LIVESTREAM TRÊN MẠNG XÃ HỘI KHI VI PHẠM GIAO THÔNG CÓ THỂ BỊ NGỒI TÙ

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo về vấn đề: Livestream trên mạng xã hội khi vi phạm giao thông. Nội dung cụ thể như sau:

Thời gian qua không ít người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ khi bị phát hiện, lập biên bản đã ngoan cố, lăng mạ người thi hành công vụ rồi quay clip rồi phát trực tiếp lên Facebook mà không biết rằng hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

 

“Vừa ăn cướp vừa la làng”

Cách đây ít ngày, tại đường Bùi Viện, quận Kiến An, TP. Hải Phòng, tổ công tác thuộc Đội 3 TTGT thành phố khi tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 1 xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ mooc chở hàng có dấu hiệu vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép theo quy định.

Sau khi dừng xe kiểm tra và xác định xe này chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép tới 50cm, Tổ công tác đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện là ông Đ.Đ.T và Biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện là ông Đ.X.T. Số tiền phạt là 10 triệu đồng đối với chủ phương tiện, 2,5 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Song trong quá trình lực lượng chức năng xử lý vi phạm, 2 cá nhân trên đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh của tổ công tác và phát trực tiếp lên Facebook, đồng thời chia sẻ đoạn clip lên nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội kèm theo nội dung không đúng bản chất sự việc gây ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Trước đó, tại Hải Dương cũng xảy ra sự việc tương tự. L.T.H.H. (SN 1993, ở xã Quang Phục, Tứ Kỳ) khi tham gia giao thông đã bị tổ công tác của Đội CSGT-CAH Tứ Kỳ tạm giữ phương tiện vì không đội mũ bảo hiểm, không có giấy tờ xe, sử dụng rượu khi lái xe mô tô.

Trong quá trình làm việc với tổ công tác H không những không chấp hành việc xử phạt mà còn sử dụng điện thoại di động phát trực tiếp lên mạng xã hội với nội dung chửi bới, xúc phạm lực lượng chức năng, đồng thời kêu gọi cộng đồng mạng theo dõi, chia sẻ.

Sau khi được CAH Tứ Kỳ mời lên làm việc, H đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình và gỡ bỏ bài viết. Ngoài việc bị xử phạt 6 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, H còn phạt 8,5 triệu đồng vì các lỗi vi phạm quy định về an toàn giao thông.

 

Vi phạm khi ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ có thể bị phạt tù

Về hành vi ghi âm, ghi hình, livestream lực lượng CSGT, TTGT đang làm nhiệm vụ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, mọi hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đều bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, pháp luật cũng bảo hộ quyền giám sát của công dân đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Theo Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định như không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan...

Thực tế cho thấy, khi người dân phát huy tốt quyền giám sát của mình sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng, giúp cơ quan quản lý nắm bắt, xử lý nhanh chóng những biểu hiện quan liêu, nhũng nhiễu của cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thực thi công vụ.

Song không ít trường hợp do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, hiểu chưa đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã có nhiều hành động gây cản trở lực lượng chức năng, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực thi pháp luật.

“Trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình CSGT, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý nghiêm” – Luật sư Thanh Hà cho biết.

Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ về một trong các tội: Vu khống, Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Link nguồn: https://anninhthudo.vn/vi-pham-giao-thong-con-livestream-len-mang-xa-hoi-co-the-phai-ngoi-tu-post451094.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan