Vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ ngày càng chiếm giữ vị trí quan trọng. Liên quan đến thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật SBLAW có đưa ra một số tư vấn cụ thể.
Phần tư vấn này được đăng trên An ninh thủ đô điện tử:
ANTD.VN - Tôi xin hỏi luật sư khi cần cung cấp sản phẩm ra thị trường, cách đăng ký sở hữu trí tuệ gồm những bước nào? Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cần chú ý những vấn đề gì? Doãn Ngọc Thắng (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Trả lời: Tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp gồm có bản quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại… Tùy theo mỗi loại tài sản sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp cần phải đăng ký hay không cần phải đăng ký vẫn được bảo hộ.
Những đối tượng không cần đăng ký mà vẫn được bảo hộ gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan; Tên thương mại; Bí mật kinh doanh. Những đối tượng sở hữu trí tuệ sau phải đăng ký mới được bảo hộ gồm: Nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp. Vì vậy doanh nghiệp cần phải biết mình đang sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ nào, sau đó sẽ nhờ một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để họ đưa ra ý kiến và trợ giúp quá trình đăng ký.
Khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu và nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu, bao gồm: Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Tờ khai); Quy chế sử dụng nhãn hiệu, nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu tập thể; Mẫu nhãn hiệu (12 mẫu nhãn)…
Khi soạn đơn cần lưu ý, phần mô tả nhãn hiệu trong Tờ khai phải làm rõ khả năng phân biệt của nhãn hiệu, trong đó phải chỉ rõ từng yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu có chứa từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm, dịch nghĩa ra tiếng Việt.
Nếu các chữ, từ ngữ yêu cầu bảo hộ được trình bày dưới dạng hình họa như là yếu tố phân biệt của nhãn hiệu thì phải mô tả dạng hình họa của các chữ, từ ngữ đó. Nếu nhãn hiệu gồm nhiều phần tách biệt nhau nhưng được sử dụng đồng thời trên một sản phẩm thì phải nêu rõ vị trí gắn từng phần của nhãn hiệu đó trên sản phẩm hoặc bao bì đựng sản phẩm.
Ngoài ra, danh mục hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu trong Tờ khai phải phù hợp với phân nhóm theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ (Ni-xơ 10). Mẫu nhãn hiệu gắn trong Tờ khai cũng như các Mẫu nhãn hiệu khác được trình bày rõ ràng với kích thước không được vượt quá khuôn khổ 80x80mm và khoảng cách giữa hai điểm gần nhau nhất không được nhỏ hơn 15mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc, thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ.
Dẫn nguồn:
http://m.anninhthudo.vn/kinh-doanh/lam-the-nao-de-san-pham-cua-minh-khong-bi-nhai/721394.antd