Trong bài "Luật sư phân tích lùm xùm Sky Music xâm phạm bản quyền âm nhạc" đăng trên báo Giao Thông, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Sky Music phải chứng minh, Người biểu diễn hoặc tổ chức ghi âm/ghi hình có tư cách pháp lý, hoặc buổi biểu diễn đã được thực hiện tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.
Liên quan tới sự việc Sky Music bị tố xâm phạm bản quyền nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, luật sư Phạm Duy Khương - Đồng sáng lập Hãng luật SBLaw đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý.
Luật sư chỉ ra, điều đầu tiên cần phải xác định được chủ thể sử dụng quyền liên quan được quyền sử dụng các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền liên quan như thế nào.
Theo quy định tại Điều 44 của Luật SHTT 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Sau đây gọi là Luật SHTT) thì chủ sở hữu quyền liên quan sẽ bao gồm các tổ chức, cá nhân sau: - Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan. - Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan. - Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan. |
Trong trường hợp của Sky Music, đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền liên quan chính là bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn của người biểu diễn. Do đó, chủ sở hữu quyền liên quan trong trường hợp này sẽ là người biểu diễn hoặc chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình. Với điều kiện là các chủ thể nêu trên không có thỏa thuận khác với các bên liên quan.
Đây là điều kiện rất quan trọng để xác định quyền của các bên liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình.
"Trong Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), trong phần định nghĩa về quyền liên quan có sử dụng chính xác cụm từ là “Quyền liên quan đến quyền tác giả” (Điều 4.3 của Luật SHTT), sau đó gọi tắt là “Quyền liên quan”.
Chính vì gọi tắt này nên nhiều người đã nhầm lẫn rằng: Quyền liên quan tách rời hoàn toàn với Quyền tác giả", luật sư Khương phân tích.
Trường hợp của Sky Music, vì là bản ghi âm, ghi hình nên trước tiên phải khẳng định rằng, các bản ghi âm/ghi hình này sẽ phải gắn liền với các tác phẩm âm nhạc.
Anh cũng cho hay, trước khi đi vào các thỏa thuận cụ thể về chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, cần phải loại trừ trường hợp Người biểu diễn và/hoặc Tổ chức ghi âm, ghi hình được phép sử dụng tác phẩm âm nhạc không cần phải xin phép, không cần phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc.
"Xem xét Điều 25 của Luật SHTT thì Sky Music có thể viện dẫn quy định tại Điều 25.e hoặc 25.g để chứng minh cho quyền sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền thù lao, nhuận bút.
Tuy nhiên, Sky Music cũng cần phải chứng minh rằng, Người biểu diễn hoặc tổ chức ghi âm/ghi hình có tư cách pháp lý, hoặc buổi biểu diễn đã được thực hiện trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu Sky Music không có chứng cứ chứng minh, nghĩa là việc sử dụng tác phẩm để biểu diễn và ghi âm, ghi hình phải xin phép, phải trả tiền nhuận bút thù lao cho tác giả/chủ sở hữu tác giả. Hành vi sử dụng tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị coi là xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28.8 của Luật SHTT", luật sư Khương cho hay.
Anh phân tích, giả sử, chủ sở hữu quyền tác giả đã chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm cho Người biểu diễn hoặc Tổ chức ghi âm, ghi hình và/hoặc Sky Music thì Sky Music được phép sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của tác phẩm âm nhạc mà không cần phải quan tâm đến quyền của chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc nữa.
Nếu trường hợp này xảy ra, có nghĩa là Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được xuất trình để chứng minh cho thỏa thuận hợp pháp của các bên có liên quan. Vì theo quy định tại Điều 46 của Luật SHTT, Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản.
Nếu Sky Music, Người biểu diễn, Tổ chức ghi âm, ghi hình không thể cung cấp được bất cứ Hợp đồng chuyển nhượng nào thì rõ ràng, không có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc đã chuyển nhượng hợp pháp các tác phẩm âm nhạc của mình cho các bên có liên quan.
Trong trường hợp chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc cho phép Người biểu diễn/Tổ chức ghi âm/ghi hình hoặc Sky Music được phép sử dụng các tác phẩm âm nhạc của mình, có nghĩa là Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc giữa các bên liên quan đã được ký kết bằng văn bản. Bởi, đây là điều kiện bắt buộc theo quy định tại Điều 48 của Luật SHTT.
Nếu không bên nào xuất trình được Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc đã ký với chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc, có nghĩa là các tuyên bố về quyền sử dụng hợp pháp bản ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc của Sky Music, Tổ chức ghi âm, ghi hình hoặc Người biểu diễn đều là các tuyên bố vô căn cứ.
Cần phải lưu ý, vì Sky Music không phải là tổ chức phát sóng theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên việc xem xét quy định tại Điều 26 - "Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao của Luật SHTT" là không cần phải đặt ra.
Tuy nhiên, Sky Music vẫn có thể viện dẫn Điều 33.2 của Luật SHTT để khẳng định, mình không cần phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh, thương mại của mình.
Nhưng khi xem xét quy định tại Điều 33.2 của Luật SHTT thì cần phải khẳng định rằng tổ chức, cá nhân chỉ được miễn nghĩa vụ phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận với tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả, bên cạnh việc phải thanh toán cho Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
Điều đó có nghĩa là, nếu Sky Music không thanh toán tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì vẫn có thể bị xem là thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28.8 của Luật SHTT.
Điều 33.2 của Luật SHTT quy định “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật” |
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/luat-su-phan-tich-lum-xum-sky-music-xam-pham-ban-quyen-am-nhac-d250444.html