Luật sư bàn về hiện tượng thao túng, bán chui trên thị trường chứng khoán và vấn đề bảo vệ nhà đầu tư

Nội dung bài viết

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư là một trong những nguyên tắc của hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hiện nay, vấn nạn về hiện tượng "làm xiếc" thao túng, bán chui trên thị trường chứng khoán đang trở thành tình trạng đáng báo động, đòi hỏi các nhà đầu tư cần "trang bị" cho mình những kỹ năng, sự hiểu biết hơn nữa cùg với đó là chế tài pháp luật phải đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB (SBLAW) đã có trao đổi về vấn đề này:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công Ty Luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB (SBLAW)

- Chúng ta đã có hệ thống luật và chế tài xử phạt hiện tượng thao túng, bán chui trên thị trường chứng khoán nhưng tại sao nó vẫn luôn xảy ra. Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh để răn đe thưa ông? 

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Luật Chứng khoán 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm:

  • Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
  • Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
  • Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
  • Thựchiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.
  • Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
  • Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
  • Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định của Luật này.

Đối tượng vi phạm quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Như vậy, hành lang pháp lý về chứng khoán của nước ta đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra nhiều hành vi hao túng, bán chui trên thị trường chứng khoán, bởi:

Thứ nhất, việc xử lý hành vi thao túng, bán chui trên thị trường chứng khoán hiện nay chủ yếu dừng ở mức xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt nhỏ hơn số tiền thu lời bất chính nên chưa đủ sức răn đe:

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP), cụ thể:

- Phạt tiền:

Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân;

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, thấp hơn 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức, 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm;

+ Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thực tế cho thấy, nếu các hành vi thao túng cổ phiếu trót lọt, không bị phát hiện sớm thì số tiền thu lời bất chính của các đối tượng vi phạm sẽ rất lớn. Mặt khác, đối tượng sai phạm là chủ yếu là cá nhân, hầu hết là những người khá giả, có tiềm lực tài chính, thậm chí là các đại gia có giá trị tài sản lớn. Chính vì thế, các mức xử phạt hiện hành và trên thực tế cũng đã được áp dụng nhưng không đủ sức răn đe.

Hơn nữa, việc xử lý chủ yếu là phạt tiền mang tính chế tài đơn lẻ và thiếu các chế tài khác đi kèm (rất ít trường hợp áp dụng nhiều biện pháp chế tài đồng thời như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết). Cụ thể là các vụ giao dịch vi phạm không bị hủy bỏ, do đó món lợi của đối tượng vi phạm vẫn còn nguyên vẹn. Đối tượng vi phạm ngay sau đó vẫn tiếp tục được giao dịch.

Thứ hai, chỉ có một số rất ít vụ thao túng, bán chui cổ phiếu bị xử lý hình sự:

Liên quan đến các hành vi vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định các tội sau:  Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212).

 Cho đến nay cơ quan chức năng đã từng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử một số đối tượng về hành vi thao túng, bán chui trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, không nhiều so với thực tế số vụ vi phạm. Vì:

Trước tiên, thời gian để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn. Báo cáo định kỳ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ. 

Bên cạnh đó, để tính giá trị khoản thu nhập bất chính từ hành vi vi phạm trên thực tế không phải là dễ dàng. Và nếu không chứng minh cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán đã thu lợi bất chính, để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định được nhà đầu tư nào đó bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.

- Vậy thưa ông, nhà đầu tư cần trang bị gì để có thể ứng phó khi gặp phải những trường hợp thiệt hại từ những vụ thao túng, làm giả, bán chui?

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Là một thị trường chứng khoán còn non trẻ, số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ yếu với quy mô vốn nhỏ, có tâm lý đầu cơ và sự am hiểu chứng khoán cũng như mức độ chấp nhận rủi ro còn thấp thì việc tự trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết, sử dụng quyền của mình để bảo vệ mình là cơ chế bảo vệ an toàn, hiệu quả và thích nghi với những biến động của thị trường là một yêu cầu hết sức cấp thiết.

Theo đó, nhà đầu tư cần trang bị cho mình những hiểu biết trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán:biết sử dụng cổ phiếu sao cho đem lại lợi nhuận tối ưu, biết phân tích thị trường, biết đọc hiểu báo cáo tài chính, biết nhận biết các số liệu nào là thật, số liệu nào là ảo, nhận dạng được báo cáo thống kê giả, biết kiềm lòng tham trước những món “hời” đem lại lợi nhuận cao nhưng lại kèm theo những “rủi ro” tương xứng.

Thứ hai, nhà đầu tư cần trang bị cho bản thân những kiến thức về pháp luật chứng khoán. Cụ thể, nhà đầu tư có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi xảy ra tranh chấp hoặc khi các chủ thể có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của họ. Quyền yêu cầu bồi thường khi các công ty chứng khoán cũng như các chủ thể phát hành chứng khoán có những hành vi làm tổn thất đến lợi ích của nhà đầu tư, ...

Thứ ba, khi gặp phải những trường hợp bị thiệt hại từ những vụ thao túng, làm giả, bán chui, nhà đầu tư cần làm đơn tố giác tổ chức/cá nhân có những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư khi có các chứng cứ và bằng chứng chứng minh.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần kiến nghị cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, sửa đối các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến việc giám sát, kiểm tra, điều tra xử lý các hành vi vi phạm.

Đồng thời, khi thiệt hại đã xảy ra, nhà đầu tư cần rút kinh nghiệm cho bản thân và đưa ra những phương án quản trị rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như xác định các rủi ro có thể mắc phải; nghiên cứu kỹ cổ phiếu trước khi đầu tư; theo dõi sát sao các khoản đầu tư; đa dạng hóa danh mục để hạn chế tác động của một cổ phiếu lên toàn bộ danh mục và đầu tư một cách có kỷ luật. Nhà đầu tư cần luôn lưu tâm rằng: rủi ro và lợi nhuận thường tỷ lệ thuận với nhau.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan