho người lao động thuộc nhóm 3 đã được huấn luyện sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Đối với người lao động không làm việc theo hợp đồng lao động thì tổ chức huấn luyện là đơn vị có thẩm quyền cấp thẻ an toàn cho họ.

Nhóm 3 ở đây là những người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành), có thể kể đến các công việc như: Trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại; Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ;…

Khi tham gia huấn luyện để lấy thẻ, người lao động sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản đến chuyên ngành về an toàn lao động như hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại và phương pháp phân tích, đánh giá, quản lý rủi ro liên quan đến công việc;… Và thẻ an toàn lao động chính là giấy chứng nhận việc người lao động đã được trang bị kiến thức tương đối đầy đủ để đảm bảo an toàn của chính mình và nơi làm việc.

  1. Chế độ tai nạn lao động là một trong những chính sách an sinh hữu ích nhất hiện nay nhằm chia sẻ gánh nặng, giúp người lao động vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro trong quá trình lao động. Vậy người lao động sẽ được hưởng những chế độ gì khi bị tai nạn lao động?

Trả lời:

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Do những hậu quả của tai nạn lao động tác động tiêu cực đến người lao động mà pháp luật đặt ra trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động sẽ được hưởng các chế độ bao gồm:

  • Chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định
  • Tiền lương: Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động
  • Tiền bồi thường: Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Trợ cấp tai nạn lao động;
  • Chế độ bảo hiểm xã hội;
  • Được sắp xếp công việc phù hợp với tình hình sức khỏe.
  1. Đối với những trường hợp là lao động thời vụ thì quyền lợi khi bị tai nạn lao động có được đảm bảo không, thưa luật sư?

Trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 thì chỉ còn 02 loại hợp đồng sau: Hợp đồng xác định thời hạn và Hợp đồng không xác định thời hạn.

Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật lao động năm 2019.

Như vậy, dù làm công việc nào và với thời hạn bao nhiêu thì khi xác lập quan hệ lao động, các bên bắt buộc phải có hợp đồng lao động. Dù hình thức hợp đồng có thể và văn bản hoặc lời nói. Do đó, quyền lợi của họ khi bị tai nạn lao động cũng vẫn được đảm bảo như những trường hợp khác.

  1. Liên quan đến vấn đề này, chương trình có nhận được câu hỏi của thính giả Trần Văn Long với nội dung như sau: Tôi bị tai nạn lao động tháng 8/2020. Sau khi điều trị, tôi được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Tôi có 14 năm tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động. Mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tháng 7/2020 là 5,2 triệu đồng; mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1,49 triệu đồng/tháng. Vậy tôi sẽ được hưởng những chế độ gì?

Trả lời:

Về trường hợp của bạn Long, bạn sẽ nhận được các chế độ hỗ trợ từ người sử dụng lao động của bạn; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội và Sở Lao động, Thương Binh – Xã hội, Cụ thể:

Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện và chi trả khi người lao động bị tai nạn lao động căn cứ theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau:

Thứ nhất, về chi phí y tế:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị.

+Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người lao động:

Thứ hai, về tiền lương: Phải trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phụ hồi chức năng

Thứ ba, bồi thường cho người bị tai nạn lao động không phải do lỗi của họ gây ra:

- Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm KNLĐ từ 11% đến 80%

- Trong trường hợp của bạn Long là bạn được 4,5 tháng lương tiền bồi thường nếu tai nạn đó không bắt nguồn từ lỗi của bạn.

Thứ tư, trợ cấp: Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính mình gây ra một khoản tiền ít nhất băng 40% các mức nêu trên ứng với mức suy giảm KNLĐ.

Thứ năm, về công việc: Người sử dụng lao động sẽ phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ của người lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ chi trả cho bạn Long căn cứ Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 những khoản sau đây:

Thứ nhất, khoản trợ cấp một lần gồm: trợ cấp tính theo suy giảm lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

- Suy giảm 05% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

- Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Trong trường hợp của bạn Long tính tới thời điểm hiện tại bạn sẽ nhận được (tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc):

- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động là: (5x1.490.000+ (20-5) x 0,5x 1.490.000) = 18.625.000 đồng;

- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm là: (0,5x5.200.000+(14-1) x 0,3x5.200.000) = 22.880.000 đồng

Như vậy, trợ cấp một lần bạn có thể nhận là: 41.505.000 đồng

Thứ hai, tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

- Người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật như: Tay giả, máng nhựa tay, chân giả, máng nhựa chân; nẹp đùi, nẹp cẳng chân, áo chỉnh hình, ...

Thứ ba, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị:

Mức trợ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở, trong đó tối đa 05 ngày nếu suy giảm KNLĐ từ 15% - 30%.

Theo đó, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bạn Long nhận được: 447.000 đồng mỗi ngày, tối đa 5 ngày là 2.235.000 đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc (Điều 13 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc):

- Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở;

- Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần/năm.

  1. Đối với những đơn vị sử dụng lao động mà không thực hiện các nghĩa vụ bồi thường với người lao động khi xảy ra tai nạn lao động thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Đây là hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Như vậy, đơn vị sử dụng lao động mà không thực hiện nghĩa vụ bồi thường với người lao đông khi tai nạn lao động xảy ra thì sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định còn yêu cầu đơn vị lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 22:

- Phải chi trả tất cả các khoản chưa thực hiện trong phạm vi trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động như đã liệt kê vừa rồi: chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định của người lao động; chi phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp kết luận mức suy giảm dưới 5%; phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả.

- Phải trả người lao động số tiền trợ cấp, bồi tường cộng với khoản lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ trợ cấp, bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động.

  1. Câu hỏi tiếp theo là của thính giả Trần Thị Hằng gửi đến chương trình với nội dung như sau: Tôi hiện đang công tác tại nhà máy chế biến thủy hải sản đến nay đã được 05 năm. Tôi không thấy công ty tổ chức khám sức khỏe hàng năm cho người lao động? Vậy xin hỏi, pháp luật có quy định cụ thể gì về vấn đề này không?

Trả lời:

Việc khám sức khoẻ định kỳ rất quan trọng nhằm bảo vệ sức khoẻ cho lực lượng sản xuất, tạo môi trường làm việc thân thiện và tạo sự gắn bó của người lao động đối với doanh nghiệp. Pháp luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động tổ chức khám sức khoẻ định kỳ tại Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015:

- Hàng năm, người sử dụng phải tổ chức ít nhất 1 lần cho người lao động; đặc biệt đối với người lao động làm trong môi trường nặng nhọc độc hại, người lao động là người khuyết tật, người chưa thành niên hoặc người cao tuổi thì được khám sức khoẻ ít nhất 06 tháng một lần tức 2 lần/năm.

- Khi khám sức khoẻ định kỳ, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Ví dụ như làm ở ngành than thì phải được khám bệnh liên quan đến bệnh rung chuyển, bệnh về khớp tay, cột sống, thắt lưng, phổi,...

- Người sử dụng lao động cần tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã hồi phục sức khoẻ, tiếp tục trở lại làm việc.

- Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữ bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kĩ thuật.

- Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Nếu đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám sức khoẻ hàng năm thì sẽ phải chịu chế tài xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP tại khoản 2,3 và 4 Điều 21 với mức phạt tối đa là 75.000.000 đồng

  1. Đảm bảo an toàn lao động là một trong những điều kiện cơ bản để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây không chỉ là lợi ích của riêng doanh nghiệp mà còn là quyền lợi của người lao động được pháp luật bảo vệ. Vậy khi người sử dụng lao động không đảm bảo an toàn cho người lao động có thể bị xử phạt như thế nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 28/2020/NĐ-CP đã liệt kê các hành vi vi phạm về biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động có thể bị phạt. Cụ thể:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc khi xây dựng không lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở;

b) Không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, công tác y tế, hoặc bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, công tác y tế nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Không bố trí đủ lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định;

d) Không tổ chức huấn luyện cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định;

đ) Không phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ theo quy định.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định;

b) Không trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định;

c) Không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc;

d) Không lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; không khai báo hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng;

e) Không bảo đảm đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

g) Không trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để đảm bảo ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, tai nạn lao động.

Thứ hai, về xử lý hình sự:

Việc vi phạm an toàn vệ sinh lao động còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tù cao nhất lên tới 12 năm.

Đồng thời, ngoài việc bị áp dụng hình phạt tù tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

  1. Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình, người lao động cần lưu ý những vấn đề gì về an toàn lao động, thưa luật sư?

Trả lời:

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, hơn ai hết, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định cụ thể tại Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn cho chính mình.

Bên cạnh đó, người lao động cần nắm được các quyền lợi khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Được tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị; Được thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; Được trả đủ lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động; Được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa nếu sau khi điều trị, phục hồi chức năng tiếp tục làm việc được; Tùy trường hợp do lỗi của mình hoặc không hoàn toàn do lỗi của mình thì sẽ được nhận những mức bồi thường khác nhau….

Tùy theo đặc thù công việc mà sẽ có những quy định riêng của pháp luật về an toàn lao động cho các ngành nghề đó, và phạm trù của bảo hộ lao động không chỉ bao gồm các biện pháp bảo vệ trực tiếp cho người lao động mà còn chính là tiền lương, phụ cấp độc hại, bảo hiểm lao động, thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc của người lao động.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan