Lời giải cho bài toán nợ vay, thanh khoản
Những thương vụ M&A trên thị trường gần đây đã tô đậm câu chuyện tiếp cận tài chính theo hướng này.
Chẳng hạn, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa thông qua Nghị quyết về việc triển khai phương án chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu trong quý IV/2023 và quý I/2024. Với giá chào bán từ 12.000 - 14.500 đồng/cổ phần, Hòa Bình dự kiến thu về tối đa 3.190 tỷ đồng từ đợt phát hành. Toàn bộ số tiền thu về sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng…
Theo công bố, có hai nhà đầu tư nước ngoài dự kiến tham gia đợt chào bán của Xây dựng Hòa Bình, bao gồm Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd mua 100 triệu cổ phiếu và Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company mua 120 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu sau chào bán là 18,99% và 22,79% vốn điều lệ.
Cùng với kế hoạch trên, Hòa Bình cũng phát hành 32,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ. Hòa Bình đã thua lỗ 4 quý liên tục, tính từ quý IV/2022, với lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối quý III/2023 là gần 3.000 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19, khó khăn của nền kinh tế, thị trường bất động sản đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Tại ngày 30/9/2023, Hòa Bình có tổng nợ vay ở mức 5.150 tỷ đồng, gấp gần 15 lần vốn chủ sở hữu.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) đang hoàn tất các thủ tục để chào bán riêng lẻ 57 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 855 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện thương vụ là trong quý IV/2023 và quý I/2024. Mục đích của đợt phát hành là có nguồn vốn để tăng sở hữu tại công ty con là Đất Xanh Services (mã DXS) thêm tối đa 27,6 triệu cổ phiếu DXS.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Đất Xanh là 50%, do đó, hồi giữa năm, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua việc tạm thời “khóa room” ngoại ở mức 45,34% để chuẩn bị cho đợt chào bán riêng lẻ.
Trong khi đó, Hưng Thịnh cũng thông báo kế hoạch bắt tay với Marubeni - tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Hai bên hợp tác đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới TP. Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Ông Masato Tachibana, đại diện Tập đoàn Marubeni cho biết: “Hai bên sẽ cùng chia sẻ, đánh giá kỹ tình hình thực tế để đưa ra các bước triển khai tiếp theo hiệu quả, nhanh chóng cho dự án đã chọn lựa ở TP. Thủ Đức, TP.HCM. Đây sẽ là tiền đề để hai tập đoàn đồng hành trong nhiều dự án tiềm năng khác”.
Trong khi đó, Novaland hoán đổi cho đối tác Dallas Vietnam Gamma Ltd số cổ phần trị giá 1.000 tỷ đồng tại hai công ty thành viên. Giao dịch này đổi lấy việc hủy bỏ số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua của Novaland từ tháng 2/2022 hồi đầu năm. Đây được xem là bước đi quan trọng trên lộ trình xử lý bài toán thanh khoản của tập đoàn bất động sản này.
Tương tự, Novaland đang thương lượng với nhóm trái chủ Ad Hoc Group về phương án tái cơ cấu cho khoản nợ trái phiếu.
Nhiều thành viên thị trường cho rằng, dù có khó khăn, nhưng nhìn chung các nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao Novaland và kết quả từ các nỗ lực đàm phán vừa qua cho thấy các đối tác ngoại nhìn nhận tiềm năng của doanh nghiệp này trong dài hạn và sẵn sàng hợp tác (thông qua hình thức hoán đổi) cùng Novaland.
Bất động sản thu hút dòng vốn ngoại
Theo ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL, điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam là quy mô dân số 100 triệu người, các lĩnh vực phát huy lợi thế của thị trường đông dân là điện, nước, thực phẩm y tế và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngành xây dựng, bất động sản dù đang gặp khó khăn cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nhìn chung, giới đầu tư đánh giá thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, dù nguồn cung chưa thể “cởi trói” ngay vì việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản không thể tiến hành trong một sớm một chiều. Thị trường bất động sản hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Hiện số nhà đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản vẫn tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia...
Từ góc nhìn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư ngoại đang cho thấy niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đã giảm xuống, nhưng vẫn sẵn lòng đầu tư vào Việt Nam. Quan trọng hiện tại là Việt Nam cần xác định được rào cản từ việc quan tâm tới quyết định giải ngân của nhà đầu tư ngoại ở mức độ nào, đặc biệt những khó khăn chính mà các công ty nước ngoài gặp phải liên quan tới các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá. Có 4 yếu tố quan trọng trong cấu trúc giao dịch: kỳ vọng giá, pháp lý, tính minh bạch và cấu phần tài chính. Hiện Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực để cải thiện khung pháp lý được đưa ra trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hy vọng từ năm 2024, với sự thông thoáng hơn, M&A dự án bất động sản sẽ sôi động hơn.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ma-thoi-tien-kho-post334670.html