Luật Thủ đô (sửa đổi) có giúp Hà Nội giải quyết những hạn chế, bất cập?

Nội dung bài viết

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường vào sáng 27.11. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thành Hà - Chủ tịch công ty luật SB Law, Thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội về vấn đề này.

Sau 10 năm triển khai Luật Thủ đô, ông đánh giá thế nào về những hiệu quả Luật mang lại?

Luật Thủ đô năm 2012 được ban hành không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn hướng tới các chính sách riêng về văn hóa, lịch sử và bảo tồn nhằm duy trì những bản sắc riêng biệt của Hà Nội.

Sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cùng với các cơ chế chính sách đặc thù được ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống, giúp cho TP Hà Nội chủ động hơn trong ưu tiên đầu tư thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thể hiện được thế mạnh Thủ đô.

Trong những năm thi hành Luật Thủ đô, theo UBND TP Hà Nội, kinh tế TP Hà Nội tăng trưởng khá và đóng góp tích cực trong tăng trưởng của cả nước. Ngoài ra, Luật cũng giúp môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng; phát triển khoa học và công nghệ được đẩy mạnh; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân được bảo đảm và nâng cao…

Luật Thủ đô (sửa đổi) có giúp Hà Nội giải quyết những hạn chế bất cập
Luật Thủ đô (sửa đổi) có giúp Hà Nội giải quyết những hạn chế bất cập

Theo Luật sư, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung giải quyết những vấn đề bất cập gì?

Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách, trong đó, tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính - ngân sách cho phát triển của Thủ đô; Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục, đào tạo Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Luật Thủ đô (sửa đổi) còn phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...

Tuy nhiên, những vấn đề này đang được xem xét và lấy ý kiến, chúng ta cùng chờ đợi phương án cuối cùng trong dự thảo Luật hoàn chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Kỳ vọng phát triển kinh tế thủ đô Hà Nội
Kỳ vọng phát triển kinh tế thủ đô Hà Nội

Với việc sửa Luật Thủ đô, ông kỳ vọng sẽ có sự thay đổi gì trong phát triển kinh tế và xã hội của Thủ đô Hà Nội?

Từ đề xuất của TP Hà Nội về việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, chúng ta cùng kỳ vọng vào việc sửa đổi này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh.

Dự án Luật không chỉ được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm mà cộng đồng các doanh nghiệp cũng mong đợi, kỳ vọng Luật ban hành sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước...

Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/ky-vong-luat-thu-do-sua-doi-giup-ha-noi-giai-quyet-nhung-han-che-bat-cap-1267180.ldo?gidzl=6dI74VBbOK8GQuOV-_jWH1bfWHxiyMz4LZE07x-cD4TTCeCVugja4muuXK7WeJ5AM3FJ4p3ReDPgyEHWJG

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan