Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW: Sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe có thể bị phạt tù

Nội dung bài viết

Thời gian qua, việc sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã gây ra những hậu quả khôn lường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cả về người và tài sản.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Những hành vi trên đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Người thực hiện hành vi tùy theo mức độ, hậu quả gây ra có thể bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm bồi thường dân sự, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về hành vi sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, đây là hành vi bị cấm. Do vậy, nếu bị phát hiện, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, Điều 5 - Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (nếu có Giấy phép lái xe), hoặc phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (nếu không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong cơ thể có chất ma túy thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (nếu có Giấy phép lái xe), hoặc phạt tiền từ 3-4 triệu đồng (nếu không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng).

Với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe gây tai nạn, khoản 1, Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc các trường hợp: Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho hai người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... thì phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

Về phạt hành chính, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền 3-4 triệu đồng đối với điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, hoặc người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-5 tháng tùy từng trường hợp. Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-6 tháng tùy từng trường hợp.

Về hành vi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện, Khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 -200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ. Điều 8, Nghị định này cũng nêu rõ, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ…

Nguồn: http://hoinhabaovietnam.vn/Luat-su-Nguyen-Thanh-Ha---Chu-tich-Cong-ty-Luat-SBLAW-Su-dung-ruou-bia-ma-tuy-khi-lai-xe-co-the-bi-phat-tu_n48208.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan