Luật sư SBLAW làm diễn giả trong tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Niềm tin và Trách nhiệm”

Nội dung bài viết

Khoảng trống đột ngột và đang tiếp tục kéo dài trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với “nút thắt” cơ chế còn để ngỏ…

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.

Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.

Đã bốn tháng qua hoạt động phát hành TPDN mới rơi vào khoảng trống đột ngột. Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN) được cho là nguyên do.

Song, trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng…, cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.

Chính trong bối cảnh ngột ngạt room tín dụng, dòng vốn đầu tư công không phát huy được vai trò và giá trị dẫn kết, nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp tăng cao, thì cầu nối thị trường TPDN lại phát sinh khoảng trống đột ngột kéo dài.

Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn, trong đó có trọng tâm thị trường TPDN với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025.

Mục tiêu đó có khả thi? Giải pháp nào hàn gắn thị trường TPDN với khoảng trống hiện nay? Cơ chế chính sách điều chỉnh hướng nào? Niềm tin trên thị trường sau những rủi ro phát sinh? Trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường này cần nhìn nhận thế nào?

Hướng đến những nội dung trên, sáng ngày 13/9, Nhịp sống Doanh nghiệp, BizLIVE sẽ tổ chức buổi Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Niềm tin và Trách nhiệm” (tại Khách sạn Hòa Bình – 27 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Các diễn giả tham dự Tọa đàm:

– TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

– TS. Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

– TS. Trương Văn Phước – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

– TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

– TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

– Ông Don Lambert – Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

– TS. Trịnh Quang Anh – Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam

– TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

– Ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch Hội đồng Quản trị AzFin

Tham dự Tọa đàm có đại diện khối đầu tư, kinh doanh giấy tờ có giá, khối nghiên cứu thị trường liên ngân hàng, khối phân tích, khối truyền thông của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và các nhà đầu tư cá nhân.

Sau đây chúng tôi trân trọng giới thiệu tham luận của luật sư Nguyễn Thanh Hà tại tọa đàm:

Một số kiến nghị về sửa đổi Nghị định 153 vào chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

 Nghị định 153/2020/CP-NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với những quy định tương đối thông thoáng đã góp phần hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điển hình là trường hợp của Tân Hoàng Minh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường các biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm, sớm ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, đầu quý II/2022, Bộ Tài chính đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP (lần 5) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tuy nhiên, với tư cách là một luật sư, đã tư vấn cho một số doanh nghiêp phát hành trái phiếu, tôi nhận thấy một số quy định tại dự thảo này lại khá ngặt nghèo khiến doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn quan trọng này.

Như vậy là các nhà làm luật và chính sách lại chuyển từ cực nọ sang cực kia, từ chỗ rất thông thoáng lại rất chắt, bóp nghẹt thị trường.

Những vấn đề mà tôi thấy có những điểm bất hợp lý trong dự thảo lần thứ 5 như sau;

Thứ nhất, Điều 1.1 Dự thảo (sửa đổi Điều 5.1 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo tại Tờ trình, quy định nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty trong cùng tập đoàn huy động để chuyển vốn cho nhau.

Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn. Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, tập đoàn thường sẽ không trực tiếp đảm nhận dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó, đặc biệt là với các dự án đầu tư sang lĩnh vực hoặc dự án có độ rủi ro cao.

Dù vậy, trong trường hợp đó, công ty con mới rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu.

Quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại tọa đàm

Thứ hai, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.d Nghị định 153/2020/NĐ-CP) yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu. Quy định này cần phải xem xét cụ thể lại như sau:

 + Xác định vào thời điểm bán là không cần thiết. Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm đảm bảo các cá nhân nhỏ lẻ không chuyên có thể tham gia vào lĩnh vực này. Tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường) và do đó yêu cầu này sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó;

+ Xác định vào thời điểm mua không thực sự cần thiết. Theo thông tin tại Tờ trình, nhà đầu tư có lách các quy định hiện nay bằng các biện pháp với chi phí thấp (chỉ 1,5 – 2 triệu đồng). Việc xác định lại tư cách nhà đầu tư tại mỗi thời điểm mua không thể giải quyết được vấn đề này, vì người mua trái phiếu một vài lần vẫn có thể chịu được phí tổn này, còn người mua trái phiếu nhiều lần thì rất có thể cũng được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vấn đề nằm ở tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán tại Điều 11 Luật Chứng khoán, hay phải Luật Chứng khoán mới giải quyết được vấn đề này.

Thứ ba, Điều 1.21 Dự thảo (bổ sung Điều 34.2a Nghị định 153/2020/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, quy định cần xem xét thêm ở tính rõ ràng.

Các hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành là tương đối rộng, trong đó có những hành vi vi phạm nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, do đó quyền được mua lại trong trường hợp này là không hợp lý.

Việc này tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là chỉ khi doanh nghiệp phát hành có những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nhà đầu tư không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì mới phát sinh quyền này.

Ngoài ra, tính hợp lý trong một số trường hợp, dù thay đổi mục đích sử dụng, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận và có nhu cầu giữ trái phiếu. Khi đó, quy định doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm mua lại trái phiếu trước hạn là không hợp lý.

Ngoài ra, Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Quy định này, là “đánh đố” những doanh nghiệp khởi nghiệp vì hầu hết những doanh nghiệp này không thể có lãi ngay do đầu tư ban đầu quá lớn.

Nếu các quy định này được thông qua và áp dụng, chắc chắn đối tượng phát hành và đối tượng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Vì vậy, thiết nghĩ, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu. Điều đó sẽ rất khó cho thị trường.

Do đó, cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Đồng thời, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Bên cạnh đó, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm.

Để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro. Trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan