Với tư cách là chuyên gia độc lập của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện (Dự án GIG) của Hoa Kỳ, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã cùng đoàn công tác của Bộ Tư Pháp tham gia nghiên cứu, đánh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Qua cuộc khảo sát nhận thấy, quy mô thị trường tư vấn pháp lý của Việt Nam còn rất nhỏ, ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, nơi có hơn 300 nghìn doanh nghiệp trong đó có 110 nghìn doanh nghiệp có hoạt động thực sự, đóng góp cho ngân sách thông qua hoạt động tư vấn luật của các luật sư mới khoảng 1000 tỷ, vì vậy, các công ty luật và luật sư cần tăng cường công tác marketing để có nhiều khách hàng hơn, phải đưa luật sư thành một ngành dịch vụ phát đạt và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Qua khảo sát, cũng thấy một hiện tượng nữa là hiện có 70 công ty luật nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam và có hơn 200 luật sư nước ngoài làm việc tại đây, tuy nhiên, với thực tế là các luật sư nước ngoài với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh từ nước ngoài, thường tiếp cận được nhiều khách hàng lớn và đôi khi, họ cũng hợp tác với các công ty luật Việt Nam để xử lý công việc, nhưng họ nhận 10 phần thì luật sư Việt chỉ nhận được 2 phần, đây là một thực tế đáng để các công ty luật Việt Nam suy nghĩ và tìm cách hướng ra thị trường quốc tế.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhiều công ty luật nước ngoài không được làm đại diện tại Việt Nam đã nhờ các luật sư Việt nam đứng tên, lập công ty luật Việt Nam và tiến hành nộp đơn trực tiếp tại Cục SHTT, việc này cũng gây ra việc cạnh tranh không bình đẳng giữa công ty luật Việt Nam và nước ngoài.
Các nội dung này cũng sẽ được đoàn khảo sát đưa vào báo cáo để gửi Bộ tư pháp, làm cơ sở để đánh giá tình hình và đề ra các quy định hỗ trợ hoạt động tư vấn luật.