Mê tín dị đoan và pháp luật

Nội dung bài viết

Thưa các bạn! Mê tín dị đoan là hiện tượng tâm lý khá phổ biến trong xã hội nước ta. Chính sự thiếu hiểu biết của người dân từ mê tín dị đoan đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có cơ hội hoạt động. Và từ đây, nhiều hệ lụy khôn lường đã xảy ra, thậm chí trong nhiều trường hợp chính “lời phán” của “thầy” đã trực tiếp tước đi tính mạng của nhiều người mà hung thủ ra tay lại chính là người thân của họ. Hiện nay, không có bất cứ “nhà ngoại cảm” nào được cấp phép, cũng như không có bất cứ cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép cho họ hoạt động. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người tin tưởng và trông cậy vào khả năng không ai có thể kiểm chứng đó để tìm hài cốt của thân nhân. Và thực tế cũng cho thấy chưa có một nhà ngoại cảm nào phải chịu trách nhiệm (bồi thường thiệt hại, thậm chí cả về mặt hình sự) trước việc làm sai trái của mình. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, tiền bạc mà là vấn đề tâm linh, đạo đức con người, truyền thống đền ơn đáp nghĩa của người Việt Nam. Thời gian qua, chuyên mục Bạn và Pháp luật nhận được nhiều thư và điện thoại của thính giả bày tỏ sự bức xúc trước việc các đối tượng tự xưng là nhà ngoại cảm lợi dụng lòng tin của mọi người để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Bên cạnh đó là những thắc mắc về quy định của pháp luật, chế tài xử ly những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Chương trình hôm nay sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn thính giả với sự tham gia đồng hành của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLaw.

Xin chào luật sư, cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình của chúng tôi.

Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với phong trào phục dựng những giá trị di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội tín ngưỡng ở nhiều địa phương trong cả nước cũng dần được khôi phục. Thế nhưng điều đáng nói, trong xã hội hiện đại, đã bắt đầu nảy sinh những hiện tượng biến tướng ở nhiều hình thái tín ngưỡng. Trong đó có những vấn đề ngày càng trở nên bức xúc, được phản ánh nhiều trên công luận, như hiện tượng kinh doanh các dịch vụ tâm linh ở những cơ sở tín ngưỡng là ví dụ điển hình. Nhiều đàn cúng giải oan, cầu siêu… có giá cả dao động từ vài chục đến hằng trăm triệu đồng tiền thuê khoán sư sãi, thầy cúng…

Nhiều năm qua, báo chí cùng các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh mọi thực trạng đáng quan ngại, được xem như hệ lụy của phong trào đua chen tín ngưỡng với nhiều vấn nạn nhức nhối. Đáng chú ý, cái nghề "đồng cốt" này thời xưa gọi là nghề "cô hồn", nay được thay bằng cái tên mới là "nhà ngoại cảm" gọi hồn, áp vong, thậm chí là chữa bệnh, cứu người… Chiều ngày 8/4/2019, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Thanh tra Sở Y tế và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiểm tra đột xuất hộ ông Trịnh Xuân Vượng, tại tổ 8, khu phố 2, p. Long Bình, TP. Biên Hòa, phát hiện cơ sở đang chữa bệnh trái phép cho nhiều người, có biểu hiện mê tín dị đoan. Tại thời điểm kiểm tra, nhà ông Vượng có 8 người đến chữa bệnh, trong đó có bệnh nhân mắc ung thư. Theo ông Vượng, phương pháp chữa bệnh của ông không cần thuốc, người bệnh chỉ cần ngồi, nằm dưới sân nhà để hút âm khí ra khỏi cơ thể, uống nước lã và nghe ông này hát sẽ...khỏi bệnh. Ông Vượng tự cho rằng có thể chữa khỏi bách bệnh, trong đó có cả căn bệnh thế kỷ HIV.Quá trình kiểm tra, ông Vượng không xuất trình được giấy phép khám chữa bệnh.

Còn tại tỉnh Đăk Lắk, Sau một thời gian theo dõi, đến đêm, Công an Tp.Buôn Ma thuột đã kiểm tra và phát hiện ông Phạm Văn Tuấn (47 tuổi), ở 216 Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất đang đốt nhang khói nghi ngút để lên đồng chữa trị cho một bệnh nhân ngay trong nhà mình. Tại thời điểm này, còn có gần 20 người khác cũng đang ở trong nhà chờ đến lượt mình để được thầy lang Phạm Văn Tuấn ban phước chữa bệnh. Từ tháng 5/2018, ông Tuấn bắt đầu hoạt động mê tín dị đoan. Ông ta lén lút loan tin là mình có thể chữa bách bệnh cho các bệnh nhân và mỗi tháng ông chỉ chữa trị bệnh vào 2 ngày linh nghiệm nhất nhờ có thánh thần, âm binh phò trợ, đó là ngày mồng 1 và 15 âm lịch. Vì thế nên rất nhiều người trong tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế đã đến đây chờ chực để được thầy lang ban phước.

Thưa quý thính giả! Hành vi mê tín dị đoan đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, thậm chí gây chết người, giết người như một số vụ án xảy ra thời gian gần đây. Đã có rất nhiều đối tượng chủ mưu siết cổ con trai, bắt trói người và hành hạ đến chết, dùng súng bắn người vô tội chỉ vì tin vào bói toán. Những vụ án này đã và đang gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua.

Trở lại với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Luật sư đánh giá như thế nào về thực trạng hành nghề mê tín dị đoan?

Trả lời:

Không thể phủ nhận tín ngưỡng là niềm tin thiêng liêng của con người, tuy nhiên hiện nay đã và đang xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để thực hiện các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn mà biểu hiện rõ nhất là các hành vi mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Năm 2017, dư luận bàng hoàng khi biết chân tướng sự việc “cháu bé bị bắt cóc” ở Thanh Hóa là kịch bản của chính bà nội - đang tâm sát hại cháu bé do mê tín, nghe lời thầy bói phán cháu bé là "yêu nghiệt", nếu cháu sống bà nội sẽ chết, nên bà Xuân đã sát hại bé. Hay mới 1 năm về trước, vào tháng 8-2019 tại Bình Dương, đã xảy ra vụ giết “đạo hữu” cho xác vào thùng nhựa đổ bê-tông đã được phát hiện, điều tra. Trong vụ án này, kẻ thủ ác là những người tu luyện cuồng tín của một giáo phái lạ thực hiện. Họ khai rằng hai đạo hữu không vượt qua được khổ hạnh trong phép tu tịnh cốc và đã bị “trừng trị”, vì như vậy tín đồ đã là hiện thân của “ác quỷ”.

Những câu chuyện đau lòng nói trên là lời cảnh báo mạnh mẽ cho tệ nạn mê tín dị đoan trong xã hội hiện nay. Trên thực tế, thực hành mê tín dị đoan luôn nguy cơ xảy ra với bất cứ cá nhân, gia đình và cộng đồng nhóm cư dân nào, đồng thời rất dễ lây lan trong xã hội.

Tình trạng mê tín dị đoan có diễn biến phức tạp phải chăng do ranh giới giữa “tín ngưỡng” và “mê tín” là khá mong manh, khiến cho nhiều người dễ sa đà, mù quáng, tin vào những điều trái tự nhiên, phản khoa học?

Trả lời:

Nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào "thế lực siêu nhiên" là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan. Sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa hành vi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan khiến nhiều người không biết đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn và lành mạnh, cho nên dễ sa vào xu hướng tiêu cực.

Thậm chí, hành vi mê tín dị đoan còn được núp bóng tín ngưỡng để dễ dàng lừa gạt, làm mê muội người dân. Lợi dụng xu hướng này, mà một số đối tượng đã thực hiện hành vi mê tín dị đoan trái pháp luật, để rồi vì trình độ nhận thức thấp, thiếu khả năng xét đoán về mặt khoa học đã khiến một bộ phận người dân dễ tin vào "thế lực siêu nhiên", thần bí, vào điều phi lý, không có cơ sở thực tế, dễ bị kẻ xấu lừa đảo.

Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường cũng dẫn đến sự lầm tưởng về giá trị của chức quyền, của tiền tài và khiến nhiều người chạy theo những giá trị ảo. Từ đó nảy sinh ham muốn cầu xin "thần thánh" đem lại điều mà bản thân mong muốn. Ðó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao hiện tượng mê tín dị đoan ngày càng xảy ra nhiều hơn ở nhóm dân cư có trình độ nhận thức, tri thức cao. Càng có nghề nghiệp và thu nhập tốt, họ càng mong được thuận lợi hơn về công danh, tiền tài.

Mê tín dị đoan có ảnh hưởng như thế nào trong đời sống, xã hội hiện nay, thưa Luật sư?

Trả lời:

Hiện nay, để lôi kéo được nhiều người tham gia vào tổ chức, những kẻ cầm đầu các điểm, nhóm thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của người dân để tuyên truyền các luận điệu như ngày tận thế sắp đến, chia sẻ tình yêu thương, không cần làm gì cũng được sung sướng, … nhằm tác động đến suy nghĩ, hành động để họ đi theo tổ chức.

Lợi dụng tâm lý lập nghiệp, mong muốn làm giàu của thanh niên, sinh viên để mời họ tham gia các lớp học, hội thảo kỹ năng mềm, qua đó tuyên truyền về tổ chức, lôi kéo họ tham gia. Không chỉ tác động về mặt tâm lý, nhiều kẻ cầm đầu còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ về kinh tế như thuê nhà cho sinh viên ở các tỉnh xa, hỗ trợ tiền sinh hoạt, … để các sinh viên này tham gia và trở thành tín đồ lôi kéo bạn bè khác tham gia.

Nguy hiểm hơn, một số người đứng đầu các nhóm còn đưa ra những mức thưởng bằng vật phẩm hoặc tiền cho những ai lôi kéo được người thân, bạn bè, hàng xóm tham gia vào hội. Khi đã tham gia vào tổ chức này, nếu ai có ý định rời bỏ sẽ bị đe dọa là kẻ phản bội, phải bị xử tử, chết không được siêu thoát, …

Đối tượng bị lôi kéo chủ yếu là phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên hoặc những người nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh gia đình éo le, bất hạnh trong cuộc sống. Nhiều người vì tin triết lý này mà đập bỏ bàn thờ ông bà, tổ tiên, gia đình rơi vào cảnh ly tán; học sinh, sinh viên bỏ học, bỏ làm để đi theo tổ chức, tụ tập dụ dỗ, lôi kéo người khác.

Rõ ràng, hành vi mê tín dị đoan không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi cá nhân mà có tính chất lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt với những người nhẹ dạ cả tin dễ bị lôi kéo thì có thể gây ra mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Vậy những quy định của Pháp luật đối với vấn đề này ra sao? Có quy định nào của Pháp luật thừa nhận những vấn đề hay những chức danh cụ thể liên quan đến việc hành nghề mang yếu tố tâm linh không, thưa luật sư?

Trả lời:

Việt Nam đã ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có quy định:

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, Luật này cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Về vấn đề chức sắc, chức việc, nhà tu hành, Điều 32 Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương của tổ chức tôn giáo.

- Người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Ngoài ra, Điều 33 Luật này quy định:

- Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; mục sư của các tổ chức Tin lành; phối sư trở lên của các Hội thánh Cao đài; giảng sư trở lên của Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử.

- Đối với các trường hợp phong phẩm hoặc suy cử chức sắc không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức sắc cư trú và hoạt động tôn giáo chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày phong phẩm hoặc suy cử.

- Trường hợp người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc.

Trên thực tế thì có rất nhiều người tự xưng là “nhà ngoại cảm”, thậm chí họ xuất hiện rất thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy những “nhà ngoại cảm” này có được pháp luật công nhận không và việc hành nghề của họ có hợp pháp không, thưa luật sư?

Trả lời:

Pháp luật nước ta không có quy định cụ thể về công nhận “nhà ngoại cảm”. Trên thực tế hiện nay, những nhà ngoại cảm được công nhận khả năng phải là những người đã qua quá trình kiểm nghiệm của 3 cơ quan: Viện Khoa học hình sự bộ công an, Liên hiệp khoa học UIA, Trung tâm bảo trợ Văn hóa truyền thống. 3 cơ quan này hợp tác, liên kết hoạt động thành một khối và được nhà nước trao nhiệm vụ hoạt động ngoại cảm. Nếu “nhà ngoại cảm” có những hành vi biến tướng, trục lợi, lừa đảo, gây mất TTXH thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Trên thị trường thời gian qua cũng xuất hiện rất nhiều các băng đĩa nói về quá trình ngoại cảm, tìm hoài cốt của các nhà ngoại cảm này. Vậy việc mua, bán những băng đĩa này thì có được coi là tuyên truyền, phát tán mê tín dị đoan không? Nếu có thì hành vi này sẽ bị xử ly như thế nào, thưa luật sư?

Những hành vi này tuỳ thuộc vào hành vi cũng như số tiền trục lợi mà nhà ngoại cảm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Cụ thể:

Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì vi phạm quy định về nếp sống văn hóa thì người có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợ thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người có hành vi này nếu được lợi thì phải trả lại toàn bộ.

Thứ hai, về xử lý hình sự:

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, người có hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 về Tội hành nghề mê tín dị đoan. Cụ thể điều này quy định như sau:

- Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Làm chết người;

+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào tính chất, mức độ.

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thầy bói nếu có hành vi lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm, tù chung thân nếu có thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến nội dung này, chúng tôi cũng nhận được thắc mắc của bác Nguyễn Thị Minh ở Thái Bình với nội dung như sau: Gia đình tôi có nhu cầu tìm mộ của chú ruột, mất từ thời chiến tranh nên có tìm đến một nhà ngoại cảm khá nổi tiếng ở địa phương. Chúng tôi đã ứng trước 150 triệu đồng cho nhà ngoại cảm này để tiến hành tìm hài cốt. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, nhà ngoại cảm này vẫn không tìm thấy mộ của chú tôi. Nghi ngờ nhà ngoại cảm này không có khả năng thực sự, gia đình tôi yêu cầu dừng tìm kiếm và đòi lại số tiền 150 triệu nhưng ông ta nói đó là chi phí cho việc đi lại, ăn uống và không chịu hoàn lại tiền. Trong trường hợp này, gia đình tôi nên xử lý như thế nào và có thể khởi kiện nhà ngoại cảm này không? Xin luật sư tư vấn giúp?

Trả lời:

Gia đình bác Minh đã đưa cho nhà ngoại cảm này một số tiền để họ làm lễ tìm lại mộ của chú ruột có thể coi đây như một giao dịch hợp đồng. Nếu nhà ngoại cảm này không thể thực hiện được nghĩa vụ đã giao kết thì phải chịu Trách nhiệm do không thực hiện một công việc theo Điều 358, Bộ luật dân sự 2015.

Nếu thoả thuận không được, gia đình bác có thể tiến hành khởi kiện nhà ngoại cảm này và với số tiền 150 triệu đồng mà người này lấy của gia đình đã đủ để truy tố trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành nghề mê tín dị đoan theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Vâng, cũng liên quan đến việc hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả chúng tôi có nhận được điện thoại của thính giả tên Long ở Nam Định với nội dung như sau:

Chị gái tôi bị bệnh lâu ngày không khỏi, do tin lời xúi dục có ma quỷ nhập, cha mẹ tôi đã nhờ một thầy cúng trong làng về làm phép cho chị tôi. Tuy nhiên, sau khi ông thầy cúng này làm phép, gia đình tôi thấy trên người chị tôi có nhiều vết bầm tím, khi đưa đi bệnh viện khám thì bác sỹ nói là chị tôi bị đa chấn thương, tỷ lệ thương tật 37%. Khi hỏi chị tôi thì được biết trong lúc làm phép, thầy cúng đã dùng roi và gậy đánh chị tôi, nói là để đuổi tà. Gia đình tôi hiện đang rất bức xúc. Xin hỏi chương trình chúng tôi có thể yêu cầu thầy cúng kia bồi thường về sức khỏe cho chị tôi được không?

Trả lời:

Theo Điều 134 BLHS 2015 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; ...

Trong trường hợp của bạn, ông thầy cúng đã đánh chị của bạn và kết quả giám định tỷ lệ thương tật 37%, theo đó, thầy cúng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 134 BLHS về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tỷ lệ thương tổn nằm trong khoảng từ 31-60% thì sẽ bị phạt tù từ 02 đến 06 năm. Bên cạnh đó, Ông thầy cũng có thể sẽ bị truy cứu về Tội hành nghề mê tín dị đoan được quy định tại điều 320 BLHS 2015.

Ngoài ra, gia đình có thể yêu cầu ông thầy cúng bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, cụ thể là Khoản 1 Điều 584 “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, … của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường..” Nguyên tắc bồi thường cũng được BLDS quy định tại Điều 585 đó là “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời, các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường, có thể bồi thường bằng tiền/hiện vật, bồi thường có thể được thực hiện 1 lần hoặc chia làm nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu thầy cúng bồi thường và trình báo cơ quan công an về hành vi vi phạm pháp luật của ông thầy cúng.

Vâng, một câu hỏi khác của thính giả tên Trung gọi điện về chương trình có nội dung như sau: Tôi xin hỏi hành vi lên đồng có được coi là tuyên truyền mê tín dị đoan hay không? Và nó có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Và trường hợp đã xử phạt và tiếp tục tái phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?

Hiện nay pháp luật không cấm việc hầu đồng, lên đồng mà chỉ cấm các hành vi trục lợi từ việc hầu đồng và lên đồng.

Theo Khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;”

Ngoài ra, theo Điều 320 BLHS 2015 quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.” Hình phạt cao nhất là 10 năm tù.

Trường hợp tiếp theo muốn được nhận sự tư vấn của Luật sư là bạn Lê Minh Hùng ở Phú Yên: Bố em làm nghề thầy cúng, xem quẻ... Các nhà ở khắp nơi tới nhờ bố em cúng, và soi. Sau khi cúng cho nhà họ xong, bố em nói nhà họ có của và bảo các gia đình đào bới ở phần đất của các gia đình lên thì thấy hũ (dạng hũ lục bình), có của trong đó, hầu như làm 10 nhà thì 10 nhà đều đào được hũ thế là họ mua quà tặng cho bố em và xin bố em cho họ mở để lấy lộc, đến ngày mở thì bên trong không có gì. Vậy là họ bắt giữ bố em và quy tội lừa đảo. Bây giờ em phải làm gì ạ. Mong Luật sư tư vấn giúp e?

Trả lời:

Trong trường hợp này, nếu bố bạn có hành vi sử dụng mê tín dị đoan để trục lợi thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Nếu bố bạn chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hành nghề mê tín hoặc chưa từng bị kết án về tội này thì sẽ chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn về hành vi hành nghề mê tín dị đoan.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo thông tin bạn cung cấp có thể nhận thấy bố bạn chưa có hành vi lừa dối với mục đích chiếm đoạt tài sản do đó chưa có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn về tội này.

Vâng, qua câu hỏi của các vị thính giả cũng có thể thấy được phần nào những hệ lụy mà hành vi mê tín dị đoan mang lại, cho cả người mê tín và người hành nghề mê tín. Vậy để hạn chế tình trạng này, theo Luật sư cần có những biện pháp gì?

Trả lời:

Mê tín dị đoan rất khó để kiểm soát do chúng có liên quan đến tín ngưỡng của con người. Mặc dù pháp luật đã có một số chế tài và quy định để hạn chế nhưng thực tế, việc hành nghề mê tín dị đoan còn xảy ra rất thường xuyên và càng ngày càng biến thể theo nhiều hình thức.

Để hạn chế tình trạng này, trước tiên cần xây dựng nền giáo dục có hiệu quả với những phương pháp đúng đắn. Mỗi người dân cần tự bài trừ mê tín dị đoan thì mê tín dị đoan mới có thể triệt để biến mất. Đồng thời, các cơ quan chức năng, các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần tích cực nghiên cứu, quảng bá các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện của mê tín dị đoan

Ngoài ra, cần quy định cụ thể, rõ ràng các chế tài xử lý để điều chỉnh hành vi này. Lý do là bởi hiện tại đã có, tuy nhiên còn chưa chặt chẽ và vẫn có thể lách luật được. Ví dụ, các thầy bói sau khi xem thường nói “Tùy tâm.” Vậy đó có được coi là cố ý trục lợi từ việc xem bói hay không?

Xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà về những giải đáp vừa rồi. Thưa các đồng chí, thưa các bạn! Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để quản lý và ngăn chặn những hành vi lừa đảo, vô đạo đức của các nhà ngoại cảm “dởm”, có cơ chế cũng như các quy định Pháp luật rõ ràng để xử lý những hành vi trục lợi từ yếu tố tâm linh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao cảnh giác để tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi mắc phải bẫy lừa của các nhà ngoại cảm rởm cũng như những người hành nghề mê tín dị đoan . Đến đây, chúng tôi xin kết thúc chuyên mục Bạn và Pháp luật tuần này. Chương trình do Vương Dũng thực hiện, biên tập Thu Hiền, chịu trách nhiệm sản xuất Ngọc Dung, chịu trách nhiệm nội dung Bùi Anh Tuấn. Cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLaw đã đồng hành cùng chương trình, cảm ơn các đồng chí và các bạn đã để tâm theo dõi.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan