Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong chương trình Hiểu đúng - Làm đúng về hành vi Livestream quay lén phim rạp, sẽ bị xử lý ra sao? Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: 3 anh Tài Trọng Thắng ở chung nhà và chơi thân với nhau nhưng do ít tiền nên 3 anh bàn cách 1 người đi xem phim và livestream lại cho 2 người ở nhà xem và đồng thời để nổi tiếng trên mạng luôn. Sự việc bị công an điều tra, 1 người bị đưa lên phường và 2 người còn lại phải tìm đến luật sư để xin tư vấn.
Hành vi quay lén bộ phim và đưa lên mạng xã hội của anh Thắng đã có dấu hiệu phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tác giả. Nhưng cũng sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để có thể xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 1: Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả quyền liên quan, anh Thắng có thể bị xử phạt về hành vi phân phối tác phẩm:
“Điều 15. Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Hành vi này cũng có thể bị liệt vào hành vi xâm phạm đến quyền truyền đạt tác phẩm đến với công chúng sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng, cùng với đó là những hình phạt bổ sung như buộc phải dỡ bỏ tác phẩm vi phạm:
“Điều 17. Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng
1.Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Cũng có thể xem xét thêm các hành vi như xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị phạt từ 15 đến 35 triệu đồng:
“Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Trong trường hợp này nếu xác định anh Thắng có vi phạm cả 3 hành vi nêu trên thì số tiền phạt có thể lên đến 100 triệu đồng.
Trường hợp 2: Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu anh Thắng sử dụng bản quay lén nhằm vào mục đích thương mại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 170a Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về Tội xâm phạm quyền sở hữu tác giả:
“Điều 170a. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Tuy nhiên, để có thể xử phạt được như vậy cơ quan công an phải có kết quả đánh giá thực tế thiệt hại của nhà làm phim do hành vi livestream của anh Thắng gây ra. Mức thiệt hại càng nặng, thì số tiền bồi thường càng lớn.