Không chỉ riêng F88, dịch vụ cầm đồ thời gian gần đây phát triển nóng gây ra nhiều biến tướng và hệ lụy. Nhiều chuyên gia pháp lý chỉ ra những bất cập lỗ hổng pháp lý trong quản lý loại hình kinh doanh này.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn ngắn với kênh truyền hình InfoTV. Nội dung bài phỏng vấn như sau:
Câu 1: Thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu khủng bố. LS bình luận như thế nào về con số này?
Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi diễn biến khá phức tạp nổi lên là tình trạng một số cơ sở núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để tổ chức các hoạt động cho vay, đáp ứng tất cả nhu cầu vay nóng, đáo nợ với thủ tục rất nhanh gọn: không cần thế chấp, không cần trình bày mục đích vay, …Tuy nhiên với lãi suất vay rất cao. Vì siêu lợi nhuận nên các cơ sở kinh doanh cầm đồ không từ thủ đoạn nào để đòi nợ, siết nợ, kể cả thuê côn đồ đòi nợ. Dẫn đến không ít vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thâm chí là xảy ra án mạng do mâu thuẫn liên quan đến dịch vụ cầm đồ gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Trong khi con số cơ sở kinh doanh cầm đồ trên cả nước rất lớn, nhiều tiệm cầm đồ biến tướng thành tín dụng đen trá hình. Do đó, thiết nghĩ, đã đến lúc phải siết chặt công tác quản lý đối với dịch vụ này mới phòng ngừa được những yếu tố bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Câu 2: Mặc dù cầm đồ được quy định là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Nghịđịnh 96/2016/NĐ-CP, và ở góc độ pháp lý thì các công ty cầm đồ hoạt động theo Luật dân sự. Dù có quy định rõ ràng như vậy nhưng hiện nhiều công ty vẫn láchluật cho vay với lãi suất cao và triển khai đòi nợ kiểu tín dụng đen. Lỗ hổng ở đâylà gì thưa Luật sư?
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đối với người Việt Nam: Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quyết định của Tòa án.
Các cơ sở kinh doanh cầm đồ khi cho vay, lãi suất được điều chỉnh theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng " không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác" Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì "mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực" .
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ đã biến tướng nhiều loại hình dịch vụ, lách luật bằng các loại phí. Cụ thể, ngoài lãi suất, người vay phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác như phí thẩm định, phí quản lý tài sản, bảo hiểm, … Do đó tổng lãi suất mà người vay phải trả cho các cửa hàng bị đội lên cả chục lần mức trần quy định. Khi người vay không thể chi trả thì cơ sở cầm đồ sử dụng những đối tượng thu nợ là xã hội đen, trấn áp và khủng bố con nợ.
Mặc dù kinh doanh dịch vụ cầm đồ được quy định là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định rõ ràng về cách thức hoạt động của cơ sở cầm đồ và pháp luật chỉ quy định về mức lãi suất không được vượt quá, không có văn bản pháp lý hướng dẫn về các chi phí phát sinh khác mà chủ cơ sở cầm đồ được phép thu. Trên hợp đồng cho vay vẫn thể hiện lãi suất trong mức cho phép, còn các loại phí phát sinh ngoài thì lại không tính vào lãi suất. Do đó cơ
quan chức năng cũng khó xử phạt những cơ sở này với tội danh cho vay nặng lãi.
Câu 3: Vậy cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cầm đồ như thế nào để hoạt động này được minh bạch?
Trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và quy định chi tiết về các loạivphí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện nhằm lấp lỗ hổng pháp lý.
Thứ hai, cần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước thông qua hoạt động cấp phép thành lập, thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời xử lý những hành vi biến tướng, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hiểu biết của người dân trong việc nhận diện tín dụng đen, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.