Tư vấn về mạo danh, chiếm đoạt trang cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật

Nội dung bài viết

Chuyên mục Bạn và Pháp luật đã mời Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật SB Law giải đáp những thắc mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật xung quanh các hành vi nhằm mạo danh để chiếm đoạt tài sản.

- PV: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, rõ ràng tình trạng mạo danh các cơ quan chức năng gọi điện thoại chuyển tiền là thủ đoạn khá phố biến, nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy, ông có bình luận gì không, thưa ông?

- LS. Nguyễn Thanh Hà:

Tình trạng mạo danh các cơ quan chức năng đã xuất hiện từ rất lâu, và có thời gian lắng xuống do bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý; người dân cũng đã biết và cảnh giác hơn. Tuy vậy, thời gian gần đây, thủ đoạn này lại được lặp lại và nhiều người dân vẫn bị sập bẫy, có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau: Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo có sự thay đổi, tinh vi hơn. Ví dụ: Thay vì yêu cầu các đối tượng bị hại chuyển tiền trực tiếp cho mình, thì đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại đến ngân hàng để mở thêm một tài khoản đứng tên của chính người bị hại; đồng thời, đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại do chúng cung cấp. Đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển hoặc nộp tiền vào tài khoản vừa mở với lý do cần kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại. Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username), mã kích hoạt, mật khẩu (password) của tài khoản Internet Banking vừa mở. Các đối tượng sử dụng thông tin do bị hại cung cấp đăng nhập chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên dẫn đến mất cảnh giác.

Bắt nguồn từ tâm lý e sợ của người bị hại khi dính dáng đến cơ quan cơ Công an, các cơ quan chức năng. Hơn nữa, các đối tượng này lại khai thác sâu vào tâm lý của người bị hại, đưa ra một số thông tin như CMND, thông tin người thân, những hoạt động của bị hại gần đây, ... làm cho người dân càng lo sợ vì thông tin ấy đúng với bản thân mình.

Các đối tượng đánh trúng tâm lý thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, không đủ minh mẫn, lo sợ liên quan đến pháp luật của người cao tuổi. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn tới bẫy lừa đảo này là người dân – đặc biệt là người cao tuổi – ít quan tâm đến cảnh báo của cơ quan chức năng, nên dù phương thức cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới.

- PV: Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật, mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có quy định cụ thể nào khác không, thưa ông?

- LS. Nguyễn Thanh Hà: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người nào đó bằng cách sử dụng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, hành vi của người này chỉ cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn những yếu tố quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- PV: Mức xử lý vi phạm cao nhất đối với hành vi này là gì, thưa luật sư?

- LS. Nguyễn Thanh Hà:

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Như vậy, theo quy định này thì mức xử lý cao nhất đối với hành vi này là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- PV: Liên quan đến chủ đề: những quy định pháp luật liên quan tới hành vi mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhiều thính giả đã gửi thư đến chương trình qua email phatthanhcand@gmail.com

Tôi xin trích đọc một bức thư của thính giả, để luật sư có thể tư vấn thêm. Thính giả Ngô Duyến, ở Quốc Oai, Hà Nội có gửi thư về chương trình với nội dung sau:

Con trai tôi có quen với một người bạn, hơn nó nhiều tuổi, được giới thiệu là đại úy quân đội, làm ở Tổng cục tỉnh báo và quen biết nhiều người và có thể xin việc cho con trai tôi. Sau nhiều lần đến nhà tôi chơi, người này còn mặc quân phục đàng hoàng. Nên gia đình tôi rất tin tưởng, đã đưa hơn 180 triệu cho người ta xin việc cho con trai. Ban đầu thì đối tượng tỏ ra rất đàng hoàng, còn dẫn con tôi đi gặp bên thứ ba, là một cán bộ của Bộ Công an đưa tiền trực tiếp. Nhưng một thời gian sau, qua thông tin đại chúng, tôi được biết, người ở bên thứ ba kia bị bắt, vì mạo danh công an. Con đối với anh bạn con trai tôi, tôi biết rằng mình đã bị lừa, ông này cũng là người mạo danh nốt. Nhưng tôi vừa muốn tố cáo, vừa sợ tố cáo thì không lấy lại được tiền. Luật sư cho tôi hỏi, Tôi mà khởi kiện thì có được pháp luật bảo vệ hay không? theo thông tin như vậy thì người này sẽ thuộc cung hình phạt nào, dân sự hay hình sự, mức án cao nhất là bao nhiêu năm, liệu tôi có thể được tòa xem xét để người này hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của tôi hay không?

- LS. Nguyễn Thanh Hà: Trong trường hợp này bạn nên lên cơ quan công an để tố cáo hành vi này của đối tượng và tất nhiên là bạn sẽ được pháp luật bảo vệ.

Việc giả mạo công an để lừa đảo, cụ thể là hơn 180 triệu, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt”.

Sau khi thu thập đủ chứng cứ để truy tố đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử, từ đó cơ quan chức năng sẽ giúp bạn lấy lại số tài sản đã mất.

- PV: Tôi xin được trích đọc một đoạn được đăng tải trên facebook cá nhân Bich Hiep khi chị trực tiếp chia sẻ trường hợp chị bị chiếm đoạt tài sản như sau:

Chiều hôm kia mình bị hack FB bởi đã vào bình chọn giọng hát Việt nhí 2019 theo tin nhắn của Nickname Huyền Đoàn người chị cùng khu, vợ của ông anh. Ngay sau đó, từ FB của mình bọn tội phạm đã nhắn tin hỏi bạn bè mình vay mượn, chuyển khoản vào TK một người tên Đinh Đình Đại, số tk 100868348794, ngân hàng Viettinbank, đến giờ mình biết là một cô em thân thiết đã ck 12 triệu vào số tk trên. Rất nhiều tin nhắn, cmt nghi hoặc “hay là nó túng thiếu vay thật mà làm trò kêu bị hack FB?” “Nhỡ bà ấy vay thật thì sao!”… Mình biết, rất nhiều người chịu cảnh ấm ức như mình mà không giải thích được. Bản thân mình chắc chắn không bao giờ bị mất tiền kiểu đó, nhưng vẫn còn không ít người vì tin tưởng hoặc sơ suất mà bị mất tiền oan cho nhóm tội phạm công nghệ cao này. Mình nghĩ không thể tặc lưỡi cho qua. Nay mình và bạn đã ck làm đơn trình báo đến Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ CA. Còn bạn nào lỡ ck mà không khai với mình hoặc quý vị nào cũng mất tiền oan kiểu như vậy thì hãy làm đơn tố cáo nhé!

Thưa luật sư, việc bị chiếm đoạt tài khoản trên facebook như trường hợp trên, thì theo ông, cách giải quyết tốt nhất là gì?

- LS. Nguyễn Thanh Hà: Khi bạn phát hiện nick facebook của mình bị hack và có dấu hiệu lừa đảo, bạn nên làm đơn tố cáo gửi đến Công an quận, huyện nơi bạn cư trú.

Trong đơn tố cáo, bạn cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở như nội dung tin nhắn, tài khoản ngân hàng của tên lừa đảo, biên lai hoặc bằng chứng chứng minh người bị lừa đã chuyển tiền cho tài khoản lừa đảo.

Đồng thời, mọi người khi sử dụng facebook không nên bấm vào kink qua cửa sổ chat vì tất cả các thông tin về tên đăng nhập và mất khẩu truy cập của chủ tài khoản đó được chuyển về hộp thư điện tử của đối tượng lừa đảo; thận trọng với các thông tin trao đổi qua mạng xã hội có liên quan đến chuyển tiền hay nạp thẻ cào qua mạng. Hạn chế công khai thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, nhất là cần đặt mật khẩu có độ khó cao.

- PV: Một thính giả khác đã gửi câu hỏi như sau: "Thưa chương trình, tôi có câu hỏi thế này, tôi và bạn bè của tôi đã từng bị ăn cắp facebook, rồi kẻ giả mạo nhắn tin đòi nạp thẻ điện thoại, đòi chuyển khoản… tôi muốn hỏi, nếu chỉ mạo danh trên mạng, không nhìn thấy thực tế, cũng không bắt được quả tang đối tượng thì pháp luật có xử lý không, và xử lý thế nào?"

- LS. Nguyễn Thanh Hà:

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, dường như không ai là không có ít nhất một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, mà phổ biến nhất là facebook. Và chuyện mạo danh người khác để phục vụ cho các mục đích xấu không còn là chuyện hiếm. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện giả mạo, người dùng nên gửi thông báo cũng như thông tin liên quan chứng minh trang của mình bị giả mạo cho facebook và đề nghị nhà cung cấp khóa trang giả mạo lại. Cùng với đó, cá nhân, tổ chức bị giả mạo khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan chức năng và lên tiếng trên trang chính thức của mình về việc bị giả mạo để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.

Luật Công nghệ thông tin ban hành từ năm 2006 nghiêm cấm hành vi giả mạo facebook. Việc giả mạo facebook có thể tùy mức độ sẽ được xử lý theo Bộ luật Hình sự. Nếu dùng facebook giả mạo nhằm mục đích thu lợi nhuận từ những hoạt động này thì quy vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự. Dù luật đã quy định như vậy, rất rõ ràng, nhưng dường như chưa có mấy vụ bị xử nghiêm đúng theo quy định của luật. Mặc dù tình trạng giả mạo facebook ngày càng nhiều và tràn lan gây tổn hại, phiền phức cho rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân khó có thể xử lý nghiêm, kịp thời các vụ giả mạo facebook chính là tính năng dễ xóa bỏ trên mạng xã hội. Khi bị phát hiện, kẻ mạo danh chỉ cần xóa tài khoản là xong, dù trước đó nó đã làm tổn hại rất nhiều đến người bị giả mạo. Thêm vào đó, việc tìm ra kẻ mạo danh trên mạng xã hội thực chất vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền quan tâm đúng mức. Đấy chính là lý do vì sao mà tình trạng này mỗi lúc càng thêm phổ biến. Thiết nghĩ, người sử dụng facebook nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa một thông tin nào đó lên trang cá nhân của mình, hãy tự bảo vệ mình vì các cơ chế pháp lý để bảo vệ người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn còn ít hiệu quả.

- PV: Thưa Luật sư, tôi thấy có rất nhiều các câu hỏi của thính giả xoay quanh việc pháp luật quy định thế nào đối với các hành vi giả mạo người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn tôi muốn được biết, nếu đã trở thành nạn nhân của một vụ việc rồi thì người bị hại được pháp luật bảo vệ ra sao? Họ cần phải đến đâu để khai báo và được bảo vệ quyền lợi, thưa ông?

- LS. Nguyễn Thanh Hà:

Theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Cơ quan điều tra bằng nghiệp vụ của mình sẽ tìm ra kẻ lừa đảo đưa họ ra xử lý theo quy định của pháp luật. Nạn nhân sẽ được trả lại số tiền bị lừa đảo. Do vậy khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân nên tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra Công an quận, huyện, nơi nạn nhân cư trú. Nạn nhân không nên e ngại mà không tố cáo mà phải tích cực tô giác nếu bị lừa dảo Từ đó cơ quan chức năng mới biết và xử lý những hành vi vi phạm. Từ ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, giúp các lực lượng chức năng giải quyết thông tin trên mạng được giải quyết một cách nhanh chóng.

Qua đó, người dân cần phải trang bị các kiến thức đầy đủ, tìm hiểu các thông tin một cách chính xác để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng.

- PV: Vâng, thưa luật sư theo ông thì pháp luật cần phải có thêm những điều khoản nào để có thể có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nhằm xử lý, răn đe các đối tượng vì lợi ích vật chất trước mắt mà mạo danh người khác?

- LS. Nguyễn Thanh Hà:

Thiết nghĩ, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các nhà mạng viễn thông lớn, nhắn tin đến các thuê bao điện thoại để cảnh báo thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm. Từ những tin nhắn này, sẽ kịp thời ngăn chăn được những vụ lừa đảo bởi người dân có thể nhận biết được tội phạm.

Bên cạnh đó, về phía các cơ quan pháp luật nên có sự phối hợp chặt trẽ với cơ quan báo chí để thông báo về các thủ đoạn phạm tội của loại tội phạm này để người dân đọc được và phòng tránh. Đây là việc hết sức quan trọng bởi như vậy khi người đọc được sẽ nâng cao nhận thức của người dân, từ đó các loại tội phạm sẽ hết cơ sở để tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công an các địa phương có thể kết hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của phường thủ đoạn cảnh báo. Được biết là rất nhiều người già đã từng đọc được cảnh báo của chính quyền trên hệ thống loa phường đã rất tỉnh táo và không bị mắc bẫy của bọn tội phạm.

- PV: Xin cám ơn những chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thanh Hà

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan