Luật sư Nguyễn Thanh Hà góp ý báo cáo “Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”

Nội dung bài viết

Ngày 03/6/2022, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng tài liệu hướng dẫn cho quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên Minh Châu Âu và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu Lập pháp thuộc Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… cùng các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và đại diện các vụ, đơn vị Ban Nội chính Trung ương.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có góp ý về báo cáo “Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu toàn văn góp ý của Luật sư Nguyễn Thanh Hà được trình bày dưới đây:

Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chào và lời cảm ơn trân trọng đến Quý Cơ quan đã mời tôi đến dự buổi góp ý vào ngày 3/6/2022 cho báo cáo “Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” (sau đây được gọi tắt là “Báo cáo”).

Qua nghiên cứu bản Báo cáo, tôi có một số góp ý dưới đây:

Chuẩn mực đạo đức, ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động tư pháp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp là hết sức cần thiết nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tư pháp.

Tại Báo cáo, Ban Nội chính Trung Ương đã đưa ra được thực trạng việc hướng dẫn bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam. Cụ thể:

  • Báo cáo chỉ ra thực trạng Việt Nam hiện nay chưa có một bộ QTUX nào có tài liệu giải thích, hướng dẫn được ban thành chính thức. Từ đó dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Bộ QTĐĐUX trong lĩnh vực tư pháp.
  • Ngoài Bộ QTĐĐUX dành cho Thẩm Phán, Kiểm sát viên, Luật sư thì QTĐĐUX dành cho Công chứng viên, Đấu giá viên, Chấp hành viên mới chỉ ở dạng chung chung.
  • Báo cáo đã đề cập đến những kinh nghiệm của các quốc gia và các tổ chức trong quá trình xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn Bộ QTĐĐUX trong lĩnh vực tư pháp. Để từ đó đúc rút những kinh nghiệm cho Việt Nam, đó cũng là một trong những cơ sở để xây hoàn thiện kiến nghị về xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn bộ QTĐĐUX trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Báo cáo đã đưa ra những kiến nghị nhằm hướng đến việc xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn bộ QTĐĐUX trong lĩnh vực tư pháp cũng như kiến nghị về xây dựng cấu trúc của bộ tài liệu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại hội thảo
Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, Báo cáo vẫn còn một số điểm tồn tại như sau:

Thứ nhất, về kinh nghiệm của một số quốc gia về xây dựng tài liệu hướng dẫn cho quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp, báo cáo có đề cập kinh nghiệm của 4 tiểu bang và quốc gia, nhưng về phần chi tiết chỉ nêu ra 3 quốc gia là bang California, Philipin và Canada. Đề nghị nhóm tác giả xem lại nội dung này.

Thứ hai: Về kinh nghiệm của các quốc gia, theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, là quốc gia có thể chế chính trị, kinh tế và cũng đang tiến hành cải cánh tư pháp trong điều kiện một Đảng lãnh đạo như Việt Nam để có thể có những lưu ý tốt hơn và có bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng tài liệu hướng dẫn cho bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp.

Thứ ba: Báo cáo chưa đề cập tới tài liệu hướng dẫn bộ quy tắc đạo đức và ứng xử cho các chức danh tư pháp khác như Điều tra viên và chấp hành viên, nếu đưa được nội dung này vào sẽ có giá trị thực tiễn cao hơn.

Thứ tư: Về kiến nghị xây dựng Ủy ban đạo đức trong báo cáo chưa thực sự phù hợp với thực tế của Việt Nam, cụ thể:

  • Tuy nhiều quốc gia trên thế giới tồn tại hình thức Ủy ban đạo đức (thành viên có thể bao gồm các học giả, cựu Thẩm phán, Luật sư đã nghỉ hữu và các chuyên gia khác). Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham vấn thường xuyên; các tham vấn không có giá trị áp dụng bắt buộc những có giá trị thuyết phục cao, có thể được công khai để mở rộng phạm vi tác động với các trường hợp tương tự.
  • Trên thực tế thì việc xây dựng Ủy ban đạo đức có phần chưa thực sự phù hợp tại Việt Nam vì một số nguyên nhân sau:
  • Một là, trên thực tế đã tồn tài một số cơ quan phụ trách việc giám sát/ xử lý vi phạm liên quan tới việc thực hiện QTĐĐUX của Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư như: Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC và Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật thuộc LĐLSVN. Các cơ quan nêu trên thực hiện việc chuyên môn hoá quản lý của mình đối với từng đối tượng riêng biệt (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư) do đó thay vì cần thành lập thêm một cơ quan thì có thể thực hiện việc mở rộng chức năng nêu trên nhằm thực hiện việc quản lý một cách hiệu quả và tinh giảm các cơ quan trong quản lý tư pháp.
  • Hai là Ủy ban đạo đức tác động tới cả Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư nhưng về cơ chế thì không có tính áp dụng bắt buộc thì phần nào làm giảm đi tính nghiêm minh đối với các chủ thể nêu trên.
  • Ba là Ủy ban đạo đức mang tính chất tương tác không công khai, tham vấn ẩn danh thì về mặt tích cực có thể khuyến khích các chủ thể có liên quan thực hiện việc tham vấn thường xuyên nhưng còn bỏ ngỏ về vấn đề minh bạch trong hoạt động tham vấn.
  • Bốn là về cơ cấu thành viên của Uỷ ban đạo đức (bao gồm các học giả, cựu Thẩm phán, Luật sư đã nghỉ hưu và các chuyên gia khác) tuy nhiên nếu không có quy định, chỉ tiêu trong việc bầu chọn các thành viên thì khó lòng đưa ra được các tham vấn mang tính chính xác, công bằng. Ngoài ra, Uỷ ban đạo đức còn có thể được tham gia bởi các các bộ đương chức, tuy nhiên đây cũng là nguy cơ mở ra việc bỏ lọt hành vi vi phạm.
  • Toàn cảnh hội thảo
    Toàn cảnh hội thảo

Do đó, thay vì phải thành lập thêm Uỷ ban đạo đức, nhóm tác giả nên nghiên cứu một cơ chế sử dụng nguồn nhân lực hiện có của các cơ quan ban hành nhằm phát huy được hết quyền hạn và tránh chồng chéo trong việc thực hiện Bộ QTĐĐUX.

Thứ năm, Báo cáo đang thiếu đi những dẫn chứng và số liệu về việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử.

Theo đó, Báo cáo cần bổ sung thêm một số số liệu hoặc vụ việc cụ thể việc sai phạm trong thực hiện QTĐĐUX đối với các chủ thể Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư từ đó mới tăng được sức thuyết phục trong việc cần thiết phải ban hành chính thức tài liệu, hướng dẫn thực thi quy định của từng Bộ QTĐĐUX.

Trên đây là một số góp ý của tôi đối với bản Báo cáo. Rất mong Quý cơ quan quan tâm, ghi nhận để hoàn thiện Báo cáo.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan