Gần đây, tại nhiều khu vực, địa phương, giá bất động sản đột ngột tăng cao. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và thiếu kiến thức của người dân, một số đối tượng đã tung ra nhiều chiêu trò nhằm đẩy giá nhà, đất lên cao tạo “cơn sốt” đất ảo hòng trục lợi.
1001 chiêu “thổi” giá bất động sản
Một trong những “chiêu” phổ biến mà các văn phòng, cá nhân môi giới nhà đất thường áp dụng là tạo khan hiếm giả, sốt ảo, đầu cơ rồi bán với giá cao.
Tại một số dự án, dù mới chính thức mở bán vài ngày nhưng trong danh sách bán hàng của chủ đầu tư, số lượng căn đã “có chủ” chiếm từ 70-80%, song thực tế ra sao chỉ người trong cuộc mới biết. Do sốt ruột, một số khách đã nhanh chóng lựa chọn căn hộ và xuống tiền đặt cọc mà không biết được rằng mình đã phải chi một số tiền quá cao so với giá trị thực của món hàng tại thời điểm đó.
Khi sử dụng chiêu trò này, đa phần các dự án đều chưa xong các thủ tục pháp lý, chưa được cấp phép phát triển dự án, nhưng khi qua lời tư vấn của “cò đất”, tất cả các thủ tục này đều đã hoàn thành, nhà đầu tư chỉ cần rót tiền và chờ cơ hội để chốt lời.Không chỉ có vậy, một số nhân viên tư vấn bán hàng còn đưa ra những lời hù dọa nhà đầu tư, rằng nếu không rót tiền ngay sẽ mất cơ hội được sở hữu căn hộ, thậm chí còn nói khống, nói quá về thông tin dự án, tâng bốc thông tin sản phẩm để “bẫy” nhà đầu tư.
Ngoài ra, không ít cá nhân còn sẵn sàng bỏ vốn “gom” những bất động sản ở khu vực có hạ tầng tốt khi giá còn rẻ với số lượng lớn sau đó khi có “sốt đất” hoặc thị trường biến động thì “bung hàng” bán với giá cao hơn. Còn một lý do khác khiến giá bất động sản (đặc biệt là đất nền) tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn chính là việc “lướt sóng” của nhà đầu tư.
Cần có chế tài xử lý hình sự
Về hiện tượng trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khi giá đất bị “thổi” lên cao, người mua phải gánh chịu hậu quả khi nhắm mắt chạy theo quy hoạch. Ngoài ra, người thiệt hại còn là nông dân bán đất giá rẻ, là các nhà đầu tư thứ cấp ôm đất với giá cao. Đối tượng được hưởng lợi chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất, một số công ty bất động sản.
Cũng theo Luật sư Thanh Hà, một trong những nguyên nhân gây ra các cơn “sốt đất ảo” hiện nay là do tình trạng phân lô bán nền tràn lan, thiếu kiểm soát. Đây một hình thức đầu tư, kinh doanh bất động sản được pháp luật quy định. Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 8-2 đã bổ sung các điều kiện liên quan đến hình thức đầu tư này.
Theo đó, các nền đất phân lô phải được triển khai theo mô hình dự án, nằm trong quy hoạch, được chính quyền địa phương chấp nhận, chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, đồng thời đáp ứng các điều kiện khác theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở. Khi thực hiện đúng các quy định nêu trên sẽ hạn chế, thậm chí không còn hiện tượng “sốt đất ảo”.
Các cơn “sốt đất ảo” thường xảy ra với các dự án không tuân thủ quy định pháp luật, không phải là đất được cấp phép triển khai. Lợi dụng tin đồn về tăng giá đất, giới “cò đất” sẽ tìm cách để gây nhầm lẫn, môi giới cho người mua nhà, nhà đầu tư mua phải đất không đủ điều kiện để kinh doanh.
Nhằm ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về công bố thông tin đất đai ở địa phương, đồng thời chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động môi giới bất động sản, đăng ký chuyển quyền sử dụng đất…
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc xây dựng chế tài hình sự dành riêng cho hành vi “thổi giá” gây ra sốt đất ảo như cách quy định về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” theo Điều 211 BLHS 2015.
“Để tránh bị “sập bẫy”, mỗi người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức về pháp luật, thận trọng trước khi tiến hành các giao dịch về nhà đất, kiểm tra kỹ các thông tin, cơ sở pháp lý liên quan đến dự án bất động sản mà mình quan tâm” – Luật sư Thanh Hà khuyến cáo.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/lam-the-nao-de-tranh-sap-bay-truoc-cac-chieu-thoi-gia-gay-sot-dat-post465158.antd