Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức buổi tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” và ra mắt Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, việc hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, việc thúc đẩy tài chính xanh rất quan trọng nhằm điều hướng nguồn lực tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường.
Mặc dù tài chính xanh là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam nhưng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cả khu vực công và tư. Thông qua các chiến lược tài chính xanh, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình để hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Để nhìn nhận rõ hơn về thực trạng cũng như triển vọng phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức buổi tọa đàm “Triển vọng Phát triển Tài chính xanh”.
Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nhân, luật sư, gồm: TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia; TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh; TS Ngô Công Thành, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC);
Ông Tô Trần Hòa - Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; bà Nguyễn Thu Thủy - Phụ trách Ban Chiến lược, Phát triển và Quan hệ quốc tế, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC);
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw; ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc phụ trách Tài chính bền vững FiinRatings; ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc tài chính PAN Group; bà Phạm Thị Minh Hương - Phó giám đốc Dịch vụ phát triển bền vững Deloitte Việt Nam.
Về phía cơ quan chủ quản là Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) có sự hiện diện của: TS Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội; Th.S Lê Long Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội; PGS.TS Nghiêm Thị Thà - Tổng thư ký Hiệp hội.
SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của LS Nguyễn Thanh Hà tại hội thảo:
Liên quan đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm.
Ông dẫn chứng, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để thay thế cho Quyết định số 1393/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh.
Quyết định số 1658 cũng đề ra 4 mục tiêu chính, bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Sau đó là Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể trải rộng trên 4 chủ đề chính là: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; và thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ở phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 - 2019, NHNN cũng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế.
Song, luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng thừa nhận rằng dù bắt đầu từ sớm nhưng khung pháp lý về tài chính xanh, kinh tế xanh vẫn chưa được như kỳ vọng.
“Chúng ta đã bắt đầu xây dựng khuôn khổ, hành lang pháp lý từ 12 năm trước và dần hoàn thiện qua từng giai đoạn. Song, trên thực tế, những quy định điều chỉnh liên quan đến tài chính xanh, kinh tế xanh tương đối chậm. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thiếu rất nhiều quy định về xây dựng thị trường tín chỉ carbon như chưa có quy định về quyền liên quan, chưa xác định quyền sở hữu thuộc về nhà nước hay doanh nghiệp… Việc thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định pháp luật ảnh hưởng rất nhiều lên quyết định của các nhà đầu tư vào thị trường này”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hà cũng đề cập đến một số vướng mắc trong ngành năng lượng tái tạo. Theo ông, “năng lượng tái tạo là một trong những ngành đóng góp rất lớn vào tài chính xanh, kinh tế xanh. Tuy nhiên, chúng ta đang rơi vào tình trạng dư thừa năng lượng khi nhiều dự án về năng lượng tái tạo dư thừa nhưng vẫn chưa được kết nối vào lưới điện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất đầu tư của các nhà đầu tư”.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng chưa xây dựng các bộ tiêu chí xanh khác nhau cho từng ngành cụ thể như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… “Thiếu quy định pháp lý cùng với những vướng mắc kể trên, chặng đường phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh ở nước ta vẫn đang còn nhiều thách thức”, ông Hà nhận định.