Luật sư bàn về các hình thức huy động vốn vào doanh nghiệp, đặc biệt là huy động vốn bằng trái phiếu

Nội dung bài viết

Huy động vốn của doanh nghiệp là hoạt động vay vốn của doanh nghiệp từ các chủ thể khác trên thị trường nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh (ngoài vốn chủ sở hữu) của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lựa chọn sai hình thức huy động vốn sẽ làm hạn chế cơ hội kinh doanh của công ty đồng thời làm tăng nguy cơ cao về nợ xấu của doanh nghiệp. Vừa qua, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Thưa ông, các hình thức huy động vốn vào doanh nghiệp hiện nay được quy định như thế nào?

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Các hình thức huy động vốn vào doanh nghiệp gồm:

1. Vốn góp ban đầu

Vốn góp ban đầu là phần vốn hình thành do các chủ sở hữu đóng góp khi thành lập doanh nghiệp. Hình thức sở hữu sẽ quyết định tính chất và hình thức tạo vốn của bản thân doanh nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp Nhà nuớc, vốn góp ban đầu chính là vốn đầu tư của Nhà nước.

- Đối với doanh nghiệp tư nhân, vốn góp ban đầu là vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký.

- Đối với công ty TNHH và công ty hợp danh, phần vốn góp ban đầu là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.

- Đối với công ty cổ phần, vốn góp ban đầu là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

2. Huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng

Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa Ngân hàng với bên đi vay trong đó Ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho Ngân hàng khi đến hạn thanh toán. Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn.

3. Huy động vốn bằng phát hành trái phiếu

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Doanh nghiệp là công ty có thể sử dụng hình thức phát hành trái phiếu để vay vốn trung và dài hạn trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn kinh doanh của mình. Quan hệ giữa người sở hữu trái phiếu với công ty là quan hệ giữa chủ nợ và con nợ.

Đây là phương thức huy động vốn có lợi cho công ty khi doanh nghiệp cần huy động vốn dài hạn với mức lãi suất thích hợp nhỏ hơn mức đi vay ngân hàng nhưng cao hơn mức tiền gửi tiết kiệm để thu hút nhà đầu tư. Phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn mà bỏ qua phí trung gian.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp có thể phát hành hai loại trái phiếu:

- Trái phiếu không có khả năng chuyển đối (trái phiếu thông thường)

- Trái phiếu có khả năng chuyển đổi.

Đối với công ty cổ phần có quyền phát hành tất cả các loại trái phiếu bao gồm cả trái phiếu loại khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi.

4. Huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu

Khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định: “Cổ phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành”.

Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng được quy định tại Điều 15 Luật Chứng khoán 2019.

5. Huy động vốn từ lợi nhuận không chia

Nguồn vốn tích luỹ từ lợi nhuận không chia là một phần lợi nhuận dùng để tái đầu tư.

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước thì việc tái đầu tư phụ thuộc không chỉ vào khả năng sinh lời của bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào chính sách tái đầu tư của Nhà nước.

- Đối với công ty cổ phần: Khi công ty để lại một phần lợi nhuận vào tái đầu tư, tức là không dùng số lợi nhuận đó để chia lãi cổ phần, các cổ đông không được nhận tiền lãi cổ phần nhưng bù lại, họ có quyền sở hữu số vốn cổ phần tăng lên của công ty.

6. Huy động vốn bằng tín dụng thương mại

Có ba loại tín dụng thương mại: Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu, Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu, Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu.

Sự tồn tại của hình thức tín dụng này sẽ giúp cho các nhà doanh nghiệp chủ động khai thác được nguồn vốn nhằm đáp ứng kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra khi sử dụng hình thức này còn tạo điều kiện mở rộng hoạt động của tín dụng ngân hàng thông qua nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu. Nguồn vốn tín dụng thương mại có ảnh hưởng hết sức to lớn không chỉ với các doanh nghiệp mà cả đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong một số doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng thương mại dưới dạng các khoản phải trả có thể chiếm tới 20% nguồn vốn, thậm chí có thể chiếm tới 40% tổng nguồn vốn.

7. Huy động vốn bằng cách thỏa thuận vay tiền từ tổ chức, cá nhân khác trong nền kinh tế

Pháp luật cho phép doanh nghiệp được vay hoặc cho vay với doanh nghiệp khác. Hoạt động cho vay này có thể giúp các doanh nghiệp điều hòa, phân phối vốn để tăng cường khả năng thanh toán, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động của từng công ty cổ phần. Quan hệ vay vốn này thực hiện trên cơ sở hợp đồng vay tài sản đưoc điều chinh bởi pháp luật dân sự. Hoạt động vay vốn này cũng dựa trên mối quan hệ thân tình, quen biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các công ty. Hoạt động vay vốn doanh nghiệp khác có thể thường thấy trong các công ty có mối quan hệ sở hữu như công ty mẹ công ty con hay các công ty trong cùng tập đoàn. Hoạt động cho vay này được xem như hoạt động vay tài sản trong dân sự và không nhằm mục đích kinh doanh, không phải hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp. Do đó hình thức cho vay này khác với hoạt động cấp tín dụng là hoạt động cho vay chuyên nghiệp của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

- Vậy pháp luật quy định như thế nào về huy động vốn bằng trái phiếu thưa ông? (Khi nào được huy động, điều kiện huy động,…)

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

1. Khi nào được huy động vốn bằng trái phiếu

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, đối tượng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm:

- Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu phải là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích.

2. Điều kiện huy động vốn bằng trái phiếu

Điều kiện huy động vốn bằng trái phiếu được quy định tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP như sau:

Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP:

“a) Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

b) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.

c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

d) Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

đ) Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

e) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định này”.

Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 9 trên.

Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 153/2020:

“a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.

b) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

c) Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.

d) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

đ) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật”.

3. Thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án huy động vốn bằng trái phiếu

Thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu được quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Theo đó, đối với công ty cổ phần (Điểm a Khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP):

- Phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và chào bán trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Việc biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt phương án phát hành thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

- Phương án chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Điều lệ của công ty. Trường hợp Điều lệ của công ty không quy định khác, Hội đồng quản trị có quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất; báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ chào bán trái phiếu.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu là Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc chủ sở hữu công ty theo Điều lệ của công ty (Điểm b Khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, phải tuân thủ quy định về giới hạn huy động vốn và thẩm quyền quyết định huy động vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp (Điểm c Khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có) (Điểm d Khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

Tương tự như với chào bán cổ phiếu ra công chúng, hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng được quy định chặt chẽ hơn. Pháp luật đòi hỏi tổ chức phát hành trái phiếu chứng minh được khả năng trả lãi và gốc cho người sở hữu trái phiếu thông qua yêu cầu hoạt động của năm liền trước năm đăng ký có lãi, có phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán, cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư liên quan đến trái phiếu mà họ sở hữu.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan