Hoạt động đầu tư Forex ngày càng tăng tuy nhiên với các quy định pháp lý hiện tại các cơ quan có thẩm quyền rất khó xử lý triệt để, thậm chí một số trường hợp vi phạm còn nằm ngoài khuôn khô của pháp luật điều chỉnh. Trả lời phỏng vấn của Kênh Truyền hình Quốc hội về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ giải đáp tường tận những "lỗ hổng" pháp lý hiện nay và các giải pháp nhằm khắc phục những "lỗ hổng" đó. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn, SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc.
Thưa ông, đầu tư ngoại hối là một hình thức mới trên thế giới nhưng lại khá mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại đa số các sàn giao dịch forex ở nước ta đều là trái phép và có sự biến tướng lừa đảo. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Luật sư trả lời:
Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange – hay còn gọi là ngoại hối. Đây là thị trường trao đổi tiền tệ tài chính toàn cầu.
Mục đích ban đầu của thị trường Forex là trao đổi tiền tệ nhằm phục vụ cho các mục đích đầu tư và thương mại xuyên quốc gia. Dần dần, theo thời gian, giới đầu tư đã học được cách kiếm tiền trên thi trường này trên sự khác biệt giữa các tỷ giá hối đoái, khiến bản chất của thị trường tiền tệ vượt ra khỏi nền tảng thương mại ban đầu. Lợi nhuận (thua lỗ) của thị trường hối đoái xuất phát từ những thay đổi về giá trị của từng đồng tiền, tương quan với giá trị của các đồng tiền khác.
Sàn Forex về bản chất là một kênh trung gian (Forex broker) được thành lập tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định và phải tuân thủ theo luật pháp tại nơi thành lập. Nguồn thu của sàn Forex có thể là hoa hồng hoặc chênh lệch giữa giá mua và giá bán thu từ người tham gia.
Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau:
(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản;
(ii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.
Hiện nay, tại Việt Nam, kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối là hành vi trái pháp luật. Cụ thể: Điều 23, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định phạt từ 10-100 triệu đồng đối với hành vi Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Nhằm lách luật, nhiều công ty giả danh dưới dạng sàn nước ngoài bằng cách đặt máy chủ tại nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất siêu cao để lừa đảo.
Mặc dù chúng ta đã có Sandbox – cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm các chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định nhưng vẫn phải chịu sự giám sát chặt của các nhà quản lý và chưa thực sự trở nên phổ biến.
Thời gian qua công an liên tục đánh sập các sàn giao dịch Forex bất hợp pháp, tuy nhiên, các đối tượng vẫn liên tục mở các sàn mới để kêu gọi nhà đầu tư. Ông có thể lí giải nguyên nhân tại sao hình thức này vẫn phát triển ồ ạt dù không được công nhận ở nước ta?
Luật sư trả lời:
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính những nhà đầu tư tham gia vào sàn giao dịch Forex bất hợp pháp. Họ muốn làm giàu nhanh chóng nhưng lại thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về đầu tư nói chung và đầu tư forex nói riêng. Để dụ dỗ người chơi tham gia vào các sàn giao dịch này thì các đối tượng thường đưa ra những lời quảng cáo, hứa hẹn chắc chắn sẽ thu lợi nhuận “khủng”, cao gấp hàng chục, hàng trăm lần lãi suất của ngân hàng.
Bên cạnh đó, những sàn giao dịch kiểu này cũng thường đưa ra chế độ hoa hồng cấp độ lớn theo mô hình kim tự tháp, càng kêu gọi được nhiều người tham gia, càng đầu tư nhiều tiền thì lợi nhuận càng cao. Với cách vận hành như vậy, các sàn này đã nhanh chóng thu hút được không ít nhà đầu tư.
Nguyên nhân thứ hai đến từ những người đã và đang thành lập, điều hành, quản lý, kiếm lời từ các sàn giao dịch Forex bất hợp pháp. Các thủ đoạn, chiêu trò của các cá nhân, tổ chức này ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Họ không hành động nhỏ lẻ mà có tổ chức, phân vị trí, vai trò rõ ràng, có người phát triển hệ thống, kỹ thuật, người phụ trách quảng cáo, marketing. Website mà họ lập trình ra để lôi kéo người chơi đều được thiết lập bằng tiếng Anh, dễ khiến nhà đầu tư lầm tưởng đây là của nước ngoài thật.
Nguyên nhân thứ ba là các cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt để triệt phá, ngăn chặn các đường dây này. Tuy nhiên, với sự phát triển của các sàn giao dịch trái phép hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ xử lý mạnh tay hơn.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện tượng các sàn giao dịch forex có cơ hội phát triển là do những lổ hổng về mặt pháp lí như pháp lệnh ngoại hối hay Thông tư 15 của NHNN Việt Nam. Ông có thể phân tích về mặt pháp luật đối với những lỗ hổng này?
Luật sư trả lời:
Bản chất của sàn giao dịch Forex là hoạt động kinh doanh trên các giao dịch tiền tệ qua tài khoản online, dưới hình thức là giao dịch ký quỹ.
Khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định đối tượng được hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau: “1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.” Như vậy, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác ngoài ngân hàng có thể tham gia kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối nếu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.
Tại Điều 3 Thông tư 21/2014/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng được phép là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối. Tuy nhiên các điều kiện để hoạt động kinh doanh ngoại hối đối với tổ chức, công ty tài chính là khá ngặt nghèo, như: Để được thực hiện hoạt động ngoại hối, công ty tài chính đã được thành lập tối thiểu là 3 năm. Ngoài ra phải đáp ứng được các điều kiện khác quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Thông tư 21/2014/TT – NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 28/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, cho đến hiện nay chưa có tổ chức nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh.
Thông tư số 02/2021/TT-NHNN (thay thế Thông tư số 15/2015/TT-NHNN) quy định tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối thực hiện giao dịch này trong phạm vi quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc Quyết định về việc chấp thuận có thời hạn các hoạt động ngoại hối khác và/hoặc các văn bản cá biệt khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi chung là Giấy phép), tự chịu trách nhiệm về giao dịch này và tuân thủ các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn, phòng chống rủi ro.
Đối với những hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP. Như vậy, có thể nói việc hoạt động của các sàn giao dịch Forex của Việt Nam hiện nay là chưa đúng quy định pháp luật và đã có cơ chế để quản lý.
Ngân hàng Nhà nước cũng có khuyến cáo với người dân rằng khi tham gia giao dịch Forex, người dân sẽ phải chịu rủi ro là không được pháp luật bảo vệ, đòi lại quyền lợi nếu có vấn đề phát sinh. Việc phát triển rầm rộ của các sàn Forex “chui” ở Việt Nam hiện nay không hẳn do những lỗ hổng trong những quy định hiện hành mà là do Việt Nam chưa xác định quan điểm, chưa có chính sách rõ ràng đối với Forex, dẫn đến việc chưa có quy định cụ thể về Forex, cũng chưa quyết định liệu có thực hiện siết chặt quản lí với Forex, có cấm hoàn toàn hoạt động này hay không.
Theo ông, giải pháp nào để ngăn chặn những biến tướng này và hạn chế sự thiệt hại cho nhà đầu tư?
Luật sư trả lời:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu loại hình kinh doanh Forex, đặc biệt là quy định liên quan đến cá nhân để bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư khi họ tham gia giao dịch: về mức đòn bẩy nhằm điều hoà thị trường, cơ quan nào phụ trách chính cho hoạt động cấp phép các sàn Forex, các chức năng nhiệm vụ khi cơ quan này thực hiện, điều kiện cho khách hàng tham gia giao dịch ngoại tệ trên Forex và các bên trung gian cung cấp dịch vụ.
Thứ hai, cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia đã có quy định chặt chẽ về sàn giao dịch Forex như tại nhóm quốc gia tại Liên minh Châu Âu (EU), Singapore, Mỹ, ... Việc quản lý thị trường Forex có thể giao cho 1 cơ quan cụ thể như: Uỷ ban về Giao dịch Hàng hoá Tương lai và Uỷ ban Giao dịch tương lai ở Mỹ, Uỷ ban Kiểm soát Tài chính ở Anh, Uỷ ban Kiểm soát Giao dịch tài chính ở Đức, Uỷ ban Tiền tệ Singapore ... tại Việt Nam việc này có thể giao cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, chỉ những sàn Forex nào đã được các cơ quan này thông qua thì mới được cung cấp dịch vụ cho công dân nước sở tại. Các cơ quan này sẽ thực hiện việc kiểm soát mức đòn bẩy chỉ dao động trong khoảng đến 50:1, kiểm tra tình hình tài chính cá nhân của ngừoi tham gia, đồng thời xem xét các dữ liệu công khai từ các sàn giao dịch trên. Đồng thời, văn bản luật cần quy định rõ các hành vi tư vấn thiếu chính xác, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư; không cung cấp rõ các thông tin khi cung cấp dịch vụ trao đổi ngoại tệ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho nhà đầu tư về những rủi ro liên quan đến những biến tướng của loại hình này như cho vay nặng lãi, kinh doanh đa cấp từ những người không được cấp chứng chỉ hành nghề thông qua các kênh như truyền thông, báo điện tử, các buổi toạ đàm chia sẻ của chuyên gia đầu ngành được tổ chức bởi các cơ quan ban ngành hoặc đơn vị độc lập của Nhà nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các trường Đại học hoặc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ....