Luật chống tin giả ở Singapore chính thức có hiệu lực

Nội dung bài viết

Từ ngày 2/10, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore đã chính thức có hiệu lực. Chính phủ Singapore nhấn mạnh lợi ích của luật này là bảo vệ an ninh, an toàn của Singapore, mối quan quan hệ giữa nước này và nước ngoài, cũng như ngăn chặn những tác động từ bên ngoài đối với kết quả các cuộc bầu cử...

Để đánh giá tác động Luật mới của Singapore, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những chia sẻ trong bài phỏng vấn ngắn.

- PV: Xin ông cho biết Luật bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối của Singapore sẽ có tác động ra sao tới cuộc chiến chống tin tức giả tại đây?

- LS Nguyễn Thanh Hà:
Luật bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối của Singapore có hiệu lực sẽ trở thành một thứ vũ khí sắc bén hỗ trợ Chính phủ Singapore trong cuộc chiến chống tin tức giả. Bởi vì là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu, đa sắc tộc và tôn giáo, cùng sự phổ biến của Internet và nền kinh tế số, Singapore được cho là rất dễ bị tổn thương bởi tin giả. Điều quan trọng và cần thiết nhất đó là Luật này sẽ góp phần bảo vệ an ninh, an toàn của Singapore, mối quan quan hệ giữa nước này và nước ngoài, cũng như ngăn chặn những tác động từ bên ngoài đối với kết quả các cuộc bầu cử, khiến môi trường chính
trị phát triển không lành mạnh.
Có thể thấy rằng với các hình phạt nghiêm khắc đặt ra trong đạo luật mới, người dùng MXH ở Singapore từ nay sẽ phải cẩn thận trước khi viết điều gì chưa rõ ràng hoặc chia sẻ thông tin nào đó. Tất nhiên, với những người đăng tin giả đi ngược lại lợi ích cộng đồng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng và không có dụng ý xấu thì họ có thể chỉ bị buộc phải đăng cải chính bên cạnh tin giả của họ.
Đối với các công ty MXH, đạo luật mới sẽ khiến họ “vất vả” hơn vì với tình trạng tin giả xuất hiện tràn lan, họ sẽ phải tăng cường nhân lực để đăng các cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ chúng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Những điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Singapore đã tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc trong cuộc chiến này, ngăn cản được nhiều mối đe dọa từ các loại tin tức giả tràn lan du nhập từ bên ngoài, làm xói mòn những giá trị thực tiễn tại quốc gia họ.
- PV: Qua đó thì đâu sẽ là những bài học và kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng ạ?

- LS. Nguyễn Thanh Hà:
Việt Nam là một trong số những quốc gia hàng đầu sử dụng Internet, có số lượng người truy cập các ứng dụng Facebook, Youtube,… đứng top đầu thế giới. Do đó, vấn đề tin tức giả là một vấn nạn rất nghiêm trọng bởi độ thường xuyên, phổ biến và ngày càng gia tăng. Dễ dàng nhận thấy là với tốc độ lan truyền chóng mặt thì các cơ quan bộ ngành nước ta đang ngày càng khó kiểm soát và khống chế những tin tức giả phát tán.
Qua việc Singapore ban hành Luật bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều điều từ những quy định lẫn chế tài trong vấn đề này để bổ sung vào pháp luật Việt Nam. Để ban hành ra một Luật riêng về tin tức giả như Singapore thì còn khó nói vì còn phải xem xét trong một thời gian rất dài. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi các căn cứ pháp lý của nước bạn về cách quản lý, kiểm duyệt thông tin trên MXH, Internet để bổ sung vào các bộ Luật như Bộ luật Dân sự 2015, Luật tiếp cận thông tin năm 2016,….
Chúng ta không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội, quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ. Trước mắt Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp hạn chế, đẩy lùi những tác động tiêu cực. Cụ thể như:
- Cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm: “không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet….”. Phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác tình hình; chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng tiêu cực trên mạng xã hội.
- Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ.
- Khẩn trương thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực tiễn; tích cực xây dựng khung khổ pháp luật khoa học, tiến bộ để truyền thông xã hội hoạt động, phát triển lành mạnh, đúng hướng. tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội... thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa.
- Phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Xác định rõ tiêu chí đối với từng loại hình thông tin điện tử nhất là báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; có quy định để điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ chuyên cung cấp thông tin báo chí. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo chí, trong đầu tư nền tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí.

- PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan