Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về "Lòng tin quyết định sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" trên báo Nhịp sống kinh doanh. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.
Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.
Đã bốn tháng qua hoạt động phát hành TPDN mới rơi vào khoảng trống đột ngột. Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN) được cho là nguyên do.
Song, trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng…, cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.
Chính trong bối cảnh ngột ngạt room tín dụng, dòng vốn đầu tư công không phát huy được vai trò và giá trị dẫn kết, nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp tăng cao, thì cầu nối thị trường TPDN lại phát sinh khoảng trống đột ngột kéo dài.
Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn, trong đó có trọng tâm thị trường TPDN với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025.
Mục tiêu đó có khả thi? Giải pháp nào hàn gắn thị trường TPDN với khoảng trống hiện nay? Cơ chế chính sách điều chỉnh hướng nào? Niềm tin trên thị trường sau những rủi ro phát sinh? Trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường này cần nhìn nhận thế nào?
Hướng đến những nội dung trên, sáng ngày 13/9, Nhịp sống Doanh nghiệp, BizLIVE tổ chức buổi Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” (tại Khách sạn Hòa Bình - 27 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Tham dự tọa đàm có đại diện khối đầu tư, kinh doanh giấy tờ có giá, khối nghiên cứu thị trường liên ngân hàng, khối phân tích, khối truyền thông của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và các nhà đầu tư cá nhân.
Cần tháo gỡ để thị trường vốn được khơi thông
Phát biểu khai mạc toạ đàm, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chúng ta đang trong quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, kết quả 8 tháng đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên trong bức tranh có nhiều điểm sáng cũng có một số điểm còn băn khoăn.
Theo đó, mặc dù doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi nhưng sự hồi phục còn gian nan, ngoài vấn đề khó khăn hậu đại dịch, vấn đề vốn rất cần quan tâm, doanh nghiệp đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc.
“Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng”, ông Lộc nói.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để giúp nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng phục hồi, trong đó có các chính sách về tài khóa. Bên cạnh giãn, hoãn thuế Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh đầu tư công nhưng đầu tư công cũng đang gặp nhiều vấn đề, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành rất quyết liệt chỉ đạo nhưng vẫn còn các vướng mắc và khó đạt mục tiêu cả năm. Tóm lại chính sách tài khóa và đầu tư công đều đang gặp khó khăn.
Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho các ngân hàng nhưng chúng ta đang đứng trước sức ép của lạm phát nên du di cho nới room sẽ không nhiều. Chính vì vậy nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu…
"Có thể thấy ở các nước kênh vốn chủ yếu đến từ thị trường vốn nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thị trường vốn Việt Nam có phát triển khá mạnh trong 5 năm gần đây nhưng vẫn còn non trẻ. Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam. Cần phải làm sao để nguồn vốn của người dân trực tiếp tham gia vào quá trình huy động vốn chứ không phải qua kênh tiết kiệm ngân hàng", ông Lộc nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa các nguồn vốn trong đó có qua kênh chứng khoán và trái phiếu. Thực tế đã có những ví dụ thành công nhưng việc huy động vốn qua các kênh này vẫn gặp khó khăn.
Việc phát triển thị trường vốn để tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng quá trình học hỏi kinh nghiệm thế giới còn hạn chế. Một trong những khoảng cách của Việt Nam so với thế giới là thị trường vốn cho nên cần học tập kinh nghiệm của thế giới nhiều hơn để phát triển thị trường và giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn nhiều hơn từ thị trường vốn.
Về ngắn hạn thời gian tới đến hạn thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp, như vậy các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường nhất là doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn rất lớn nên cần tháo gỡ ngay những khó khăn nếu không sẽ có những đổ vỡ.
Những động thái của các cơ quan chức năng thời gian qua giúp thị trường thanh lọc song cũng cần có những tháo gỡ để thị trường vốn được khơi thông.
Rủi ro luôn đi kèm phát triển thị trường tài chính bền vững
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, câu chuyện trái phiếu là dài hạn, phát triển thị trường tài chính nói chung đặc biệt thị trường vốn, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước châu Á có lịch sử dựa nhiều vào hệ thống NHTM, khác với các thị trường Mỹ, Anh có nhiều thị trường vốn hơn. Câu chuyện phát triển thị trường trái phiếu đã được bàn từ năm 2000, cũng đã xây dựng chiến lược phát triển, đó là câu chuyện lớn, dài.
Vấn đề thứ hai, trong thời điểm hiện tại trong giai đoạn phục hồi, kênh huy động vốn vốn quan trọng bên cạnh tín dụng, cổ phiếu IPO, một số hình thức đầu tư như FDI, quỹ thì trái phiếu thực sự là kênh quan trọng với doanh nghiệp không chỉ trong bất động sản.
Thứ ba có điểm trớ trêu trong phát triển thị trường trái phiếu cũng như vốn nói chung, bên cạnh ý nghĩa nhu cầu thì kèm rủi ro.
Ông Thành đặt vấn đề, không có thị trường tài chính nói chung huy động vốn thì đất nước khó phát triển bền vững, nhưng phát triển nó như thế nào cho bền vững. Ông Thành dẫn dự báo của một người bạn tại Nhật Bản giỏi về tài chính dự báo rằng kinh tế thế giới chắc chắn đối mặt với khủng hoảng do tất cả tài chính sinh ra gắn với bảo hiểm nhưng bảo hiểm gây ra khủng hoảng còn lớn hơn.
"Có 2 thứ không học thuộc bài là mỹ nhân kế, 2 là bong bóng bất động sản, tài chính. Lòng tham kinh lắm. Rủi ro luôn đi kèm phát triển thị trường tài chính bền vững", ông Thành nói.
TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi với TS. Trương Văn Phước nhìn nhận, đánh giá như thế nào về thị trường trái phiếu Việt Nam. Trả lời câu hỏi này, ông Phước cho biết, trong xã hội đã có phân công nhiệm vụ, khi dòng vốn ngắn hạn thì giao cho ngành ngân hàng, còn về vốn dài hạn thì phải dựa vào thị trường trái phiếu.
"Dân gian có câu, “Con dại cái mang” - con hư là do cha mẹ. Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.
Tôi cho rằng, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình", ông Phước nói.
Ông Phước cũng thông tin thêm rằng, chiều qua (12/9), ông cùng một số chuyên gia đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, hiện Nghị định 153 đã trên bàn Thủ tướng.
Bình luận về những ý kiến được ông Trương Văn Phước nêu ra, ông Võ Trí Thành cho biết thời gian qua đúng là có nhiều điều chúng ta chưa hài lòng về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của Việt Nam không cần phải xóa đi lập lại.
Thị trường trái phiếu của Việt Nam hình thành từ những năm 90, đến nay cũng khá đa dạng, vấn đề ở đây là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Theo đó, cần phải xác định được rõ nên giám sát thị trường tài chính là thị trường hợp nhất hay chuyên biệt. Từ khi thành lập Ủy ban giám sát đã quản lý gắn với kinh tế vĩ mô, điều tiết các vấn đề tài chính bên cạnh đó là giám sát các định chế tài chính. Cho nên trong bối cảnh mới chúng ta có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của ủy ban giám sát chứ không cần thiết phải lập lại thị trường.
Lòng tin quyết định sự phát triển thị trường TPDN
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, ông thống kê tổng dư nợ TPDN vào khoảng 1,5 triệu tỷ, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ, bằng khoảng 1/3. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. 11,2 triệu tỷ gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.
Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường.
Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.
"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Vì vậy cách làm như vậy có vấn đề, khi sai phạm hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi thị trường này là niềm tin", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử với thị trường lên bờ xuống ruộng. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc.
"Chúng ta buộc phải làm lại. Hôm qua tôi họp với Thủ tướng, Thủ tướng đề cập tử huyệt kinh tế vĩ mô nếu thị trường này đổ bể, vỡ nợ, với tổng đáo hạn cuối năm là 84.000 tỷ, cả năm sau 140.000 tỷ", ông Nghĩa nói.
Dẫn chứng về trường hợp của Hải Nam (Trung Quốc), khi trái phiếu đổ bể, thị trường bất động sản đổ bể, dân chúng nợ tiền ngân hàng biểu tình không trả, người gửi tiền đòi rút ra. Ngay lập tức Chính phủ tuyên bố sẽ cho phép xây dựng hoàn thành nhà, thể hiện trách nhiệm ghê gớm và đặt vấn đề rằng "Chúng ta dám làm vậy không?".
"Trách nhiệm lớn lao nhất là Chính phủ, niềm tin là doanh nghiệp, nhân dân, là trụ cột thị trường này. Chính phủ không nên nói không, chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ thì mới tạo lòng tin. Lòng tin quyết định phát triển thị trường", ông Nghĩa khẳng định lại.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư
TS. Võ Trí Thành dẫn số liệu vừa được ông Lê Xuân Nghĩa đưa ra cho biết, trong khoản 1,5 triệu tỷ trái phiếu phát hành, nhà phát hành lớn nhất là các NHTM, họ phát hành để tăng vốn cấp hai, thứ hai là các doanh nghiệp BĐS và thứ ba là các tập đoàn phát triển năng lượng.
Bên cạnh đó, như ông Nghĩa cũng đã khẳng định, giá trị trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới cũng rất lớn, khoảng vài trăm nghìn tỷ, theo đó, thanh khoản cho thị trường cũng rất quan trọng. Đằng sau sự phát triển cũng như rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề trách nhiệm về quản lý, điều tiết, giám sát và cách xử lý thích hợp khi vấn đề xảy ra. Với tình trạng này, ông Thành đặt câu hỏi TS. Nguyễn Tú Anh, nhìn nhận, đánh giá thế nào đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là chúng ta có thể nhìn thấy những con số tăng trưởng như ông Nghĩa đã đề cập.
Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua đều rất lớn.
"Tuy nhiên, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Chúng ta cũng thấy vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại. Tôi rất ấn tượng với câu nói của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng nói rủi ro và khủng hoảng là cái đương nhiên của thị trường. Điều này có nghĩa bất kỳ thị trường nào cũng có rủi ro", ông Tú Anh nói.
Điều quan trọng theo ông Tú Anh là khi chúng ta tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.
Do đó chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro. Do mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro nên có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta cần có các công cụ khác nhau.
Nhiều người nói phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm để lấy niềm tin, vậy niềm tin đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra? Do đó, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, theo đó, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.
Chỉ quản lý rủi ro vĩ mô, những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thị trường hãy để nó diễn ra đúng quy luật
Đặt câu hỏi cho TS. Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam, TS.Võ Trí Thành cho biết, thị trường tài chính nào cũng không thể tách rời hệ thống ngân hàng, ông nhận định như thế nào về thực trạng mối quan hệ của các ngân hàng với các bên phát hành trái phiếu?
Trả lời câu hỏi, TS. Trịnh Quang Anh cho biết, xét về khía cạnh vĩ mô, quy mô tín dụng hiện khoảng 11,5 triệu tỷ đồng chia cho GDP 8 triệu tỷ, được khoảng 144%; còn thị trường TPDN khoảng 17% GDP. Tín dụng năm nay khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room, sẽ tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Một số ngân hàng cũng giới thiệu cho các nhà đầu mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành qua các ngân hàng.
Một khía cạnh nữa là vấn đề xếp hạng tín nhiệm, đằng sau đó lại phải có những bảo hiểm rủi ro. Có những doanh nghiệp mới nhưng rất muốn phát hành, trong khi chưa có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm đủ tầm, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.
“Ai xếp hạng tín nhiệm và khi các doanh nghiệp muốn xếp hạng tín nhiệm có tìm đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm này không?”, TS. Trịnh Quang Anh băn khoăn.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, cơ quan quản lý thường nói phải công khai minh bạch nhưng hiện có những cách làm rất không rõ ràng. “Chúng ta đặt kỳ vọng thị trường trái phiếu lớn nhanh nhưng bền vững song thực tế trong quá trình phát triển phải có quá trình sàng lọc, đào thải mới có sự phát triển. Nên có những chuyện nọ chuyện kia cũng là điều cần thiết để thanh lọc thị trường”, TS. Trịnh Quang Anh nói.
Theo ông chỉ có những vấn đề rủi ro vĩ mô là cần phải quản lý còn những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thị trường hãy để nó diễn ra đúng quy luật.
Nghị định 153 cần cơ chế đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư khi doanh nghiệp không thể trả lại tiền
Dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan trái phiếu, ông được một số nhà đầu tư cá nhân mời đại diện làm việc với nhà phát hành trái phiếu.
Trong quá trình làm việc, đứng khía cạnh nhà đầu tư đặc biệt nhà đầu tư cá nhân thật ra họ không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu, họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Thứ hai là lãi suất trái phiếu cao hơn ngân hàng thì họ nhảy vào, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì, hay các vấn đề liên quan ra sao.
Khi xảy ra một số vụ việc với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, hiện nay nhiều lãnh đạo công ty phát hành vướng lao lý. Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong xử lý việc này.
Khi đại diện nhà đầu tư làm việc, họ chỉ có mong muốn lấy lại tiền khi mua trái phiếu, đặc biệt trái phiếu đến hạn mong muốn lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý, Cơ quan Điều tra có cho tại ngoại để xử lý các vấn đề. Tuy nhiên trong cơ chế nền tư pháp Việt Nam thì khó cho tại ngoại để xử lý. Giai đoạn tới phải xem xét cách xử lý, ứng xử của các đơn vị nếu lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý.
Thứ 2 đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân. Hiện nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền. Một số chủ doanh nghiệp mong muốn bán các dự án để xử lý, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế xử lý hiện nay không được, tiền vào kho bạc, vào cơ quan điều tra phải đợi các phiên tòa, bản án của tòa.
“Tôi nghĩ vấn đề ở đây khía cạnh tư pháp trong thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua”, ông Hà đề xuất.
Không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường TPDN
TS. Võ Trí Thành: Nối tiếp đánh giá giá trị đó, đặt sự phát triển thị trường TPDN song song với tín dụng ngân hàng, xin TS. Vũ Đình Ánh nói thêm về những mối quan hệ và bối cảnh tương hỗ hoặc bất lợi hiện nay?
TS. Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường TPDN bao gồm thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng theo luật chứng khoán và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong số 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, có 80% là phát hành riêng lẻ và 20% còn lại phát hành ra công chúng. Nghị định 153 tập trung vào trái phiếu phát hành riêng lẻ nhưng cho tới nay, chưa có cơ quan nào trả lời 20% trái phiếu phát hành ra công chúng đang có vấn đề gì hay không.
Một điều chúng ta cần lưu ý, năm 2021 doanh nghiệp phát hành trái phiếu cực lớn, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh đây là năm mà chúng ta chịu tác động cực mạnh của dịch bệnh. Do đó, chúng ta không thể bỏ qua câu chuyện tác động của dịch bệnh tới thị trường này.
Thứ ba, ai chịu trách nhiệm về thị trường TPDN? Nghị định 153 quy định rất rõ là Bộ Tài chính, tuy nhiên, chỉ Bộ Tài chính thì không thể giải quyết được các vấn đề của thị trường nếu không có sự tham gia của NHNN, bởi họ là người mua TPDN, là người tham gia lớn nhất.
Vừa qua, báo chí nói nhiều đến một thị trường TPDN 3 không: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, cái không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường TPDN, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng. Quan trọng nhất của TPDN là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau.
Cuối cùng tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan.
Ông Don Lambert: "Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam"
Kết thúc phiên 1 "Nhận diện đúng thị trường trái phiếu", mở đầu phiên 2 với chủ đề "Niềm tin và trách nhiệm", ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, thị trường vốn Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, hiện nay đã lớn nhất Đông Nam Á và sẽ phát triển lớn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào có sự phát triển nhanh như vậy cũng có những rủi ro về hệ thống.
Chúng ta có những khoản trái phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân và thật đáng tiếc khi có những nhà đầu tư mất tiền như vậy. Thực tế, có những trái phiếu không phải lúc nào cũng tốt, luôn có những rủi ro. Việt Nam có thị trường trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng.
Hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu. Những doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm toàn cầu có những kinh nghiệm tốt và làm việc tại những thị trường phát triển. Những đơn vị xếp hạng toàn cầu có thể giúp đem đến những cách thức và tiêu chuẩn hạng tốt nhất, nhất là những kinh nghiệm và quản trị.
“Xếp hạng chính là ý kiến và bạn cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh bởi những ý kiến tác động của bên nào”, ông Don Lambert nói.
Trong môi trường xếp hạng tín nhiệm chặt chẽ các nhà đầu tư có thể hy sinh lợi nhuận để có xếp hạng tín nhiệm. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì cần các quy định pháp luật cần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm cũng có chi phí khá đắt đỏ như chi phí kế toán, chi phí kiểm định,… các chi phí này có thể lên tới hàng chục nghìn USD.
Ông Don Lambert khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm được xếp hạng tín nhiệm vì đã có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa. Bên cạnh đó, một khi đã phát triển được môi trường pháp lý tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư.
Trong thời gian vừa qua Việt Nam chủ yếu chứng kiến các vụ phát hành riêng lẻ và 95% các vụ chào bán trên thị trường trái phiếu là phát hành riêng lẻ. Nhưng nếu bắt buộc các doanh nghiệp phải xếp hạng thì chẳng ai chịu xếp hạng cả.
“Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert băn khoăn.
Ở chiều ngược lại, ông Don Lambert cho rằng, việc có nhiều doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm sẽ dẫn đến cạnh tranh, có thể có những xếp hạng không chính xác và đưa việc xếp hạng tín nhiệm xuống đáy. Hiện tại Việt Nam đã có vài đơn vị xếp hạng tín nhiệm và còn có thêm một số trong thời gian tới.
Ông Don Lambert đề xuất Việt Nam hãy nhìn sang các nước trong khu vực xem họ xếp hạng như thế nào? Ví dụ ở Malaysia nếu không được xếp hạng tín nhiệm lần 1 thì sẽ gửi yêu cầu xếp hạng lần 2, nhưng điều này sẽ khó áp dụng ở Việt Nam. Còn ở Ấn Độ muốn xếp hạng lần 2 phải công bố xếp hạng lần đầu. Vậy thì sẽ có những doanh nghiệp xếp hạng 3 chữ A lần đầu nhưng 3 chữ B lần sau, như vậy việc xếp hạng tín nhiệm tan nát.
Có thể thấy, tại Việt Nam, các nhà đầu tư rót vào các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành rất ít, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các ngân hàng phát hành. Trong khi nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn và phản ánh khá rõ qua sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Vì vậy, Việt Nam rất cần đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, cần có những doanh nghiệp làm theo yêu cầu này để làm ví dụ cho thị trường.
“Có không ít công ty khá kém về việc công bố các thông tin, vậy thì các tổ chức có vai trò rất lớn trong việc minh bạch các thông tin”, ông Don Lambert nói.
Không chỉ thắt chặt quản lý, cần hướng tới phục vụ thúc đẩy phát triển thị trường
Nêu quan điểm trong phiên thảo luận thứ 2, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, trước mắt, ngoài việc hoàn thiện lại Nghị định 153 theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu thắt chặt quản lý của cơ quan Nhà nước cần hướng tới phục vụ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.
"Tôi thấy khi tư vấn một số nhà đầu tư, doanh nghiệp thì họ có nhiều cách lách khác nhau. Nội dung có quy định nhà đầu tư chứng khoán phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, số lượng lớn nhà đầu tư là cán bộ hưu trí, nhà kinh doanh nhỏ lẻ có tiền muốn tham gia thị trường vì lãi suất cao. Họ có nhiều cách để lách, có thể các CTCK biến họ từ nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp với chi phí khoảng 4-6 triệu, hoặc có tổ chức nhận toàn bộ lượng phát hành, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để lách.
Văn bản quy phạm pháp luật cần lường trước làm sao điều chỉnh các các tổ chức phát hành, người tham gia, dù tương đối khó nhưng vẫn phải nghĩ cách làm", ông Hà nói.
Thứ hai hiện nay dự thảo Nghị định 153 còn nhiều quy định thắt chặt hơn, đẩy những nhà phát hành tương đối khó khăn. Ví dụ không được huy động vốn phát hành trái phiếu đầu tư cổ phần. Tôi nghĩ về thực tế như vậy không phù hợp với những quản trị công ty mẹ công ty con ở các tập đoàn.
Thứ ba, chúng ta phải điều chỉnh nếu trong trường hợp quyết định hành chính cơ quan nhà nước hủy phát hành trái phiếu thì xử lý như thế nào, trong trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan tư pháp điều tra. Cần bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Cũng nên đặt vấn đề trong thời gian tới sau quá trình sửa đổi Nghị định 153 cần xây dựng luật riêng về phát hành trái phiếu hay không?
Thắt chặt thị trường khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên luỵ
Ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT AzFin cho biết, các chuyên gia đã trao đổi rất nhiều đến vấn đề liên quan đến pháp lý, nhưng để cấu thành nên thị trường tài chính không thể không nhắc đến vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia.
Thời gian vừa rồi thị trường xảy ra rất nhiều vấn đề mà trong đó, nhiều nhà đầu tư chưa thu hồi được tài sản. Chính các vấn đề này dẫn đến động thái thắt chặt của cơ quan quản lý, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên lụy. Thống kê cho thấy tháng 7-8 vừa rồi khối lượng phát hành chỉ 20-30 nghìn tỷ đồng, đây là nút thắt rất lớn. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu, trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành như nào. Thị trường TPDN của chúng ta còn non trẻ, chưa thực sự phát triển, theo đó, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây là một "bữa tiệc" để lợi dụng vốn nhà đầu tư.
Đối với doanh nghiệp phát hành, rất mong các cơ quan truyền thông cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu hơn, theo đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính.
Để xử lý được vấn đề này, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả hơn, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn. Họ nên thành lập bộ phận quản trị tài chính, có nhiệm vụ tính toán dòng tiền, nhu cầu vốn, giúp doanh nghiệp hoạt động theo một kế hoạch bài bản.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận quan hệ nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan khác như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo,…
Đối với nhà đầu tư, cần nhìn nhận trái phiếu cũng là một kênh đầu tư, hãy phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Đặng Đình Hiệp, nhà đầu tư đã gắn bó với thị trường chứng khoán trong hơn 20 năm cho biết, năm ngoái là năm COVID mạnh ở phía Nam, phía Tân Hoàng Minh tổ chức những chiến dịch lớn, đưa tin phát hành trái phiếu lãi suất 12%. "Theo tôi Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp cũng như cơ quan Bộ Tài chính phải đề cập yếu tố quan trọng, đó là an toàn vốn", ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho biết, một số nhà đầu tư là các hiệu trưởng trường mầm non, nhân viên công ty du lịch hỏi tôi có nên mua trái phiếu với lãi suất 12%. "Tôi khuyến cáo đừng nghĩ về mức 12% mà hãy quan tâm doanh nghiệp đó tốt hay xấu", ông Hiệp cho hay.
Chia sẻ góp ý về Nghị định 153, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng hiện các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến rủi ro và tham gia thị trường trái phiếu khá hững hờ. Nếu hệ thống pháp luật Việt Nam chặt chẽ hơn thì thị trường sẽ bớt rủi ro hơn.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, tại Mỹ từ lâu quốc gia này đã có quy định tách ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Song tại Việt Nam hiện nay nhiều ngân hàng đang thực hiện chức năng môi giới đầu tư và có lợi nhuận rất lớn.
Điều này không có pháp luật nào cấm, nhưng có một thực tế là những doanh nghiệp nào càng rủi ro càng cần đơn vị đứng ra bảo lãnh. “Chúng ta chưa có những quy định tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nên cần có những quy định pháp luật rõ ràng về vấn đề này”, ông đề xuất và nhấn mạnh thêm “tôi không nói là cần siết quá chặt lại nhưng cần có những quy định rõ ràng, thế giới đã tách bạch rồi Việt Nam cũng nên học hỏi”.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, dài hạn sẽ có Nghị định 153 xử lý dần dần nhưng ngắn hạn thì ngày đáo hạn đang tới rất gần. "Tôi nghĩ bán bất động sản là tài sản đảm bảo bây giờ không phải dễ", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện có thực trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau ghê gớm. "Qua trao đổi, tôi thấy doanh nghiệp cho biết doanh thu 1.000 tỷ có khi bị chiếm dụng vốn 700 tỷ. Trong khó khăn có doanh nghiệp coi chiếm dụng vốn là một trong những biện pháp", ông Nghĩa nói thêm.
TS. Trịnh Quang Anh nhấn mạnh rằng bối cảnh thị trường, bối cảnh tiền tệ đang thay đổi rất nhanh. Nhiều người vẫn đang “mơ ngủ” về giai đoạn tiền rẻ, nhưng tình hình lại đang thay đổi quá nhanh, chúng ta không thể hình dung trong một thời gian rất ngắn, lãi suất Fed có thể tăng lên đến ngưỡng 3,5%, và nếu thế lãi suất VND phải lên tới bao nhiêu? VND phải hấp dẫn hơn để người ta nắm giữ. Trong bối cảnh các đồng tiền khác đang mất giá khủng khiếp, VND mới chỉ mất chưa tới 3%, có được điều này chúng ta phải đánh đổi bằng lãi suất cao hơn.
"Điều này có thể khiến các anh chị lo lắng, nhưng thật ra chúng ta đang trở về điều kiện bình thường mới và cần chấp nhận mặt bằng lãi suất trở về trạng thái bình thường mới", ông Quang Anh.
Thời kỳ COVID chúng ta tiền bơm ra thì bây giờ phải hút trở lại nên đừng lo lắng, chúng ta vẫn còn 2 “cửa thoát hiểm”. Thứ nhất là tiền ngân sách vẫn đang thặng dư 250 nghìn tỷ, số dư tiền gửi kho bạc 800 nghìn tỷ vì giải ngân đầu tư chậm. Do đó, chúng ta cần giải ngân nhanh hơn.
Thứ 2 là “ân xá” cho đồng tiền để nó tham gia vào thị trường. Trong tương lai ngắn hạn, tôi thấy rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn với nguồn vốn ít hơn và lãi suất cao hơn.
Sửa đổi Nghị định 153 phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết
Trong khi đó, TS. Trương Văn Phước cho rằng, Việt Nam rất tự hào hội nhập sâu rộng nhưng riêng lĩnh vực trái phiếu Việt Nam hội nhập tương đối hẹp. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường tài chính nói chung, thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
“Suy cho cùng đã vay là phải trả, người phát hành hiểu rõ nhất khả năng khoản trả là bao nhiêu”, ông nói và cho rằng việc lo lắng sắp tới 84.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn hay cả năm sau 140.000 tỷ đều không sao hết.
Ông đặt vấn đề các ngân hàng đã giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch, với số trái phiếu sắp đáo hạn có nên như thế không?
Theo TS. Trương Văn Phước, Nghị định 153 sửa đổi cần quan tâm đến điều này và việc sửa đổi phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết.
Ông cũng nhấn mạnh thêm phải có tài sản đảm bảo, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Và nếu như nhà đầu tư chịu chơi với những loại tài sản không có tài sản không đảm bảo thì phải chấp nhận rủi ro.
12h00 Toạ đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” kết thúc, ông Võ Trí Thành cho biết, cuộc hội thảo có thể chưa bao trùm tất cả nội dung, nhưng có ý nghĩa nhìn nhận trách nhiệm các bên liên quan. Cuối cùng, có thể cách nhìn nhận khác nhau nhưng làm sao để thị trường đem lại sự phát triển lành mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện các chủ thể hoạt động trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhà đầu tư là quỹ đầu tư. Cần tổng thể khôi phục phát triển thị trường trong thời gian tới. Quan trọng cần có dẫn đường của Chính phủ, ứng xử với các vấn đề này, trước mắt đối diện với giai đoạn đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp. Như vậy, phải tính đến xử lý không thô bạo, có lộ trình, cần thiết phải triển khai trong thời gian tới.
"Tôi nghĩ có những vấn đề cần trao đổi sâu thêm, quan hệ tổ chức tín dụng với nhà phát hành như thế nào, đào sâu nghiên cứu, định hướng cơ chế quản lý thúc đẩy nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư", ông Lộc kết luận.