Luật Phá sản được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004 và thay thế Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993. Đây là cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện cho ngành Tòa án nhân dân giải quyết hậu quả pháp lý của các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, khi áp dụng Luật Phá sản vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, làm cho công tác giải quyết các việc phá sản gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp mở thủ tục phá sản như:
Xử lý tài sản, vật kiến trúc của doanh nghiệp gắn liền trên đất thuê của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp được thành lập và thuê đất của Nhà nước đầu tư vốn liếng xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng… để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh doanh chẳng may gặp rũi ro, đưa đẩy doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài, đã có nhiều phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, nhưng không khắc phục được và các chủ nợ yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản để thu hồi lại vốn cho vay. Trong thời gian Tòa án đang giải quyết, UBND có thẩm quyền thu hồi lại đất cho doanh nghiệp thuê xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, nhà xưởng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Quảng Nam (sau đây xin viết tắt là VTNN) là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động kinh doanh những mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp cho các địa phương trong tỉnh, nhưng việc kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài và mất khả năng thanh toán nợ đến hạn cho các chủ nợ với số tiền trên 25 tỷ đồng và trên 258 ngàn USD. Cuối năm 2005, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của các chủ nợ và Tổ quản lý, thanh lý tài sản kiểm kê, định giá tài sản với tổng số tiền vỏn vẹn trên 2,8 tỷ đồng. Đến đầu năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định thu hồi lại 648m2 đất của Công ty VTNN thuê xây dựng nhà làm việc, đồng thời quyết định phê duyệt giá khởi điểm nhà làm việc, vật kiến trúc trên đất của Công ty VTNN là 875.000.000 đồng và quy định tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nhà, vật kiến trúc trên đất được lựa chọn hình thức giao đất nộp tiền sử dụng đất một lần hoặc thuê đất trả tiền thuê hằng năm theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi lại đất cho doanh nghiệp thuê để giao cho Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Do đó, không có tổ chức, cá nhân nào đấu giá mua tài sản trên đất này để phải tháo dỡ lấy phế liệu! Vì vậy, giá khởi điểm tài sản của Công ty VTNN cũng là giá mua của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh từ nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương. Trong khi đó, Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương tỉnh Quảng Ngãi là chủ nợ chính đã nhiều lần xin mua nhà làm việc, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất để trừ nợ Công ty VTNN vay 1.138.931.374 đồng và trên 258 ngàn USD (tương đương 5,272 tỷ đồng theo thời giá năm 2008), nhưng vẫn không được UBND tỉnh Quảng Nam chấp nhận. Rõ ràng, Công ty VTNN Quảng Nam và Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương tỉnh Quảng Ngãi phải gánh chịu thiệt hại vật chất khá lớn về tài sản hình hành từ vốn vay.
Hoặc, Công ty VTNN Quảng Nam thuê của UBND thành phố Đà Nẵng 13.294m2 đất, xây dựng nhà kho và đặt Văn phòng đại diện tại địa phương này. Sau khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định 5488/QĐ-UBND ngày 13/7/2007 thu hồi lại toàn bộ diện tích đất cho thuê và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố lập thủ tục cho Công ty Cổ phần Trường Xuân thuê lại để sản xuất kinh doanh. Đến ngày 15/01/2009, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định 580/QĐ-UBND phê duyệt giá trị đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho Công ty VTNN Quảng Nam 1.497.397.266 đồng và giao cho Công ty Quản lý – Khai thác đất thành phố có trách nhiệm chi trả khoản tiền này cho Công ty VTNN Quảng Nam từ nguồn vốn của Công ty Cổ phần Trường Xuân. Thế nhưng, từ đó đến nay Công ty Cổ phần Trường Xuân không chuyển 1.497.397.266 đồng cho Công ty Quản lý – Khai thác đất thành phố, để Công ty này thực hiện việc chi trả hỗ trợ thiệt hại cho Công ty VTNN Quảng Nam theo quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng. Như vậy, tài sản trên đất thuê của Cty VTNN Quảng Nam tại thành phố Đà Nẵng được hình thành từ vốn vay, nhưng doanh nghiệp này không có quyền định đoạt để bán đấu giá tài sản của mình và sáu năm trôi qua, mà công tác giải quyết việc phá sản của Công ty VTNN Quảng Nam vẫn chưa đủ điều kiện để Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
Trường hợp khác, Công ty Mía đường Quảng Nam được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thành lập năm 2000 và được Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Nam ký hợp đồng cho thuê 65.180 m2đất với giá 1.087,5 đồng/m2/năm, thời hạn sử dụng 50 năm. Ngoài ra, nội dung đồng còn ghi nhận: “Trường hợp bên thuê đất bị chia tách, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng tài sản cho các tổ chức cá nhân khác mà tạo nên pháp nhân mới thì phải lập thủ tục thuê đất trong thời gian còn lại”. Tuy nhiên, trong thời gian sản xuất kinh doanh, Công ty Mía đường Quảng Nam luôn bị thua lỗ kéo dài và mất khả năng thanh toán nợ vay đến hạn của các chủ nợ 295 tỷ đồng và trên 03 triệu USD. Năm 2006, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản và Tổ quản lý, thanh lý tài sản kiểm kê, bán đấu giá tài sản là trụ sở làm việc, nhà xưởng, máy móc thiệt bị… hình thành trên đất thuê được 47,680 tỷ đồng. Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 25/3/2008 ghi nhận “người trúng đấu giá tài sản được hưởng mọi chính sách của UBND tỉnh Quảng Nam và tiếp tục lập thủ tục thuê đất để sản xuất kinh doanh”. Thế nhưng trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có các quyết định thu hồi lại toàn bộ diện tích đất đã cho Công ty Mía đường Quảng Nam thuê, để giao cho UBND xã Quế Cường, huyện Quế Sơn quản lý. Và buộc đơn vị trúng đấu giá tài sản phải tháo dỡ toàn bộ trụ sở làm việc, nhà xưởng, máy móc, thiệt bị hình thành trên đất để giao trả lại đất cho Nhà nước.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về mua bán tài sản thanh lý. Sau khi thu được tiền bán đấu giá tài sản của Công ty Mía đường Quảng Nam, Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa trừ 2.654.781.794 đồng thuế giá trị gia tăng cho Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Cửa Việt, mà vội vã lập phương án phân chia tài sản có bảo đảm cho Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) thành phố Đà Nẵng trên 33,78 tỷ đồng; Chi nhánh Ngân hàng phát triển Quảng Nam trên 10,8 tỷ đồng. Do đó, Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Cửa Việt yêu cầu hoàn trả lại thuế giá trị gia tăng trong lô hàng mua đấu giá nêu trên. Tổ Thẩm phán – TAND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 01/2009/QĐ-TTP ngày 09/11/2009 giải quyết: Chấp nhận yêu cầu của Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Cửa Việt; buộc Chi nhánh NHNo&PTNT thành phố Đà Nẵng hoàn trả số tiền 909.377.410 đồng; Chi nhánh Ngân hàng phát triển Quảng Nam hoàn trả số tiền 727.651.003 đồng cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản Công ty Mía đường Quảng Nam, để hoàn trả thuế giá trị gia tăng cho Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Cửa Việt. Tuy nhiên, việc hoàn thuế giá trị gia tăng có nhiều quan điểm khác nhau: Về phía Ngân hàng cho rằng tài sản hình thành từ vốn vay, khi thanh lý bán tài sản đó để thu hồi lại vốn thì không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Ngược lại, về phía doanh nghiệp mua đấu giá tài sản bao gồm cả thuế giá trị gia tăng. Do đó, người trúng đấu giá tài sản yêu cầu phải hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp cho Nhà nước. Sự việc mãi dằng co từ cuối năm 2009 đến nay vẫn chưa ngã ngũ, nên Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam chưa thể tuyên bố phá sản đối với Công ty Mía đường Quảng Nam.
Công tác thu hồi nợ đối với doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản. Khi doanh nghiệp được thành lập luôn tạo nhiều mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa qua lại ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong mối quan hệ thương mại, các doanh nghiệp, cá nhân có thể là chủ nợ hoặc con nợ của nhau. Nếu doanh nghiệp, cá nhân là chủ nợ thì họ có quyền và trách nhiệm báo cáo cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản biết liệt kê vốn vào danh sách chủ nợ và chờ khi có phương án phân chia tài sản để được nhận lại toàn bộ hoặc một phần tài sản mà doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư vào doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản. Ngược lại, nếu con nợ là doanh nghiệp thì công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, bởi các con nợ thường tìm mọi cách né tránh công nợ phải trả như là Giám đốc Công ty đi công tác xa không biết khi nào về, hoặc doanh nghiệp đang đầu tư vào các dự án lớn, nên chưa tính đến việc thanh toán nợ phải trả, v.v.. Đối với con nợ là cá nhân làm đại lý và chủ yếu là cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, họ phải tự đi tìm kế sinh nhai ở nhiều địa phương khác nhau và không có địa chỉ rõ ràng, cho nên công tác thu hồi nợ đối với cá nhân lại càng khó khăn và phức tạp hơn, không khác gì đi “mò kim đáy biển”.
Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam giải quyết việc phá sản doanh nghiệp đối với Công ty Mía đường và Công ty Vật tư nông nghiệp Quảng Nam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phối hợp với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện nghĩa vụ của mình để Tổ Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản giải quyết dứt điểm việc phá sản của hai doanh nghiệp này. Đồng thời, qua công tác kiểm sát trong lĩnh vực này, chúng tôi rút ra được những nguyên nhân tồn tại như:
- Sự chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa Luật Phá sản với Luật Thi hành án dân sự và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành như: Luật Phá sản quy định chung cho Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, tiến hành thủ tục phá sản. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cung cấp tài liệu cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để xem xét việc khởi tố về hình sự và vẫn tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của Luật này (Điều 8), nhưng thẩm quyền của Thẩm phán giải quyết việc phá sản đến đâu chưa được Luật Phá sản quy định rõ ràng cụ thể. Nhất là các quyết định ngoại lệ trong quá trình giải quyết khiếu nại; áp dụng biện pháp chế tài để thực hiện các quyết định của mình về thủ tục phá sản. Đối với Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản được Luật Phá sản quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức thi hành quyết định của Thẩm phán theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự không cho phép Thủ trưởng Cơ quan thi án án dân sự ra các quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 138). Như vậy, Chấp hành viên làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản đứng cửa giữa đành bó tay, không thể tổ chức thi hành quyết định của Thẩm phán trong phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Qua đó, Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản chỉ có quyền đề nghị Thẩm phán ra các quyết định tuyên bố giao dịch mà doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện vô hiệu; doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản phải thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhằm bảo toàn tài sản; thu hồi tài sản hay phần chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý tài sản. Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản chỉ được phép quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự, nhưng Luật Thi hành án dân sự không cho phép Chấp hành viên ra các quyết định về thi hành án. Do đó, Chấp hành viên làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản không thể tự mình thực hiện công vụ ngoài phạm vi pháp luật cho phép.
- Trong thực tiễn, cá nhân, doanh nghiệp trước khi vay tiền của các tổ chức tín dụng, đã thế chấp bất động sản là nhà ở, đất ở, máy móc, thiết bị…Khi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ cho Ngân hàng và xảy ra tranh chấp phải đệ đơn hầu Tòa giải quyết. Đến lúc này mới thấy nhiều tổ chức tín dụng “lách luật” bằng cách xác định giá trị tài sản thế chấp tăng gấp nhiều lần so với thực tế, để cho khách hàng vay vốn không vượt quá 70% giá trị tài sản thế chấp, cho nên việc kê biên tài sản bán đấu giá để thi hành án thu hồi nợ cho chủ nợ đã gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, Bộ Luật dân sự năm 2005 (Điều 342) và Luật Kinh doanh bất động sản (Điều 7) quy định “Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai”, bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật đối với nhà, công trình đã có sẵn; giấy phép xây dựng hoặc hồ sơ dự án và thiết kế, bản vẽ thi công đã được phê duyệt đối với nhà, công trình xây dựng… Do đó, các doanh nghiệp, cá nhân đem những loại giấy tờ này thế chấp cho các tổ chức tín dụng để vay vốn, nhưng đằng sau việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp, cá nhân có đúng mục đích theo giấy tờ thế chấp hay không là một vấn đề nan giải.
- Điều không kém phần quan trọng về công tác kiểm tra giám sát thủ tục giải quyết việc phá sản doanh nghiêp, hợp tác xã, Luật Phá sản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân còn mang tính chung chung như: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của Luật này và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Điều 12). Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chỉ có quyền kháng nghị đối với hai loại quyết định là quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản (Điều 83) và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản (Điều 91), nhưng Luật không quy định Tổ Thẩm phán hoặc Tổ quản lý, thanh lý tài sản chuyển hồ sơ việc phá sản cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, xác định tính hợp pháp về các quyết định của Tổ Thẩm phán ban hành, để đảm bảo cho việc kháng nghị của Viện kiểm sát đúng pháp luật. Hoặc, Luật Phá sản cũng không quy định Viện kiểm sát cùng cấp được quyền tiếp cận, xem xét hồ sơ do Tổ Thẩm phán hoặc Tổ quản lý, thanh lý tài sản xác lập như: Việc xác định công nợ của các chủ nợ, con nợ; kiểm kê, định giá, bán đấu giá tài sản; lập phương án phân chia tài sản, thanh toán cho các chủ nợ có vô tư khách quan hay không? Và điều quan trọng là giám sát việc lập hồ sơ miễn, giảm để xóa nợ cho con nợ không có điều kiện thi hành án có đúng đối tượng thuộc diện chính sách hay không? Viện kiểm sát nhân dân chỉ xem xét các quyết định về thủ tục phá sản của Tổ Thẩm phán gửi đến (Điều 29 LPS), thì không thể nắm vững nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật và tiến độ giải quyết việc phá sản để kháng nghị hoặc kiến nghị khắc phục, sửa chữa những tồn tại trong việc giải quyết phá sản.
- Thẩm phán và Chấp hành viên được phân công giải quyết việc phá sản chưa có kinh nghiệm, do đó luôn bị động lúng túng nên đã dẫn đến những sai sót nhất định khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Mặt khác, Thẩm phán và Chấp hành viên ngại vướng trách nhiệm cá nhân, phải bồi thường thiệt hại khi thực hiện các biện pháp giải quyết việc phá sản. Hơn nữa, thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản là những người đại diện cho chủ nợ, đại diện cho doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm theo sự phân công của người quản lý trực tiếp, nhưng công việc kiêm nhiệm không phải là nhiệm vụ chuyên môn chính của họ, nên sự phối hợp tham gia của những thành viên này thiếu nhiệt tình cùng Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong công tác thu hồi giải quyết công nợ. Và suy cho cùng, hậu quả kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản không phải bản thân của những người đại diện gây ra, mà do nhiều nguyên nhân “tế nhị” trong hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp đẻ ra.
- Ngoài ra, Kinh phí hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản chủ yếu sử dụng từ nguồn kinh phí của cơ quan thi hành án dân sự, nhưng công tác thu hồi nợ của con nợ quá nhiều và nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, do đó nguồn kinh phí của cơ quan thi hành án dân sự không thể đáp ứng yêu cầu phục vụ cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Và chế độ thù lao cho những người làm công tác này quá khiêm tốn, cho nên công tác đi thu hồi nợ còn nhiều hạn chế nhất định.
Thiết nghĩ, Quốc hội cần quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản năm 2004, nhằm khắc phục sự chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự và những văn bản pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực phá sản. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các ngành, tổ chức, cá nhân phối hợp giải quyết tốt việc phá sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
(sblaw theo Tạp chí kiểm sát điện tử)