Trong bài "Luật sư 'phàn nàn' về bất cập trong thu - chi phí đường bộ" đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Dưới góc độ pháp lý Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SBLAW cho rằng việc thu - chi phí bảo trì đường bộ trong thời gian qua ... "không ổn một chút nào".
Cụ thể, đó là những bất cập nào, thưa ông?
Trên thực tế, việc thu và chi phí bảo trì đường bộ đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Bất cập đầu tiên chính là thiếu minh bạch trong phân bổ nguồn.
Thông tư 60/2017TT-BTC hướng dẫn về phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Trung ương rồi cấp lại cho từng địa phương, đang bộ lộ những điểm hạn chế và thiếu minh bạch trong việc sử dụng quỹ này.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2017/TT-BTC quy định về lập, giao dự toán chi phí Quỹ địa phương cho thấy: “căn cứ nguyên tắc phân chia kinh phí” cho từng Quỹ địa phương quy định vào (chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy tiêu chuẩn theo đăng ký tại địa phương về nguồn thu ngân sách của từng địa phương), thì phần địa phương được hưởng cho cả thời kỳ ổn định ngân sách và xây dựng phương án phân bổ dự toán chi từ nguồn phí sử dụng đường bộ hàng năm là "35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước" cho từng địa phương cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách…
Như vậy, tôi cho rằng con số 35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước tái cấp lại cho từng địa phương để phục vụ cho mục đích bảo trì đường bộ có đảm bảo được quyền lợi mà các chủ phương tiện đã đóng hay không đang là câu hỏi bỏ ngỏ cần đi tìm lời giải từ các cơ quan chức năng.
Hơn nữa, mục đích của việc thu này phải nhằm phục vụ cho bảo trì đường bộ, đồng nghĩa với quyền lợi và nghĩa vụ của người dân có phương tiện khi đóng phí phải được đảm bảo, thế nhưng trên thực tế phí này đang được cắt xén để phục vụ cho một mục đích khác (chưa được xác định cụ thể, công khai…), và tỷ lệ trích lại cho địa phương để phục vụ cho mục bảo trì đường bộ chỉ xấp sỉ 1/3 từ nguồn thu là khó có thể châp nhận. Hay nói cách khác là quyền lợi của người dân đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.
Bất cập thứ 2 chính là việc hiện tại chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về việc thu – chi phí bảo trì đường bộ.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống đường bộ đầy đủ, đồng bộ để theo dõi tình trạng hệ thống giao thông đường bộ làm căn cứ đưa ra thời gian, chu kỳ phải sửa chữa khi lập kế hoạch bảo trì.
Thời gian trở lại đây, hàng loạt tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT để thu phí. Liệu có tình trạng phí chồng phí trong lưu thông đường bộ?
Trong một số trường hợp sẽ xuất hiện tình trạng phí chồng phí tại các dự án BOT. Cụ thể, tại tuyến đường mà chủ đầu tư chỉ cải tạo tuyến đường cũ mà không đầu tư mới, không đưa ra cho người dân và doanh nghiệp sự lựa chọn trong việc sử dụng đường thì như vậy là vi phạm nguyên tắc của đường BOT. Tình huống này sẽ xuất hiện tình trạng phí chồng phí bởi người dân và doanh nghiệp vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ, vừa phải đóng phí BOT.
Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên tạo ra sự bức xúc của người dân về các dự án BOT.
Những bất cập này đã tạo ra những hệ lụy như thế nào, thưa ông?
Những bất cập như thế ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp và người dân vì chi phí vận tải và lưu thông cấu thành lên giá hàng hoá và dịch vụ, làm cho giá hàng hoá và dịch vụ tăng không hợp lý.
Với việc đầu tư cải tạo đường quốc lộ gây ra tình trạng phí chồng phí, tạo ra những bất ổn về mặt xã hội như tình trạng phản đối tại các trạm thu phí. Bên cạnh đó, những bất cập về mặt thu phí và không sử dụng hợp lý sẽ dẫn tới việc người dân không tin vào việc đóng góp, ảnh hưởng tới việc huy đồng của người dân và doanh nghiệp, không tạo ra được sự đồng thuận của xã hội về một chủ trương đúng.
Vậy ông có để xuất phương án nào để khắc phục những bất cập này, thưa ông?
Thực tế từ nhiều năm nay, phí bảo trì đường bộ đang là gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải nói riêng và mỗi đầu chủ phương tiện nói chung. Do đó, việc thu phí bảo trì đường bộ cần phải minh bạch, sử dụng đúng mục đích cho việc duy tu, bảo trì đường bộ. Hàng năm, cần có cơ quan kiểm toán vào để đưa ra những số liệu về thu chi của Quỹ, công bố công khai cho người dân hiểu.
Đồng thời, cần phải thay đổi lại cách thu phí bảo trì đường bộ để đảm bảo được quyền lợi của chủ phương tiện, không thể thu cố định một lần và đổ đồng trên đầu phương tiện như hiện nay, trong khi quyền lợi của chủ phương tiện chưa được xác định một cách công khai, minh bạch.
Cần tính lại tỷ lệ chia cho địa phương, xem xét là với tỷ lệ chia cho địa phương là 35% như hiện nay có đủ chi để bảo trì đường bộ hay không, hay cần nâng tỷ lệ này lên.
Tiền thu được từ thu phí bảo trì đường bộ thì phải sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ chứ không thể dùng tiền này để đầu tư cho mục đích khác.
Các cơ quan chức năng có thể học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài về việc thu, chi Quỹ này, làm sao bảo đảm quyền lợi của người đóng phí được bảo đảm, tránh trường hợp phí chồng phí và chất lượng đường không được đảm bảo.
Nguồn: http://enternews.vn/luat-su-noi-gi-ve-nhung-bat-cap-trong-cong-tac-thu-phi-duong-bo-124344.html