Sb Law rất vinh dự khi được đồng hành cùng chương trình Công nghệ Kiến tạo với sự tham gia của Luật sư Nguyễn Thanh Hà. Với kinh nghiệm chuyên sâu về pháp lý công nghệ, Luật sư Hà đã chia sẻ và giải đáp nhiều câu hỏi quan trọng, góp phần làm rõ các khía cạnh pháp luật trong lĩnh vực công nghệ hiện đại.
Câu hỏi 1: Từ góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về thực trạng khung pháp lý cho blockchain và tài sản số tại Việt Nam hiện nay? Những điểm nào còn thiếu hoặc chưa rõ ràng?
Từ góc độ pháp lý, có thể nói rằng Việt Nam đang chuyển dịch từ trạng thái “thiếu hụt hành lang pháp lý” sang giai đoạn “định hình và hoàn thiện khung pháp lý cho blockchain và tài sản số”, đặc biệt với sự ra đời của Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 – một đạo luật mang tính cột mốc trong tiến trình xây dựng nền tảng pháp lý cho kinh tế số.
- Trước Luật Công nghiệp Công nghệ số: khoảng trống pháp lý và rủi ro thực tiễn
Trước khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua (ngày 14/6/2025), khung pháp lý điều chỉnh blockchain và tài sản số tại Việt Nam còn khá phân tán và thiếu thống nhất, thể hiện qua các điểm sau:
Thứ nhất, chưa có văn bản pháp lý định danh tài sản số: Các loại tài sản như token, tiền mã hóa, tài sản ảo, NFT... chưa được pháp luật công nhận rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác lập quyền sở hữu, thực hiện giao dịch, xử lý vi phạm hay phân xử tranh chấp.
Thứ hai, việc thiếu phân loại pháp lý rõ ràng giữa các loại tài sản số: Không có sự phân biệt giữa token tiện ích (utility), token chứng khoán (security), hay stablecoin, dẫn đến lúng túng trong giám sát và cấp phép.
Thứ ba, nguy cơ rửa tiền, lừa đảo, vi phạm quyền riêng tư: Khi pháp luật chưa đủ rõ ràng, người dùng đối mặt với nhiều rủi ro do thiếu biện pháp bảo vệ hợp pháp, trong khi các mô hình đầu tư, ICO, giao dịch P2P diễn ra sôi động trên thị trường phi tập trung.
- Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025: Đặt nền móng pháp lý cho tài sản số và blockchain
Luật Công nghiệp Công nghệ số có hiệu lực từ 01/01/2026 (một số điều từ 01/7/2025) – đã lần đầu tiên xác lập địa vị pháp lý rõ ràng cho tài sản số, với ba điểm đột phá:
Trước tiên, đã định nghĩa và công nhận tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa, là một dạng tài sản hợp pháp có thể được sở hữu, giao dịch và bảo vệ quyền lợi theo quy định pháp luật.
Tiếp theo, đặt ra khung quản lý tài sản số trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là blockchain, thông qua việc giao Chính phủ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế giám sát, chuẩn dữ liệu và quy tắc minh bạch thông tin.
Và cuối cùng, Bảo đảm quyền sở hữu, quyền chuyển nhượng và tính bảo mật thông tin trong giao dịch tài sản số, khẳng định nguyên tắc công nhận quyền tài sản số như một phần của hệ sinh thái kinh tế số quốc gia. Với hơn 1/5 dân số Việt Nam đang sở hữu tiền mã hóa (theo báo cáo Triple-A 2024), việc luật hóa tài sản số không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn cấp thiết, mà còn là bước đi chiến lược giúp Việt Nam chủ động quản lý và phát triển lĩnh vực blockchain thay vì bị động đối phó.
- Những điểm cần tiếp tục làm rõ và hoàn thiện
Mặc dù luật đã tạo nền tảng quan trọng, song để khung pháp lý phát huy hiệu quả trong thực tiễn, vẫn còn một số điểm cần được tiếp tục hoàn thiện trong các văn bản dưới luật, bao gồm:
- Cơ chế phân loại tài sản số theo mục đích sử dụng: Cần có hướng dẫn cụ thể để xác định loại tài sản nào chịu sự điều chỉnh của luật dân sự, tài chính, chứng khoán hay tiền tệ.
- Thiết lập sandbox pháp lý để thử nghiệm công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, đất đai, y tế, giáo dục... Một khuôn khổ thử nghiệm linh hoạt sẽ cho phép doanh nghiệp sáng tạo trong không gian pháp lý an toàn và có kiểm soát.
- Cơ chế bảo vệ người dùng và xử lý rủi ro tài chính: Cần có quy định về nghĩa vụ công bố thông tin, bảo hiểm tài sản số, cơ chế giải quyết khiếu nại và biện pháp chế tài khi có hành vi gian lận, thao túng thị trường.
- Công nhận hợp đồng thông minh (smart contract) và dữ liệu trên blockchain như chứng cứ pháp lý trong các giao dịch dân sự, thương mại hoặc thủ tục hành chính điện tử.
Việc ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 đã đánh dấu bước chuyển căn bản trong tư duy quản lý đối với blockchain và tài sản số, đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, thành công của khung pháp lý này sẽ phụ thuộc lớn vào năng lực triển khai, khả năng phối hợp liên ngành, và việc ban hành kịp thời các quy định chi tiết, cụ thể hóa nguyên tắc luật định thành hành lang pháp lý rõ ràng, khả thi và thân thiện với đổi mới sáng tạo.
Câu hỏi 2: Việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho blockchain và tài sản số đang đặt ra những rủi ro pháp lý nào cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước?
Thực tế, việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng cho blockchain và tài sản số đang khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước phải đối mặt với nhiều rủi ro đáng kể.
Trước hết, các dự án blockchain hiện nay phần lớn vẫn hoạt động trong "vùng xám pháp lý" – tức là chưa bị cấm nhưng cũng chưa được công nhận chính thức. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khi triển khai sản phẩm, mở rộng hoạt động, hoặc tiếp cận vốn đầu tư. Nhiều startup buộc phải đăng ký pháp nhân ở nước ngoài như Singapore, Estonia… để có thể gọi vốn và vận hành hợp pháp.
Với nhà đầu tư, rủi ro còn lớn hơn. Khi xảy ra tranh chấp ví dụ như mất token, dự án phá sản, bị lừa đảo thì rất khó để đòi lại quyền lợi, vì pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể để công nhận tài sản số là một loại tài sản hợp pháp. Thậm chí, việc đưa tranh chấp ra tòa cũng gặp vướng mắc vì không rõ cơ sở pháp lý để xử lý.
Ngoài ra, các vấn đề về thuế, kê khai tài sản, phòng chống rửa tiền… cũng đang bỏ ngỏ. Do chưa có hướng dẫn rõ ràng, nhiều doanh nghiệp có thể vô tình vi phạm nghĩa vụ tài chính hoặc bị truy thu thuế xử phạt hành chính.
Tóm lại, rủi ro lớn nhất hiện nay chính là sự bất định. Khi pháp luật chưa theo kịp công nghệ, các chủ thể tham gia thị trường rất dễ rơi vào trạng thái “không biết đúng sai”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn khiến Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Câu hỏi 3: Theo ông, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý cho blockchain và tài sản số từ những quốc gia nào, và có thể áp dụng những mô hình nào phù hợp với bối cảnh Việt Nam?
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia đi đầu trong xây dựng khung pháp lý cho blockchain và tài sản số như Singapore, Thụy Sĩ, Estonia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Những quốc gia này đều có cách tiếp cận linh hoạt, minh bạch và khuyến khích đổi mới trong khuôn khổ pháp luật.
Thứ nhất, Singapore là một hình mẫu điển hình khi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành các hướng dẫn rõ ràng về tiền mã hóa, token và các dịch vụ tài chính sử dụng blockchain. Quốc gia này cũng triển khai mô hình sandbox khuôn khổ pháp lý thử nghiệm giúp các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường được quản lý rủi ro.
Thứ hai, Thụy Sĩ nổi bật với “Crypto Valley” tại Zug – nơi tập trung nhiều công ty blockchain toàn cầu nhờ môi trường pháp lý thân thiện, minh bạch và được giám sát bởi Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA). Mô hình của Thụy Sĩ cho phép doanh nghiệp phát triển trong một khuôn khổ tin cậy, được luật pháp bảo vệ.
Thứ ba, Estonia là một ví dụ tiêu biểu trong việc tích hợp blockchain vào hệ thống chính phủ điện tử. Quốc gia này sử dụng blockchain để đảm bảo tính minh bạch, an toàn trong quản lý dữ liệu công dân và dịch vụ hành chính công, góp phần nâng cao lòng tin của người dân đối với chính phủ số.
Thứ tư, UAE, đặc biệt là Dubai, đã có chiến lược blockchain rõ ràng khi triển khai “Dubai Blockchain Strategy”, áp dụng công nghệ này vào các dịch vụ công và xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình kết hợp giữa định hướng quốc gia và hỗ trợ thực tiễn cho doanh nghiệp.
Đối với Việt Nam, mô hình sandbox theo hướng của Singapore và Anh quốc có thể là lựa chọn phù hợp, bởi tính linh hoạt và khả năng quản lý rủi ro trong quá trình thử nghiệm. Việt Nam có thể cho phép một số lĩnh vực như tài chính, logistics, y tế và giáo dục áp dụng thử nghiệm blockchain trong khuôn khổ quản lý chặt chẽ, qua đó đánh giá hiệu quả và hoàn thiện khung pháp lý trong tương lai. Để phát triển bền vững, Việt Nam cần sớm thành lập tổ công tác liên ngành nghiên cứu và xây dựng chiến lược quốc gia về blockchain. Chiến lược này cần kết hợp giữa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết lập tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng và đào tạo nguồn nhân lực. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và trường đại học sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội từ blockchain, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế số một cách toàn diện và bền vững.
Câu hỏi 4: Ông có đề xuất gì về lộ trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho blockchain và tài sản số tại Việt Nam, đặc biệt là về việc thí điểm các mô hình Sandbox?
Tôi cho rằng để phát triển bền vững và an toàn các công nghệ như blockchain và tài sản số, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình pháp lý có tính chiến lược, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với sự đổi mới công nghệ. Lộ trình này nên được triển khai theo ba giai đoạn chính:
- Giai đoạn ngắn hạn (2025–2026): Xác lập cơ sở pháp lý nền tảng và triển khai sandbox thí điểm
Trước tiên, Ưu tiên hàng đầu là ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp Công nghệ số – đặc biệt là các quy định liên quan đến blockchain, tài sản số và hạ tầng số. Cần có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về “tài sản số”, “tiền mã hóa”, “token tiện ích”, “blockchain công – tư”,...
Tiếp theo, Xây dựng và triển khai khung sandbox pháp lý cho các mô hình tài sản số và blockchain. Sandbox cần được thiết kế theo hướng đa ngành (liên thông giữa ngân hàng, tài chính, công thương, tư pháp...) và lấy Bộ Khoa học & Công nghệ hoặc Chính phủ điện tử làm đầu mối điều phối.
Cuối cùng, Ưu tiên thí điểm tại các lĩnh vực ít rủi ro nhưng có tính lan tỏa cao, ví dụ: Chứng nhận học tập (bằng cấp, chứng chỉ số); Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm,... Và cần có tiêu chí rõ ràng cho doanh nghiệp tham gia sandbox: cam kết bảo vệ người dùng, an toàn dữ liệu, có cơ chế giám sát nội bộ và phối hợp báo cáo với cơ quan quản lý.
- Giai đoạn trung hạn (2026–2028): Chuẩn hóa và tích hợp vào hệ thống pháp luật
Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết kết quả sandbox, cần xây dựng các luật chuyên ngành hoặc sửa đổi luật hiện hành (Luật Dân sự, Luật Ngân hàng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán…) để tích hợp các nội dung về tài sản số, hợp đồng thông minh, tài sản phi truyền thống.
Thứ hai, ban hành chuẩn kỹ thuật và khung pháp lý thứ cấp cho các loại tài sản số: token hóa tài sản (asset tokenization), stablecoin, NFT, dữ liệu cá nhân gắn với blockchain... Hình thành cơ chế cấp phép theo rủi ro thay vì chỉ áp dụng cứng nhắc cơ chế quản lý theo ngành. Ví dụ, token tiện ích trong dịch vụ tiêu dùng nên được quản lý khác với tài sản số mang tính đầu tư tài chính.
Cuối cùng, củng cố năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước thông qua đào tạo cán bộ, nâng cấp hạ tầng số của cơ quan quản lý để giám sát thời gian thực các nền tảng công nghệ số.
- Giai đoạn dài hạn (từ 2028 trở đi): Đồng bộ hóa và quốc tế hóa khung pháp lý
Trước tiên, Việt Nam nên tham gia đàm phán và đồng bộ hóa chuẩn mực quốc tế về tài sản số, tránh bị tụt hậu khi các định chế quốc tế như IMF, BIS, ISO, APEC, OECD... đang ngày càng siết chặt quy định toàn cầu.
Tiếp theo đó là Thiết lập hệ sinh thái pháp lý cho thị trường tài sản số, bao gồm: sở giao dịch tài sản số có phép, cơ chế bảo hiểm tài sản số, dịch vụ lưu ký số, trung tâm trọng tài hoặc giải quyết tranh chấp blockchain...
Và đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác công – tư để xây dựng mô hình quản trị blockchain quốc gia, nơi các nhà nước, doanh nghiệp, học thuật và cộng đồng cùng phối hợp xây dựng chuẩn mực, thử nghiệm công nghệ và chia sẻ dữ liệu có kiểm soát.