Luật sư nói gì về việc không cho giáo viên mầm non tư thục trông, giữ trẻ tại nhà?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về việc không cho giáo viên mầm non tư thục trông, giữ trẻ tại nhà trên báo VOV. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Các luật sư cho rằng, phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân tự ý ban hành công văn không cho phép giáo viên mầm non tư thục trông, giữ trẻ tại nhà là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, tạo khó khăn cho giáo viên và phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận.

Như VOV đã phản ánh, mới đây, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Xuân (Hà Nội) ban hành công văn yêu cầu các giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục, lớp mẫu giáo độc lập tuyệt đối không tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhà riêng của giáo viên, nhân viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng, chống dịch bệnh. Vấn đề này đang đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Dưới góc độ pháp lý, các luật sư đã bày tỏ quan điểm của mình.

Theo TS. LS. Đặng Văn Cường, hoạt động giáo dục được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, phải thực hiện hoạt động giáo dục và đào tạo theo quy định của ngành Giáo dục, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù. Việc các cơ sở giáo dục có hoạt động hay không, hoạt động như thế nào trong thời điểm dịch bệnh, phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể trên từng địa phương, theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp

Việc phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của toàn xã hội hiện nay, tuy nhiên, hiện chỉ có Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân có những quy định siết chặt việc dạy và trông, giữ trẻ tại nhà của giáo viên mầm non tư thục như vậy. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, quy định về hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như quy định về dạy thêm, học thêm ở Thủ đô sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội quyết định, căn cứ vào các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân ban hành công văn để hạn chế nhu cầu trông, giữ trẻ tại nhà của giáo viên mầm non tư thục là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, tạo khó khăn cho các giáo viên và phụ huynh, học sinh, có thể gây ra những bức xúc trong dư luận.

Với diễn biến kéo dài của dịch bệnh thì gần như các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó phần lớn là giáo dục mầm non đóng băng, không thể hoạt động được trong một thời gian dài, nhiều cơ sở đã phải đóng cửa, phá sản, nhiều giáo viên mất việc làm phải đi làm những công việc lao động chân tay. Bởi vậy, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục không chỉ là đảm bảo về chất lượng hiệu quả, tiến độ giảng dạy mà còn phải quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, giáo viên, kể cả các giáo viên tư thục, dân lập, tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cần phải được quan tâm tạo điều kiện như nhau để ổn định cuộc sống.

“Rất nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm, không phải ai cũng có thể nhờ người thân trông, giữ con ở nhà. Bởi vậy, nhu cầu nhờ người trông, giữ trẻ theo nhóm đang ngày càng gia tăng. Việc Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đưa ra quy định như vậy sẽ đụng chạm đến quyền lợi không chỉ của giáo viên mà còn đối với các bậc phụ huynh học sinh, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Bởi vậy, Phòng GD&ĐT quận nên xem xét lại văn bản này về cả nội dung hình thức và mục đích của văn bản”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19
Các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19

Cũng theo luật sư Cường, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành để quản lý hoạt động giáo dục đào tạo, để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, giáo viên, các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh, học sinh.

Cùng với đó, cần đưa ra các quy định có tính chất hài hòa, hợp lý, tạo công ăn, việc làm cho các giáo viên dân lập, tư thục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có cơ hội duy trì và các cán bộ, giáo viên có thu nhập trong thời điểm dịch bệnh.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw chia sẻ, việc Phòng GD&DT quận Thanh Xuân (Hà Nội) ban hành công văn này cho thấy sự cứng nhắc trong công tác quản lý hoạt động giáo dục nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra vô cùng phức tạp. Trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo, mầm non vẫn đang nằm trong diện được xem xét, cân nhắc việc có nên tiêm hay không, với thể trạng còn non nớt thì đây là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ trong thời kỳ dịch bệnh này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw

Từ góc độ của lãnh đạo Phòng GD&DT quận Thanh Xuân, việc bảo vệ sức khoẻ nhất là đối với trẻ em dưới 6 tuổi vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc ban hành công văn mới đây của đơn vị này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những giáo viên mầm non tư thục đang chật vật kiếm sống do phải nghỉ dịch quá lâu, bên cạnh đó, còn ảnh hưởng tới những gia đình đang cần người trông nom con cái để có thì giờ đi làm, mưu sinh.

Với những quan điểm như vậy, ông Hà cho rằng, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân nên nghiên cứu một giải pháp hài hòa, vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo an sinh cho các giáo viên mầm non, vừa giải quyết việc trông, giữ trẻ cho các gia đình có nhu cầu. Nếu chỉ đưa ra phương án cấm thì rất khó quản lý và kiểm soát, đặc biệt, trên một địa bàn rộng và có mật độ dân cư lớn như quận Thanh Xuân.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, nếu căn cứ theo tinh thần “zero Covid” thì việc lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đưa ra quyết định cấm là phù hợp. Tuy nhiên, nếu đã xác định sống chung với dịch bệnh như hiện nay thì quyết định nêu trên có phần chưa hợp lý và thiếu linh hoạt. Do đó, cơ quan này nên xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đơn cử như chỉ cho phép trông, giữ trẻ tại nhà khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về phòng, chống dịch. Chúng ta đang ở trong giai đoạn mới, phải thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 chứ không nên cấm đoán bất cứ một việc làm nào hay tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nữa.

“Việc quy định như vậy vừa tạo điều kiện về việc làm cho giáo viên, vừa đáp ứng được nhu cầu tìm người trông trẻ của nhiều phụ huynh. Các cơ quan chức năng có thể đưa ra các gói cứu trợ nhằm hỗ trợ giáo viên trong thời gian không được hành nghề để giáo viên bớt khó khăn, tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói./.

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/luat-su-noi-gi-ve-viec-khong-cho-giao-vien-mam-non-tu-thuc-trong-giu-tre-tai-nha-910834.vov

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan