Trong bài "Mạnh tay hơn để những vi phạm bản quyền phần mềm máy tính không còn 'tự tung, tự tác" đăng trên báo Tin tức, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương- Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Từ năm 2018, việc xử lý những vi phạm sở hữu trí tuệ nói chung và vi phạm bản quyền phần mềm nói riêng, sẽ được siết chặt thêm, với quy định mới đưa trong trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung. Đã đến lúc những vụ việc nói nhẹ thì là “dùng chùa”, nói đúng bản chất thì là “ăn cắp bản quyền”, sẽ không còn có thể “tự tung tự tác” nữa.
Hành lang pháp lý chặt chẽ hơn
Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6/2017. Theo đó, nếu như những hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ theo luật cũ chỉ xử lý hành chính; thì với quy định tại BLHS mới, người thực hiện hành vi sẽ có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự (BLHS)năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cho các tội xâm phạm do doanh nghiệp thực hiện. Pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan, xâm phạm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý”, một đại diện văn phòng Luật cho biết.
Cũng theo đại diện này, điều 225 quy định về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” cũng có sửa đổi. Cụ thể,cá nhân phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù tới 5 năm; còn pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt từ 300 triệu - 1 tỷ đồng. Trường hợp phạm tội hai lần trở lên, hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu trở lên có thể bị phạt tới 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 2 năm. Ngoài ra, có thể áp dụng thêm nhiều hình phạt cho một pháp nhân thương mại như đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn.
Ngoài ra, BLHS sửa đổi cũng quy định rõ về các dấu hiệu của các tội xâm phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài dấu hiệu “trên quy mô thương mại”, BLHS sửa đổi còn sử dụng các dấu hiệu khác để giải quyết các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như lợi ích bất hợp pháp, tổn thất/thiệt hại của chủ thể/chủ sở hữu quyền tác giả. Thêm vào đó, lịch sử vi phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính của doanh nghiệp vi phạm cũng sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết vi phạm. Số lượng các dấu hiệu này đã được chỉ rõ nên chủ sở hữu cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dễ dàng giải quyết hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Đánh giá về BLHS 2015 (sửa đổi) với những bước tiến lớn khi xử lý tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có phần mềm máy tính, luật sư Phạm Duy Khương nói:” Điều này rất quan trọng trong việc chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì thực tiễn giải quyết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều năm qua cho thấy, hầu hết các trường hợp vi phạm trong giai đoạn này đều thực hiện bởi pháp nhân thương mại, thậm chí các pháp nhân thương mại đó còn được thành lập và hoạt động vì mục đích xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ ở Việt Nam. Đã đến lúc những vi phạm bản quyền cần phải đặt trong vòng kiểm soát và chịu chế tài đủ mạnh dựa trên hậu quả mà hành vi đó gây ra để đảm bảo những tài sản trí tuệ do người khác đầu tư công sức và kinh phí được bảo vệ. Hy vọng với các quy định mới, tiến bộ, BLHS 2015 (sửa đổi) khi có hiệu lực thi hành sẽ trở thành cơ sở pháp lý hữu hiệu chống lại các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam”.
Cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc
Ngay trước Tết Nguyên đán, ngày 5/2/2018, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng đã ký một văn bản về việc “khuyến nghị sử dụng chương trình máy tính tuân thủ các quy định pháp luật về quyền tác giả và tránh nguy cơ bị tấn công mạng”. Văn bản đã được gửi tới hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước, như một sự cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, công tác thực thi, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng đã từng bước đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả chương trình máy tính còn diễn ra với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng chương trình máy tính còn nhiều hạn chế”.
Theo văn bản này, hàng năm, Cục Bản quyền tác giả cũng đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp về việc sử dụng chương trình máy tính có bản quyền và cảnh báo về nguyên nhân chính dẫn tới các sự cố hệ thống thông tin của nhiều doanh nghiệp là do việc sử dụng chương trình máy tính có nguồn gốc không rõ ràng, dẫn tới máy tính bị lây nhiễm mã độc.
“Từ 1/1/2018, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với nhiều hành vi cấu thành tội phạm, trong đó có tội phạm về quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại điều 225 BLHS. Trước tình hình trên, bằng công văn này, Cục Bản quyền tác giả khuyến nghị các doanh nghiệp rà soát tình hình sử dụng chương trình máy tính tại doanh nghiệp mình, tuân thủ các quy định pháp luật về quyền tác giả, đồng thời tránh rủi ro bị tấn công mạng”, văn bản nhấn mạnh.
Cùng với sự vào cuộc của Cục bản quyền tác giả, thì Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng có những “động thái” để đẩy mạnh việc thực thi bản quyền nói chung, bản quyền phần mềm máy tính nói riêng.
Theo một lãnh đạo Thanh tra Bộ, công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính nói riêng là một trong những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH1, lần đầu tiên, trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định. Việc Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, theo đó pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về33tội phạm trong đó tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225.
“Hàng năm, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi hàng nghìn khuyến cáo đến các doanh nghiệp yêu cầu chủ động rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn bị các tài liệu phù hợp chứng minh quyền sở hữu giấy phép đối với tất cả các phần mềm đang sử dụng hoặc phân phối và khuyến nghị tới các doanh nghiệp việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả quyền liên quan sẽ chịu trách nghiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đồng thời cũng sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam kém hơn so với các doanh nghiệp cùng loại trong khu vực”, đại diện lãnh đạo này cho biết.
Được biết, trong năm 2017, thực hiện quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính của 63 doanh nghiệp (theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm của chủ sở hữu), số máy tính kiểm tra 2.472 máy tính, 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, số tiền xử phạt nộp vào ngân sách nhà nước là: 1.560.000.000 đồng; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, dỡ bỏ ngay các bản sao phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả phần mềm máy tính.Công ty phải làm việc với chủ sở hữu quyền tác giả để thỏa thuận, giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm quyền tác giả đối với phần mềm máy tính, có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu phần mềm và mua bản quyền phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Năm 2018, theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Thanh tra Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; để đảm bảo những quy định của pháp luật thực sự phát huy được hiệu quả.
Nguồn: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/manh-tay-hon-de-nhung-vi-pham-ban-quyen-phan-mem-may-tinh-khong-con-tu-tung-tu-tac-20180315165757475.htm
Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem:
0/5
(0 Reviews)