Luật quảng cáo 2012 số 16/2012/QH13

Nội dung bài viết

Luật Quảng cáo 2012 (số 16/2012/QH13) là một văn bản pháp luật quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hoạt động quảng cáo tại Việt Nam. Luật này được ban hành nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và trật tự xã hội.

Luật quảng cáo 2012 số 16/2012/QH13

  • Số hiệu: 16/2012/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày ban hành:  21/06/2012
Luật quảng cáo 2012
Luật quảng cáo 2012

Khái quát nội dung Luật quảng cáo 2012 số 16/2012/QH13

Luật Quảng cáo 2012 số 16/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 1 năm 2013. Luật này quy định về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và trật tự xã hội.

Nội dung chính của Luật Quảng cáo 2012

  • Quy định về đối tượng quảng cáo: Luật quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được phép và không được phép quảng cáo.
  • Quy định về nội dung quảng cáo: Luật quy định nội dung quảng cáo phải trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác, dễ hiểu, không gây hiểu lầm, không vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội.
  • Quy định về hình thức và phương thức quảng cáo: Luật quy định các hình thức và phương thức quảng cáo được phép và không được phép sử dụng.
  • Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo: Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
  • Quy định về xử phạt vi phạm pháp luật về quảng cáo: Luật quy định các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Một số điểm quan trọng của Luật Quảng cáo 2012:

  • Luật áp dụng cho mọi hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, bất kể hình thức, phương thức và nội dung quảng cáo.
  • Hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại, cạnh tranh, bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, v.v.
  • Quảng cáo phải được thực hiện một cách văn minh, lịch sự, không gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và mỹ quan đô thị.
  • Nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo được thực hiện một cách hiệu quả, lành mạnh và tuân thủ pháp luật.

Luật quảng cáo 2013, những điểm mới

Trong chương trình truyền hình của kênh STTV thuộc Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, với chuyên đề Luật quảng cáo, những quy định mới, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty Luật SB (SB Law) đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu về nội dung bài phỏng vấn:

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về quảng cáo trước khi Luật quảng cáo ra đời?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Quảng cáo trong cơ chế thị trường đóng vai trò là nguồn thông tin chủ yếu, không chỉ đem lại những hiểu biết về các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ được đưa vào lưu thông, mà còn giúp tạo dựng quan hệ giữa người bán và người mua, định hướng và kích thích tiêu dùng. Do đó, điều chỉnh quảng cáo là một nhiệm vụ cần thiết đặt ra cho mỗi thiết chế quản lý nền kinh tế thị trường.

Trước khi Luật quảng cáo được ban hành, đã tồn tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động quảng cáo như Pháp lệnh Quảng cáo 2001, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng 1999, Luật Thương mại 1997 và 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Sự trùng lặp và chồng chéo về nội dung giữa các văn bản ngang cấp này gây khó khăn cho việc tổ chức thực thi pháp luật thống nhất trên thực tế.

Các Nghị định và Thông tư của Luật quảng cáo cũng chiếm số lượng khá lớn, ví dụ Nghị định 21/2006/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, Thông tư 78/2008/TT-BVHTTDL về cấm quảng cáo thuốc lá, Thông tư 13/2009/TT-BYT hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc...

Các văn bản này chủ yếu tập trung hướng dẫn một số các lĩnh vực có nhiều sai phạm trong quảng cáo và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như: quảng cáo thuốc lá, quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ, quảng cáo mỹ phẩm, sản phẩm y tế…Mặc dù có những quy định hướng dẫn cụ thể như vậy nhưng sự can thiệp của các cơ quan nhà nước đối với việc quản lý hoạt động quảng cáo là chưa rõ nét, các chế tài xử phạt còn lỏng lẻo và đặc biệt là chưa có cơ quan chuyên trách để thẩm định và xử lý vi phạm

Trong khi đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành quảng cáo tại Việt Nam, một số hoạt động quảng cáo không lành mạnh đã xuất hiện giữa các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường, gây tổn hại đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội nói chung.

Một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh được ban hành sau đó cũng chưa cung cấp đầy đủ những hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng quy định về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh không có hướng dẫn về phần cạnh tranh không lành mạnh; còn Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh chỉ có quy định về mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những điểm mới của Luật quảng cáoso với Pháp lệnh quảng cáo năm 2001?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Sau hơn 10 năm được ban hành, Pháp lệnh Quảng cáo đã không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về phát triển quảng cáo, khắc phục những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực Quảng cáo, Luật quảng cáo được xây dựng và thông qua là văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Luật đầu tiên và có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động quảng cáo kể từ ngày 01/01/2013.

Về Quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo:

Hoạt động quản lý nhà nước tập trung hướng tới các đối tượng nhạy cảm khi chịu sự tác động của quảng cáo như trẻ em, trẻ vị thành niên, phụ nữ nuôi con nhỏ, người hút thuốc lá, uống rượu…Quảng cáo những sản phẩm dành cho những đối tượng này được quy định như sau:

Quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ từ khi sinh đến 06 (sáu) tháng tuổi; thuốc kê đơn, thuốc được cơ quan nhà nước khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao; Quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức; quảng cáo ảnh hưởng đến trẻ em;

Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang ngày càng diễn biến phức tạp trong nền kinh tế thị trường, khi các doanh nghiệp đua nhau tạo ra những chiêu thức quảng cáo để thu hút, và đôi lúc đánh lừa lòng tin của người tiêu dùng, Luật quảng cáo cũng cấm các hành vi sau:

Quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “ nhất”, duy nhất, tốt nhất, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, vi phạm sở hữu trí tuệ,…

Để thực thi những quy định trên, Luật cũng quy định:

Thành lập Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo: Hội đồng Trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trước, trong và sau khi thực hiện quảng cáo khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.

Về thủ tục hành chính:

Luật đã bãi bỏ Giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, băng-rôn thay bằng thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo;

Bãi bỏ Giấy phép ra phụ trương quảng cáo thay bằng thủ tục thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Luật quảng cáocũng bỏ quy định khống chế số trang của phụ trương quảng cáo, phụ trương quảng cáo phải được đánh số riêng, có cùng khuôn khổ và phải ghi rõ thông tin của tờ báo và dòng chữ: “Phụ trương quảng cáo không tính vào giá bán”;

Tiếp tục duy trì cấp phép đối với việc ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo (Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép) và cấp phép xây dựng đối với màn hình quảng cáo; bảng quảng cáo (Bộ Xây dựng cấp phép).

Về một số cách thức và phương tiện quảng cáo:

Luật có sự điều chỉnh về phương tiện quảng cáo cụ thể như bỏ một số phương tiện quảng cáo như hội chợ, triển lãm, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước... thay thế bằng phương tiện thông tin máy tính, internet, một số phương tiện truyền dẫn, phát sóng trên mạng viễn thông, điện tử; người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo; ...

Luật quy định đầy đủ và bao quát và có một số nội dung mới như quy định diện tích quảng cáo trên báo in và tạp chí với 2 mức khác nhau, cụ thể với diện tích quảng cáo đối với một ấn phẩm báo không vượt quá 15%; diện tích đối với một ấn phẩm tạp chí không quá 20% tổng diện tích ấn phẩm tạp chí. Trước đây, việc quảng cáo trên báo in cũng bị giới hạn số ngày quảng cáo (không quá 5 ngày hoặc 5 số liên tiếp), để tạo điều kiện hơn cho các cơ quan báo chí, Luật quảng cáođã bỏ quy định giới hạn này và cũng tăng diện tích được quảng cáo trên báo in.

Luật quảng cáo cũng quy định về việc ngắt để quảng cáo trong chương trình phim chuyện không được ngắt quảng cáo quá hai lần mỗi lần không quá 05 phút; Chương trình vui chơi, giải trí không được ngắt quá 04 lần, mỗi lần không quá 05 phút. Quy định cụ thể về việc ngắt chương trình quảng cáo giúp cho người xem truyền hình hạn chế được việc bị khó chịu khi nhà đài quảng cáo quá nhiều như trước đây;

Đối với quảng cáo thông qua tin nhắn điện thoại: tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử nội dung quảng cáo nếu được sự đồng ý trước của người nhận; khung thời gian gửi tin nhắn điện thoại là từ 7 giờ đến 22 giờ và phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo;

Bổ sung nội dung hoạt động quảng cáo đối với đoàn người, cụ thể khái niệm đoàn người thực hiện quảng cáo là đoàn người có từ ba người trở lên mặc trang phục hoặc mang theo hình ảnh, vật dụng thể hiện việc quảng cáo. Đoàn người quảng cáo phải tôn trọng pháp luật giao thông đường bộ và phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung, hình thưc sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia, thời gian và lộ trình thực hiện.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc bãi bỏ các giấy phép quảng cáo trên bảng, băng rôn bằng thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo. Liệu việc dễ dàng đăng ký quảng cáo như trên có dẫn đến việc các biển quảng cáo sai luật hay không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo đánh giá của tôi, việc bãi bỏ các giấy phép này thay bằng thủ tục thông báo là một điểm tiến bộ của luật, nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo cơ chế xin-cho gây phiền hà cho các đối tượng tham gia, phù hợp với quan điểm cải cách hành chính trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, với sự phát triển và bùng nổ của hoạt động quảng cáo hiện nay với sự đa dạng về phương tiện quảng cáo, tình trạng biến tướng của các hình thức quảng cáo, việc áp dụng quy định tương đối cởi mở này sẽ làm các cơ quan quản lý địa phương gặp khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương phải thường xuyên hướng dẫn để các địa phương thực hiện tốt công việc quản lý trên địa bàn.

Phóng viên: Với tư cách là 1 doanh nghiệp, ông bà có đánh giá thế nào về Luật quảng cáo?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, công tác quảng cáo, marketing, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ là vô cùng quan trọng, ảnh hướng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Chỉ có quảng cáo thì người tiêu dùng mới biết và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp mới có doanh thu và lợi nhuận để duy trì hoạt động. Chính vì lẽ đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo vừa phải chặt chẽ nhưng cũng cần phải hết sức thông thoáng để doanh nghiệp có điều kiện phát triển kinh doanh.

Theo tôi, Luật quảng cáo ra đời thể hiện sự quan tâm của nhà nước một cách rõ ràng đối với lĩnh vực này, bảo vệ quyền, lợi ích của ba bên là Nhà nước, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Luật vừa cởi bỏ những rào cản về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực này, nhưng đồng thời cũng chọn lọc và đưa vào các quy định cụ thể cho từng hình thức quảng cáo, để tránh ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người tiêu dùng, nhưng cũng đồng thời bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh.

Hy vọng trong thời gian tới, cơ quan nhà nước sẽ sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để Luật quảng cáo được thực thi một cách đúng đắn.

Mời các bạn đón xem:

Luật quảng cáo 2012 số 16/2012/QH13 chi tiết

Nội dung tóm tắt trên chỉ bao gồm những điểm chính của Luật Quảng cáo 2012. Để có đầy đủ thông tin về Luật này, bạn nên tham khảo trực tiếp văn bản Luật tại file phía dưới đây. SBLAW có gửi kèm link download file PDF để quý khách có thể tiện theo dõi:

Luật quảng cáo 2012

Link download file PDF >> Luật quảng cáo 2012

Luật Quảng cáo 2012 đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hoạt động quảng cáo tại Việt Nam. Luật này góp phần đảm bảo hoạt động quảng cáo được thực hiện một cách hiệu quả, lành mạnh và tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, Luật Quảng cáo 2012 cũng cần được hoàn thiện và bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tế tình hình mới. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quảng cáo để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật quảng cáo.

Việc thực thi hiệu quả Luật Quảng cáo 2012 sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường quảng cáo và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

 Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan

Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Dự thảo Thông tư này đang có đề xuất quy định giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Xem chi tiết