M&A dưới góc nhìn Luật Cạnh tranh

Nội dung bài viết

Luật Cạnh tranh là một trong bốn luật quan trọng ảnh hưởng lớn tới thị trường M&A nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung. Luật sư Nguyễn Tiến Hòa thuộc Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn về tác động của Luật Cạnh tranh 2018 tới hoạt động M&A tại Việt Nam. SB Law trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn.

Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với Luật Cạnh tranh 2004. Sự thay đổi này có tác động không nhỏ tới thị trường M&A ở Việt Nam.

M&A là chữ viết tắt của hai từ tiếng Anh là “merger” (sáp nhập) và “acquisition” (mua lại). Có thể hiểu đây là hoạt động mà các chủ thế tiến hành mua lại vốn hoặc tài sản hoặc cả hai trong doanh nghiệp mục tiêu để có thể chi phối hay kiểm soát doanh nghiệp đó. Lý do để các doanh nghiệp tiến hành M&A cũng đa dạng: có thể là để hạn chế cạnh tranh, mở rộng thị trường hay hoàn thiện chuỗi sản xuất của mình.

Như vậy, có thể thấy giá trị tích cực mà M&A đem lại cho các bên trong giao dịch là không nhỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, với những điều kiện nhất định, các giao dịch này có thể phá vỡ cấu trúc cạnh tranh trên thị trường và gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng.

M&A trong pháp luật cạnh tranh còn gọi là hành vi tập trung kinh tế. Theo đó, bao gồm các hình thức sau: (1) Sáp nhập doanh nghiệp; (2) Hợp nhất doanh nghiệp; (3) Mua lại doanh nghiệp; (4) Liên doanh giữa các doanh nghiệp và (5) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Sự thay đổi của Luật Cạnh tranh 2018

Thứ nhất, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng so với Luật Cạnh tranh 2004. Cụ thể: Luật Cạnh tranh 2004 chỉ điều chỉnh những giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam thì đến Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, tức là bất cứ một hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch M&A nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường Việt Nam thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.

Thứ hai, nếu như Luật Cạnh tranh 2004 quy định cấm tập trung kinh tế dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường liên quan thì trong Luật Cạnh tranh 2018, các nhà lập pháp đã thay đổi cách tiếp cận của mình. Luật mới thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của doanh nghiệp, có những đóng góp tích cực trong hoạt động kinh doanh. Do đó, Luật chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi này gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.

Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ – CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh. Ngưỡng thông báo này được xác định theo các căn cứ sau: Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Theo đó, nếu giao dịch M&A dưới ngưỡng kiểm soát, các bên được tự do tiến hành mà không cần thực hiện bất cứ một thủ tục gì; còn nếu giao dịch M&A thuộc ngưỡng kiểm soát, các bên bắt buộc phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, tùy vào việc cơ quan này thẩm định mà giao dịch sẽ có thể được tiến hành hoặc bị cấm.

Những lưu ý cho doanh nghiệp khi tiến hành M&A

Doanh nghiệp cần phải đánh giá vị trí của mình và cả công ty mục tiêu trên thị trường liên quan. Trong các điều kiện phải thông báo tập trung kinh tế, có những điều kiện rõ ràng, doanh nghiệp có thể tự xem xét, đánh giá như: Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên; Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;…

Có thể thấy, các ngưỡng thông báo này ở Việt Nam hiện nay là thấp, cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước đối với hoạt động M&A. Nếu doanh nghiệp không thông báo sẽ bị xử phạt. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chú ý đến các ngưỡng này và xem xét khả năng giao dịch dự kiến sẽ thuộc diện phải thông báo tập trung kinh tế. Qua đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các thông tin, tài liệu, phương án, ngân sách trong trường hợp phải thực hiện thủ tục này.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động M&A, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc tham vấn Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và các chuyên gia trong ngành.

Bạn đọc có thể xem thêm tại: https://enternews.vn/m-a-duoi-goc-nhin-luat-canh-tranh-194651.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan