Sau đây là nội dung bài phát biểu của luật sư Nguyễn Thanh Hà.
Với tư cách một luật sư hành nghề tại Việt Nam, thuộc đoàn luật sư Hà nội và là một luật sư điều hành công ty luật, hành nghề trong lĩnh vực đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế, tôi xin có một số ý kiến về phần nội dung liên quan tới Bộ QTDDUX luật sư.
Phần của KSV và TP tôi xin nhường lời cho các đại biểu khác.
1.Nhận xét chung
Nhìn chung, Bản báo cáo đã đưa ra được những vấn đề còn vướng mắc và chưa phù hợp với tình hình thực tế và so sánh Bộ QTĐĐUX Luật sư 2019 với Nguyên tắc quốc tế về ứng xử của Luật sư.
Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng đưa ra được nhiều kiến nghị, đề xuất rất đáng lưu ý và có tính thuyết phục.
Về bố cục trình bày: Bản báo cáo sắp xếp bố cục theo từng nội dung và trong từng nội dung phân chia thành mục của Thẩm phán; Kiểm sát viên; Luật sư riêng giúp cho việc theo dõi thuận lợi và dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để báo cáo có tính thuyết phục hơn nữa và góp phần vào việc hoàn thiện Bộ QTĐĐUX Luật sư trong tương lai, theo, báo cáo cần hoàn thiện các mục như sau:
2. Nhận xét chi tiết
2.1. Về phương pháp nghiên cứu
Trong báo cáo có nêu về số lượng cuộc phỏng vấn sâu đó là 2 nhà nghiên cứu và học giả và 8 người hoạt động trong lĩnh vực thưc tiễn, theo quan điểm của tôi, để có thể tăng tính thuyết phục và có nhiều dữ liệu hơn, cần có phỏng vấn sâu nhiều nhà nghiên cứu hơn và nhiều người hoạt động thực tiễn hơn và đặc biệt là những đối tượng liên quan, ví dụ như nghề luật sư thì nhóm tác giả có thể phỏng vấn thêm các đối tượng khách hàng của luật sư để xem luật sư có tôn trọng và ứng xử phù hợp không?
2.2.Về thực tiễn tốt thực thi quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia.
Nhóm tác giả đưa ra kinh nghiệm của một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Philipin, Canada, Úc, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nên thêm vào kinh nghiệm một số quốc gia như Pháp, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vì Pháp và Đức là 2 quốc gia có nền tư pháp mạnh, hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, có nhiều dự án hỗ trợ pháp lý tại Việt Nam, nhóm tác giả cũng có thể tham khảo kinh nghiệm từ những quốc gia này.
Về Nhật Bản và Hàn quốc, các quốc gia phát triển kinh tế hơn Việt Nam, cũng có quá trình hoàn thiện pháp luật, để báo cáo toàn diện hơn, nên chăng nhóm tác giả có thể thêm những thực tiễn này.
2.3.Về phần khuyến nghị.
2.3.1 Về phần khuyến nghị chung và khuyến nghị cụ thể: Nhóm tác giả cần có những khuyến nghị chi tiết hơn nữa, làm cơ sở cho Ban nội chính TW trong việc tham mưu và trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn và hoàn thiện các bộ QTDDUX trong lĩnh vực tư pháp, ví dụ như làm thế nào để Ban nội chính TW với tư cách là một cơ quan của Đảng có những khuyến nghị với Liên Đoàn luật sư Việt Nam – là tổ chức xã hôi – nghề nghiệp hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề luật sư.
2.3.2. Nhóm tác giả có đề xuất xây dựng Bộ QTDĐUX đối với các chức danh tư pháp như hội thẩm nhân dân, thư ký toà án….. thừa phát lại, giám định viên, quản tài viên, hoà giải viên tại toà án…. , vấn đề đặt ra là cần có Bộ QTDDUX với những điều tra viên của cơ quan công an không? Vì các điều tra viên tham gia vào giai đoạn điều tra, một giai đoạn trong quá trình tố tụng, tôi kiến nghị nhóm tác giả có thể xem xét về vấn đề này?
2.3.3. Về khuyến nghị nâng cao hiệu quả thực thi các QTDDUX trong hoạt động tư pháp trong đó nhấn mạnh về việc cần có bảng hướng dẫn mang tính định hướng về việc xây dựng và thực thi các bộ QT, tuy nhiên, theo tôi, nhóm tác giả cần nói rõ hơn là quy trình ban hành những hướng dẫn này như thế nào? Ví dụ như hiện nay, bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề luật sư cần có hướng dẫn, vậy liên đoàn luật sư cần có quy trình thế nào để ban hành hướng dẫn này, lấy ý kiến từ các đoàn luật sư, từ các luật sư hay đợi tổng kết thành các vụ việc cụ thể? Hay dựa vào phản ánh từ việc xử lý các vụ kỷ luật để đưa ra hướng dẫn?
2.3.4. Trong phần khuyến nghị, tôi cũng đề xuất nhóm tác giả có thể bổ sung về việc thường xuyên tập huấn và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, các quốc gia có điều kiện kinh tế và xã hội tương đồng Việt Nam nhằm tăng cường áp dụng các QTDDUX. Hiên nay, tôi thấy như Liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư có các hội thảo về chuyên môn và nghiệp vụ với các luật sư nước ngoài nhưng rất ít các hội thảo liên quan tới đạo đức ứng xử nghề luật sư.
2.3.5. Các khuyến nghị cũng chi tiết hơn, ví dụ như đối với nghề luật sư, theo quan điểm của tôi, nhằm nâng cao nhận thức của luật sư với những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, khi luật sư được phép gia nhập đoàn luật sư và bắt đầu hành nghề, cần được đoàn luật sư phổ biến về quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong buổi lễ trao thẻ luật sư.
Trên đây là một số ý kiến của luật sư đóng góp vào báo cáo, rất mong sự tiếp thu và có ý kiến của nhóm tác giả.