Câu hỏi: Trước mình có làm công nhân ở công ty may sau 1 tháng thử việc, mình có ký hợp đồng 36 tháng. Nhưng tháng sau mình lại nghỉ ngang mà chưa trả lại thẻ ra vào cho công ty. Công ty mình thì trả lương vào 15 hàng tháng mình nghỉ ngang thì đã mất 15 ngày công. Mình muốn hỏi sau khi ký hợp đồng 1 tháng thì mình đã có sổ bảo hiểm chưa?
Nếu có rồi thì làm thế nào để mình lấy lại sổ? Mình được biết là nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động về thời gian không báo trước nhưng mình làm đến ngày 15 lấy lương là mình nghỉ ngang luôn thì sẽ tính như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:
“3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã ký HĐLĐ với công ty có thời hạn 36 tháng, do đó thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Bạn nghỉ việc ngay tháng sau đó, tuy nhiên việc bạn đã có sổ bảo hiểm xã hội hay chưa phụ thuộc vào việc công ty đã kê khai báo tăng lao động với cơ quan BHXH hay chưa. Về nguyên tắc thì trong 1 tháng nếu bạn không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì tháng đó mới không phải đóng BHXH. Tuy nhiên, vấn đề này bạn cần làm rõ lại với công ty về việc đã đóng BHXH cho mình hay chưa.
Trường hợp bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012:
“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.
Như vậy, khi bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Điều 43 nêu trên. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào thì khi chấm dứt HĐLĐ, công ty cũng phải có trách nhiệm: “hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động" (theo Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012).