Hằng năm ở Việt Nam xảy ra không ít những vụ tai nạn lao động, không ít trong số đó là những người làm nghề thợ xây, làm nghề tự do tại các vùng quê, hay các công trường. Mạng sống không thể đền bù
Hằng năm ở Việt Nam xảy ra không ít những vụ tai nạn lao động, không ít trong số đó là những người làm nghề thợ xây, làm nghề tự do tại các vùng quê hoặc công nhân thời vụ ở các công trường vv... Mà ở đó, họ không hề có hợp đồng lao động, hay một tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi xảy ra tai nạn, thậm chí mất mạng thì nỗi xót xa lại dâng trào, có nhiều cách để người ta khắc phục hậu quả, nhưng mạng sống con người, làm sao có thể 'đền bù' được....
Đừng để miếng cơm manh áo thành rủi may, sinh tử
Mới đây nhất, ngày 15 tháng 11, tại ngôi nhà đang xây dựng của ông Nguyễn Văn T. địa huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Vào thời điểm trên, khi đang đổ mái bê-tông tầng 3, thì toàn bộ phần đang đổ bất ngờ đổ sập xuống chôn vùi những người có mặt bên trong công trình.
Vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi tính mạng của anh Nguyễn Văn Kh. ( 25 tuổi), quê ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cùng 5 người khác bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện…
Trước đó ngày mùng 5 tháng 11, một căn nhà đang xây tại ấp 2 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM bất ngờ đổ sập khiến 11 người bị thương phải vào viện cấp cứu, 8 khối bê tông lăn vào các nhà dân xung quanh đè nát nhiều xe máy.
Những vụ tai nạn thương tâm trên đã đánh lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên cả nước. Theo thống kê, trên cả nước cứ 3 ngày lại có một người mất vì tai nạn lao động. Tai nạn về thi công xây dựng hiện chỉ đứng thứ 2 về số người chết sau tai nạn giao thông. Rõ ràng đây là một vấn đề rất đáng báo động.
Hiểm họa cận kề
Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên, những người lao động họ rất thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân, cũng như không có sự quan tâm bảo vệ người lao động một cách đúng mức của cách chủ thầu, đặc biệt là những công trình xây dựng nhỏ lẻ ở nông thôn.
Hiện trường vụ tai nạn mới đây tại Mỹ Đức Hà Nội
Theo anh Trịnh Văn Ngọc, một trong những nạn nhân trong vụ sập nhà tại huyện Mỹ Đức cho biết, anh cùng những người khác đi làm, không hề có bất cứ một hợp đồng lao động, mà tất cả chỉ là thỏa thuận bằng miệng với người thuê làm, khi đi làm, anh không được chủ trang bị cho mình trang bị bảo vệ lao động, cũng như kiến thức về an toàn lao động.
Khi tai nạn xảy ra, những người lao động sẽ không có cơ sở để đòi hỏi quyền lợi về mình khi không có hợp đồng ràng buộc. Cũng theo anh Ngọc, việc xảy ra tai nạn là điều không may, anh và những người khác không hề có ý định kiện, hay đòi hỏi thêm quyền lợi về mình.
Thiệt thòi khi xảy ra tai nạn.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW cho biết :
“ Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/5/2013, và Nghị định số 05/2015 có hiệu lực từ ngày 01/3/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 có các quy định liên quan đến người lao động như sau:
Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Như vậy, có thể thấy là trong luật định thì quan hệ lao động giữa hai bên là bên thuê lao động và bên lao động phải được xác lập với nhau bằng một hợp đồng lao động.
Bộ luật Lao động cũng quy định rõ:
Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp: Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói....
Do đó, bản thân người lao động phải tìm hiểu, phải nắm được quy định này để tự bảo vệ mình, một quyền mà pháp luật đã trao cho người lao động.
Hiện trường vụ sập nhà khiến 11 người thương vong ở TP. HCM
Trả lời về việc đền bù thiệt hại cho người lao động khi xảy ra tai nạn luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết: “ Theo tôi được biết thì khi tai nạn lao động xảy ra, nhiều trường hợp có người lao động chết do tai nạn lao động thì đều có công an vào cuộc và nhiều trường hợp công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với chủ thầu xây dựng, chuyển viện kiểm sát truy tố trước tòa án để xét xử và có nhiều trường hợp chủ thầu xây dựng đã bị phạt tù. Trong các vụ án đó, ngay trong thời gian công an điều tra thì chủ thầu xây dựng cũng đã phải chi trả cho gia đình nạn nhân thiệt mạng các khoản tiền lớn nhỏ nhằm mong được giảm nhẹ hình phạt (thường là phạt tù giam). Tuy nhiên, thực tế chua xót ai cũng hiểu, không gì có thể đền bù được mạng sống.Tuy nhiên, trên thực tế thi công hiện nay, ngày nào cũng xảy ra tai nạn, cướp đi sinh mạng của nhiều người lao động mỗi ngày là một thực tế đáng báo động về việc không tuân thủ nghiêm chỉnh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng.
Tự bảo vệ mình
Do vậy, từ góc độ của người làm nghề tư vấn pháp luật, và cũng đã từng ở vị trí của người lao động, hơn thế tôi cũng có họ hàng, đồng hương hay rộng hơn là đồng bào của mình thuộc đối tượng người lao động tự do mà nhà báo đề cập ở đây, tôi tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng từ Liên đoàn Lao động, đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương, và cả các phương thiện truyền thông, thông tin, báo chí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật về pháp luật lao động để mỗi người lao động hiểu được quyền và nghĩa vụ khi họ là người lao động. Tôi cũng rất mong muốn tự thân những người lao động khi mang sức lao động của mình đi bán để đổi lấy miếng cơm, manh áo cho chính mình, cho gia đình mình, hãy chủ động tìm kiếm thông tin, nghiên cứu quy định của pháp luật để hiểu và tự bảo vệ mình.