Lựa chọn việc bảo hộ giữa Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu

Nội dung bài viết

Trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, cả hai đối tượng Nhãn hiệu và Chỉ dẫn địa lý đều là đối tượng được bảo hộ theo quy định của luật này.

Tuy nhiên, hai đối tượng này là khác nhau về bản chất và điều kiện được bảo hộ. Hiện nay trong rất nhiều dấu hiệu nộp đơn xin đăng ký bảo hộ tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ (Cục SHTT) có chứa tên địa lý. Vậy làm thế nào để phân biệt được dấu hiệu nào là chỉ dẫn địa lý và sẽ được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, dấu hiệu nào chứa thành phần địa lý và được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu ?

Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp người nộp đơn xác định được dấu hiệu của mình là thuộc đối tượng bảo hộ nào (chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu) để có phương thức nộp đơn cho đúng quy định và có thể tránh được sự từ chối bảo hộ từ Cục SHTT trong tương lai.

Theo quy định của Điều 74.2.d Luật SHTT và Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu của Cục SHTT, thì nhãn hiệu có chứa thành phần địa lý có thể được chấp thuận bảo hộ dưới dạng: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu thông thường.

Bảo hộ dưới dạng Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận

– Nhãn hiệu có chứa thành phần địa lý

– Phải có giấy phép của chính quyền địa phương liên quan (UBND các cấp quản lý trọn vẹn lãnh thổ tương ứng) cho phép chủ đơn đăng ký thành phần là tên địa lý, biểu tượng, bản đồ, đơn vị hành chính cho sản phẩm, dịch vụ đi kèm đăng ký cho Nhãn hiệu đó.

Bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu thông thường các trường hợp sau:

– Một dấu hiệu chứa tên địa lý/ phần hình địa lý chỉ nguồn gốc địa lý, không gây nhầm lẫn, đồng thời không mô tả xuất xứ sản phẩm, dịch vụ như tên:

+ tên hành tinh (sao Hỏa, sao Kim…….)

+ tên các vì sao (sao Mộc, sao Thủy…….)

+ thiên hà (Milky Way……)

+ lục địa (Bắc Cực, Nam Cực)

+ núi (Himalaya, Everest……..)

– Một dấu hiệu chứa tên địa lý đồng thời là một từ thông dụng trong đời sống (Hòa Bình, Thái Bình, Cộng Hòa….), trừ trường hợp vùng tương ứng tên địa lý có danh tiếng đối với sản phẩm, dịch vụ trùng với sản phẩm, dịch vụ nêu trong danh mục yêu cầu bảo hộ.

– Tên địa lý trải rộng trên nhiều địa phương như Hồng Hà, Cửu Long, Trường Sơn…

– Một dấu hiệu chứa tên địa lý/ phần hình chỉ nguồn gốc địa lý đã được sử dụng rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu.

– Một dấu hiệu chứa tên địa lý/ phần hình chỉ nguồn gốc địa lý đi kèm các thành phần có khả năng phân biệt khác.

Như vậy các quy định trên cho thấy người nộp đơn trước khi nộp đơn đăng ký vào Cục SHTT có thể cân nhắc lựa chọn phương thức bảo hộ cho dấu hiệu của mình dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu thông thường.

Trong trường hợp người nộp đơn chọn hình thức đăng ký là chỉ dẫn địa lý thì dấu hiệu đăng ký cần đáp ứng các quy định về điều kiện để được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý (ví dụ: sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc địa lý từ khu vực tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, và sản phẩm đó phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định….)

Trong trường hợp người nộp đơn lựa chọn đăng ký nhãn hiệu thì dấu hiệu đăng ký ngoài việc đáp ứng các quy định tại (1) và (2) nêu trên, còn phải đáp ứng các quy định khác của Luật SHTT về điều kiện được bảo hộ như một nhãn hiệu.

Bùi Minh Phương

S&B Law

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan