Luật sư Nguyễn Tiến Hòa tham gia chương trình phóng sự truyền hình Sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý.

Nội dung bài viết

(S&Blaw) Trong phóng sự truyền hình Sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý của Đài truyền hình Vĩnh Long, luật sư Nguyễn Tiến Hòa, giám đốc chi nhánh S&B Law thành phố Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của các phóng viên truyền hình, sau đây là nội dung buổi phỏng vấn:

Phóng viên: Ông có nhận xét gì về việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị mất từ tay Trung Quốc?

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa:Trước khi đưa ra ý kiến về việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị một công ty Trung Quốc đăng ký mất, tôi xin được nêu sơ qua một vài quy định về đăng ký nhãn hiệu cũng như những quy định liên quan đến tên địa danh (geographical name) và chỉ dẫn địa lý (geographical indication) của Trung Quốc.

Khi quy định về nhãn hiệu thì Luật nhãn hiệu của Trung Quốc sử dụng phương pháp loại trừ để xem xét một dấu hiệu có thể được sử dụng hoặc được đăng ký như một nhãn hiệu hay không. Nghĩa là các nhà làm luật Trung Quốc liệt kê ra các dấu hiệu không được sử dụng như là một nhãn hiệu và những dấu hiệu không được bảo hộ như một nhãn hiệu. Nghĩa là một dấu hiệu nếu không nằm trong các trường hợp đã được luật liệt kê trong hai trường hợp đã nêu thì có thể được sử dụng hoặc được bảo hộ nhãn hiệu cho các tổ chức cá nhân.

Đối với trường hợp thứ nhất tức trường hợp những dấu hiệu không được sử dụng như một nhãn hiệu, Điều 10 của Luật này liệt kê 8 trường hợp cụ thể chẳng hạn như các dấu hiệu trùng với tên quốc gia, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của Trung Quốc hoặc của các quốc gia khác (trừ trường hợp được quốc gia này cho phép sử dụng), của các tổ chức liên chính phủ quốc tế – intergovermental organization (trừ trường hợp được các tổ chức này cho phép sử dụng).... và đặc biệt tên địa danh của cơ quan quản lý từ cấp tỉnh của Trung Quốc trở lên hoặc tên địa danh nước ngoài đã trở nên phổ biến (foreign geographical name known to the public) sẽ không thể được sử dụng như một nhãn hiệu trừ khi tên địa danh này có nghĩa khác hoặc là một bộ phận của nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể

Đối với trường hợp thứ hai, Điều 11 của Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định dấu hiệu là tên chung, hình dáng hoặc số lượng của hàng hóa/dịch vụ hay chỉ dẫn về chất lượng, nguyên vật liệu hoặc chức năng, công dụng của hàng hóa hay những dấu hiệu không có khả năng phân biệt thì sẽ không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu;

Ngoài ra, Điều 16 của Luật này cũng quy định rõ “dấu hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hóa mà sản phẩm hàng hóa không thực sự có nguồn gốc tại khu vực mang chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho xã hội thì sẽ không được đăng ký nhãn hiệu và việc sử dụng dấu hiệu này bị cấm”. Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định một trường hợp loại trừ thể hiện rõ “nếu việc đăng ký được thực hiện trung thực thì việc bảo hộ vẫn có hiệu lực”.

Như vậy, trong các quy định mà tôi viện dẫn nêu trên, Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc đã có những quy định cụ thể về việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu liên quan đến tên địa danh hay chỉ dẫn địa lý. Vậy tại sao các nhãn hiệu “Buon Ma Thuot” vẫn được đăng ký cho công ty tại Trung Quốc?

Trước khi trả lời câu hỏi trên tôi xin lưu ý rằng có sự khác nhau rõ ràng giữa “tên địa danh” và “chỉ dẫn địa lý”.

Chỉ dẫn địa lý là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bên cạnh nhãn hiệu hay sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp và có điều kiện bảo hộ rõ ràng. Ở đây, theo các quy định của các công ước quốc tế chẳng hạn như hiệp định TRIPS thì một địa danh chỉ có thể được bảo hộ như là chỉ dẫn địa lý nếu hàng hóa/dịch vụ có những uy tín, tính chất, chất lượng đặc thù chủ yếu do xuất xứ địa lý nhất định. Điều này cũng phù hợp với các quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay hay Luật Nhãn hiệu Trung Quốc mà tôi đã viện dẫn ở trên.

Như vậy, khi xem xét các quy định của Luật nhãn hiệu của Trung Quốc với trường hợp cụ thể là cà phê Buôn Ma Thuột thì tôi cho rằng tại thời điểm công ty tại Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu yếu tố “Buon Ma Thuot” không được Cục sở hữu trí tuệ Trung Quốc coi là “tên địa danh đã được biết đến bởi công chúng” hay là “chỉ dẫn địa lý”.

Để có thể lấy lại tên “Buon Ma Thuot” có nhiều phương án chẳng hạn như chứng minh tại thời điểm các đơn đăng ký được nộp “Buôn Ma Thuột là địa danh đã được biết đến tại Trung Quốc” hoặc chứng minh “Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và Người nộp đơn đã không trung thực trong việc nộp đơn đăng ký này”. Theo như tôi biết thì hiện tại chúng ta đang tiến hành theo phương án 2 và vụ việc cũng đã được đưa vào tinh trạng có tranh chấp trên cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu của Trung Quốc. Về khả năng giành chiến thắng, tôi tin là chúng ta có thể lấy lại tên “Buôn Ma Thuột” nhưng tất nhiên vẫn có những khó khăn nhất định.

Đây là một vụ việc tuy đáng tiếc nhưng cũng là một bài học quan trọng làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các tài sản trí tuệ, thương hiệu quốc gia. Theo tôi được biết, sau vụ việc này, đã có nhiều địa phương bắt đầu tập trung cho việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý, tên địa danh cho những sản phẩm đặc trưng của mình chẳng hạn như tỉnh Bắc Giang đã tiến hành việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế”, “Vải thiều Lục Ngạn” hay “rượu Mẫu Sơn”, “Hoa hồi Lạng Sơn” của tỉnh Lạng Sơn.

Phóng viên: Theo ông, việc chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ tại nước này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam?

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Thông thường khi đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu, người nộp đơn trước tiên hướng đến việc bảo vệ độc quyền nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình và sau đó là quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tức quyền khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với các hành vi sản xuất, sử dụng, nhập khẩu, quảng cáo, mua bán các sản phẩm mang nhãn hiệu trùng hay tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của mình.

Trong vụ việc này, rõ ràng tại thời điểm hiện tại các nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” đã được bảo hộ cho công ty tại Trung Quốc nhưng liệu công ty này có quyền yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu này hay không?

Câu trả lời cho câu hỏi trên đã có thể một phần được giải đáp khi mà từ thời điểm được bảo hộ năm 2010 đến nay, chủ sở hữu nhãn hiệu của nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” vẫn chưa hề có bất cứ động thái nào trong việc khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan có chức năng của Trung Quốc xử lý xâm phạm hay ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm cà phê có xuất xứ từ “Buôn Ma Thuột” của chúng ta vào Trung Quốc.

Hơn nữa, về mặt pháp lý thì theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 358 của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 15/09/2002 thì trong trường hợp “Nhãn hiệu đã được bảo hộ có chứa tên chung, hình dáng và mẫu mã của hàng hóa hoặc trực tiếp thể hiện chất lượng, nguyên vật liệu, chức năng, mục đích sử dụng, trọng lượng, số lượng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, hoặc chứa tên địa danh, thì chủ sở hữu độc quyền sử dụng của nhãn hiệu không có quyền ngăn cản việc sử dụng công bằng các yếu tố này bởi chủ thể khác

Như vậy, trong trường hợp “Buôn Ma Thuột” được coi là tên địa danh thì chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng tên này.

Tuy nhiên, theo tôi hậu quả tai hại nhất mà việc này đưa lại chính là uy tín của các sản phẩm cà phê “Buôn Ma Thuột” của chúng ta có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại thị trường Trung Quốc hoặc các thị trường khác trong trường hợp công ty Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm cà phê này sang thị trường các nước thứ ba.

Chương trình sẽ được phát sóng vào hồi 16h30thứ 7, ngày 23-3 trên TH Vĩnh Long 1

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan