Luật Phòng chống tham nhũng đã đủ mạnh?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về "Luật Phòng chống tham nhũng đã đủ mạnh?"  Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Câu hỏi: Thưa ông, ở góc độ luật sư, ông có bình luận gì về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng từ năm 2018 - khi Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi ra đời cho đến nay có sự khác biệt như thế nào?

Trả lời:

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. So với Luật PCTN năm 2005, và Luật PCTN sửa đổi năm 2007, 2012 thì Luật PCTN năm 2018 có một số điểm mới nổi bật quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN: “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu có vi phạm liên quan các vụ án; khẳng định rõ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cải cách tiền lương... vừa tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vừa có tác dụng ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Các cơ quan chức năng vừa chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN (Có trên 07 triệu sách, tài liệu về PCTN được phát phát hành, hơn 01 triệu lớp tập huấn, hội nghị, cuộc tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được tổ chức với gần 63 triệu lượt người tham gia); vừa chủ động thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, kết quả công tác PCTN và định hướng thông tin về những vấn đề nhạy cảm trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong đấu tranh PCTN, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát công tác PCTN; HĐND các cấp đã quan tâm nhiều hơn về giám sát công tác PCTN ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; các lĩnh vực có nhiều bức xúc trong dư luận; tích cực phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; quan tâm xử lý thông tin báo chí phản ánh về tiêu cực tham nhũng.

Câu hỏi: Ông có thể cho biết Luật phòng chống tham nhũng 2018 cho đến nay có phù hợp và đủ mạnh trong việc phòng chống tham nhũng ở nước ta hay không, thưa ông?

Trả lời:

Ngày 20/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương với 96 điều. Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp PCTN như: đề cao tính liêm chính trong khu vực công, thực hiện hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...

Vì vậy, chỉ số CPI của Việt Nam năm 2019 đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 21 bậc so với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá đối với Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay; cũng là sự khẳng định những kết quả tích cực trong công tác PCTN ở Việt Nam.

Từ đó đến nay, công tác phòng chống tham nhũng tại nước ta đạt được liên tiếp những thành công nhất định. công tác PCTN đã có bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, do đó tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nổi bật là đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực đời sống: "Cụ thể là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 20 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 nghị định, 119 nghị quyết, 37 quyết định, 33 chỉ thị.

Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội ĐBTQ lần thứ XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang". Những tháng đầu năm 2020 cho đến giữa năm 2022 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN yêu cầu tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến các đồng chí nguyên và đang là nhà lãnh đạo cốt cán thuộc các cơ quan, sở ban ngành trong toàn quốc.

Có thể khẳng định rằng, công tác PCTN ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nạn tham nhũng đã bị ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Có thể khái quát một số đặc điểm của công tác PCTN ở Việt Nam như sau:

- Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào;

- Làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó;

- Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc;

- Nhân văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

- Lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.

 

Câu hỏi: Phạm vi điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng được quy định như thế nào, thưa luật sư?

Trả lời:

Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật này là phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Câu hỏi: Quy định chung về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng  của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn được thể hiện cụ thể như thế nào trong luật, thưa ông?

Trả lời:

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan Nhà nước như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

- Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm sau đây: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Quản lý việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo thẩm quyền; Thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng…

- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng….

Thứ ba, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

- Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền, giám đốc việc xét xử các vụ án tham nhũng của các tòa án khác, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các vụ án tham nhũng.

Thứ tư, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, trách nhiệm phối hợp của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác

  • Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng;
  • Phối hợp trong việc tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng; kiến nghị chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

-         Cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tạo điều kiện, phối hợp với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng

Câu hỏi: Nguyên tắc, nội dung và hình thức công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng được quy định cụ thể như thế nào trong Luật, thưa luật sư?

Trả lời:

Tại Khoản 4, Điều 3 Luật này quy định cụ thể khái niệm về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó là “việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Đồng thời, quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Về nội dung công khai, minh bạch, Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định như sau:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây:

a) Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;

b) Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

c) Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;

d) Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch quy định tại khoản 1 Điều này còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

Về hình thức công khai, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tại Điều 11 quy định hình thức công khai bao gồm:

a) Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;

d) Phát hành ấn phẩm;

đ) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

e) Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử;

g) Tổ chức họp báo;

h) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Câu hỏi: Một nội dung mà người dân đặc biệt quan tâm là việc công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản nhằm phòng ngừa tham nhũng . Nội dung này đã có trong Luật, thế nhưng trong những vụ án tham nhũng gần đây thì có rất nhiều vụ việc tham nhũng vi phạm quy định này được phanh phui. Ông có bình luận gì về thực tế này?

Trả lời:

- Hiện nay các quy định về quản lý tài sản nhà nước nói riêng và tài sản công nói chung còn chồng chéo và trùng lặp, được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị trong việc thi hành. Trong khi đó, quy định về công khai, minh bạch trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa cụ thể, chi tiết; quy định về việc phát hiện các hành vi lãng phí trong mua sắm, sử dụng tài sản công chưa rõ ràng, chưa có chế tài xử lý cụ thể.

- Ý thức về công khai minh bạch của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động trong một số cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công vẫn còn chưa cao. Việc công khai minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu vẫn còn chưa thực hiện đầy đủ và đúng theo các quy định hiện hành.

- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật, trong đó có giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung này và để thay thế Thông tư số 68/2012/TT-BTC.

Gần đây, qua thanh tra, kiểm toán và theo dõi quản lý của các cơ quan chức năng thì việc công khai, minh bạch trong mua sắm công vẫn còn hạn chế, dẫn đến một số lĩnh vực việc đầu tư kém hiệu quả, để xẩy ra lãng phí, gây thất thoát nguồn tài chính công trong chi tiêu, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, tạo dư luận xấu và sự hoài nghi trong xã hội. Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều điểm hạn chế, thiếu đồng bộ, cá biệt còn để chồng chéo.

Trong quản lý điều hành, chưa kiểm soát hết các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu, bán đấu giá, trong mua sắm tài sản công, một số cán bộ suy thoái đạo đức, tính toán lợi ích cá nhân, bị tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, không làm chủ được bản thân dẫn đến những sai phạm đáng tiếc...

Câu hỏi: Thưa ông, xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc là việc quan trọng cần phải làm, xin hỏi, nội dung được quy định như thế nào vào Luật phòng chống tham nhũng 2018?

Trả lời:

Trong quá trình thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham những (sửa đổi), vấn đề xử lý tài sản để phục vụ phòng ngừa và chống tham nhũng là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm dưới 2 góc độ.

Thứ nhất là xử lý tài sản do pham tội tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có.

Theo đó, đối với tài sản Nhà nước đã chứng minh được là do phạm tội tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có thì quan điểm của Đảng và Nhà nước là kiên quyết xử lý nghiêm khắc, triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Pháp luật hiện hành quy định: Đối với tài sản này phải bị thu hồi trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc tịch thu sung công quỹ nhà nước. Đồng thời, người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý rất nghiêm minh theo quy định của pháp luật về hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.

Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua còn có những hạn chế nên ĐBQH đề nghị tăng cường hơn nữa các biện pháp như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình xử lý vụ án để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trước khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Luật PCTN đã bổ sung một số quy định quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn việc người có tài sản có thể chuyển dịch tài sản cho người khác như: Quy định về thẩm quyền của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ xác minh tài sản, thu nhập trong việc đề nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản (Điều 30 và Điều 46).

Đồng thời, trong thực tế, đối với các vụ việc vi phạm, các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian gần đây, việc áp dụng các biện pháp thu hồi, ngăn chặn tẩu tán tài sản cũng đã được các cơ quan có liên quan tăng cường thực hiện, ví dụ như trong vụ xử lý tài sản trong vụ Mobiphone mua 95% cổ phần của AVG, vụ án “Vũ Nhôm”, vụ án đánh bạc trên mạng viễn thông, … nên những hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng đang từng bước được khắc phục.

Thứ hai là xử lý tài sản tăng thêm mà nhà nước chưa chứng minh được do phạm tội mà có nhưng người có tài sản cũng chưa giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm giữa 2 lần kê khai.

Đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giữa 2 lần kê khai mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì Chính phủ, Quốc hội cũng rất quyết tâm tìm tòi các giải pháp hữu hiệu, thiết thực để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Tuy nhiên các giải pháp đưa ra để xử lý loại tài sản này phải đáp ứng được các yêu cầu: phải chặt chẽ về tính pháp lý, không làm ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ tài sản của công dân theo Hiến pháp, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và tránh tính hình thức.

Trong quá trình thảo luận, rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra như: Thông qua thủ tục tại Tòa án để thu hồi tài sản này cho nhà nước; thu thuế thu nhập cá nhân; xử phạt hành chính với mức xử phạt nặng; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính….

Qua nhiều phiên họp thảo luận, ý kiến của ĐBQH và cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý đều phân tích rất kỹ lưỡng dưới nhiều góc cạnh khác nhau và ý kiến rất phân tán, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Qua cân nhắc kỹ lưỡng, UBTVQH nhận thấy, không có phương án nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên.

Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Ở nước ta, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên nhiều tài sản, thu nhập không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Hệ thống thu thuế, đăng ký tài sản, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản…

Trong bối cảnh đó thì việc xác định tính hợp lý hay không hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản – quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Qua cân nhắc thận trọng, do chưa đủ điều kiện chín muồi, chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Quốc hội chưa đưa vào Luật quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc và nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới quy định vào trong luật.

Câu hỏi: Thưa ông, công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong phòng, chống tham nhũng? Các hành vi nào bị nghiêm cấm theo Luật Phòng, chống tham nhũng?

Trả lời:

Điều 5 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định cụ thể như sau:

1. Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, thông qua quy định này ta thấy pháp luật về phòng chống tham nhũng quy định rõ về trách nhiệm của công dân trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia phòng, chống tham nhũng. Công dân có thể tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng bằng việc trực tiếp thực hiện quyền tố cáo của mình hoặc thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Theo đó, công dân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng. Phản ánh với Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà mình là thành viên về hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng để Ban thanh tra nhân dân, tổ chức đó kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh vụ việc tham nhũng khi được yêu cầu.

Khi tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người tố cáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập do việc tố cáo hành vi tham nhũng.

Công dân được quyền tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà mình là thành viên. Nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình có quyền phản ánh với Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hoặc ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nơi mình cư trú hoặc làm việc. Ban thanh tra nhân dân là một tổ chức để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở địa phương, cơ sở.

Việc phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng phải khách quan, trung thực. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, xem xét và kiến nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và giám sát việc giải quyết đó.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của công dân về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng xem xét và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi nhận được thông báo kết quả giải quyết vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho công dân đã có ý kiến phản ánh biết.

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

  1. Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này.
  2. Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
  3. Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
  4. Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn (cán bộ, công chức, viên chức; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp...) trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

- Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Câu hỏi: Thưa ông, các hành vi nào được xác định là các hành vi tham nhũng?

Trả lời:

Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.;

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Phòng chống tham nhũng

Câu hỏi: Từ thực tế nhiều vụ việc tham nhũng gần đây cho thấy, một trong các lý lẽ được đưa ra là căn cứ vào truyền thống tích lũy tiết kiệm của người Việt, tài sản của một cán bộ, công chức có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, như tiết kiệm, từ thừa kế, được tặng, cho….Chắc ông vẫn còn nhớ đến vụ việc Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái xây biệt phủ và được giải thích là do đi buôn chổi đót mà có…..đã khiến dư luận dậy sóng, bất bình. Bởi vậy, nhiều ý kiến đưa ra thắc mắc: Thế nào là “giải trình không hợp lý” về nguồn gốc số tài sản này cũng cần phải được giải thích rõ ràng. Ông có thấy vậy hay không?

Trả lời:

Tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là loại tài sản, thu nhập mà cả hai bên đều chưa chứng minh được (cơ quan có trách nhiệm chưa chứng minh được đó là tài sản tham nhũng; người có tài sản cũng không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản).

Đồng thời, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, cần phải có biện pháp xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc một cách kiên quyết, bởi chủ thể có nghĩa vụ kê khai là chủ thể đặc biệt (người có chức, có quyền).

Câu hỏi: Việc mở rộng kiểm soát  đối tượng kê khai tài sản như chồng, vợ, con, ông bà nội ngoại, người thân của cán bộ bởi trên thực tế con, bố mẹ, ông bà của nhiều cán bộ ở nhiều địa phương  sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ, xe sang, dự án lớn đã được quy định ở Luật PCTN năm 2018 chưa, thưa luật sư?

Trả lời:

Hiện tại, Luật PCTN quy định những người sau có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập: Cán bộ, công chức.; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.; Người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử Đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Và quy định về việc người thân của người có chức vụ quyền hạn (vợ/chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột) không được: bố trí giữ chức vụ quản lí nhân sự, thủ quỹ, thủ kho….; không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp…..

Câu hỏi: Theo luật sư thì việc mở rộng kiểm soát này có cần thiết và có sức mạnh góp phần vào việc đấu tranh PCTN hay không?

Trả lời

Quy định về đối tượng kê khai tài sản thu nhập là mấu chốt về kiểm soát tài sản. Nhiều năm năm nào chúng ta cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quy định về nghĩa vụ phải kê khai tài sản như điều 34 là thu hẹp, như vậy chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng và nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư vào chiến dịch, phong trào diệt “giặc nội xâm” này cần phải mở rộng kê khai đến cha, mẹ, con ruột, ông, bà nội. Lý do phải mở rộng thực tiễn đã có nhiều minh chứng khiến dư luận dậy sóng.

Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành có những biệt phủ, xe sang được cho là của thái tử, của phò mã, cậu ấm, cô chiêu, dù trẻ nhưng có những tài sản khủng, bất chấp thách thức dư luận. Bởi vì tư tưởng hy sinh đời bố, củng cố đời con. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân, mặc dù các ngành tư pháp đã rất quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi, tiền tham nhũng, thất thoát còn thấp. Tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa, ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hoá, rửa tiền…

Câu hỏi: Trước những kẽ hở và không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, việc sửa đổi các luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng là nội dung đã được đề cập tại Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành kèm theo Công văn 1949-CV/BNCTW ngày 12/4/2022. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Luật sư, ông có ý kiến gì về việc sửa đổi này?

Trả lời:

Tóm lại, công cuộc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó việc hoàn thiện pháp luật là yếu tó trọng tậm và trước mắt. Chỉ có những qui định khoa học, chặt chẽ, đầy đủ và đơn giản dễ thực hiện thì mới có thể tạo ra được các cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Hiện nay, Việt Nam chưa thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng tập trung nhưng do yêu cầu của công tác này nên đã giao chức năng này cho một số cơ quan như Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, kiểm toán…Các cơ quan này trên thực tế đã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định.

Việc tồn tại nhiều cơ quan tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng tạo thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhưng lại thiếu sự phối hợp và đặc biệt là trách nhiệm phòng, chống tham nhũng khi hiệu quả thấp thì khó xác định. Điều đó đã làm giảm đi đáng kể hiệu quả, hiệu lực của công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.Vì vậy cần hoàn thiện theo hướng thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách và tập trung đủ mạnh để xác định trách nhiệm và nâng cao năng lực, chuyên môn tính chuyên nghiệp chính qui trong phòng, chống tham nhũng theo hướng:

Một là, đối với cơ quan thanh tra, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng trong đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là làm rõ nội hàm quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên phạm vi quốc gia cũng như từng địa phương và trong từng ngành, từng lĩnh vực. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả chống tham nhũng qua hoạt động thanh tra, tập trung vào hai vấn đề quan trọng là nâng cao tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra, phòng, chống tham nhũng và trao cho các cơ quan thanh tra quyền khởi tố vụ án hình sự được phát hiện qua hoạt động thanh tra và sau khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ để đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố trước pháp luật hoặc khởi tố và thực hiện quyền điều tra ban đầu trước khi chuyển sang cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành điều tra để chuyển Viện kiểm sát truy tố.

Hai là, đối với cơ quan kiểm toán nhà nước chỉ là cơ quan phối hợp trong việc cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, do đó tăng cường các biện pháp phối hợp cung câp thông tin; cơ quan Kiểm sát cần tăng cường chức năng kiểm sát, giám sát hành vi tham nhũng khi có các vụ án được khởi tố. Đối với cơ quan điều tra cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này vì thực tế đây là cơ quan chuyên trách đấu tranh chống tội phạm tham nhũng; nâng cao chất lượng điều tra tiến tới hợp nhất các chức năng của các cơ quan để thành lập Ủy ban chống tham nhũng của nhà nước.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan