Làm thế nào để nhận biết Công an 'rởm' đến nhà đọc lệnh bắt, khám xét giả?

Nội dung bài viết

ANTD.VN - Mới đây, CAQ 11, TP. HCM đã tạm giữ 2 đối tượng giả danh cán bộ Bộ Công an, nửa đêm đến nhà dân đọc lệnh bắt người để điều tra, xử lý về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”...

Hai đối tượng trên là Trần Hữu Sơn (SN 1979, tạm trú quận 7) và Trần Hồng Thái (SN 1983, quê Hưng Yên). Tối 28/8, 2 đối tượng này đã mặc quân phục CAND, đi ô tô biển xanh đến nhà bà T, ở đường Nhật Tảo, quận 1, rồi đọc lệnh bắt bà T và khám xét nhà nhằm mục đích dọa dẫm, yêu cầu gia đình đưa cho các đối tượng từ 100 - 200 triệu đồng.

Lộ chân tướng Công an 'rởm'

Do nghi ngờ về cách làm việc của hai người tự xưng là Công an, có tên Sơn và Thái nên người dân trong khu vực đã gọi điện trình báo với CAP sở tại. Kết quả kiểm tra cho thấy, hai đối tượng là Công an 'rởm', mang theo một 'thẻ ngành' và 'lệnh khám xét' giả để lòe bịp người dân.

Làm thế nào để nhận biết Công an 'rởm' đến nhà đọc lệnh bắt, khám xét giả? ảnh 1
Hai đối tượng giả danh cán bộ Bộ Công an bị tạm giữ tại trụ sở cơ quan công an (ảnh VNN)

Liên quan đến sự việc trên, về trình tự thủ tục bắt người, khám xét người và chỗ ở, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nội dung này đã quy định cụ thể tại Bộ luật TTHS 2015.

Trong trường hợp bắt bị can, bị cáo; bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì Công an phải có lệnh bắt mới được phép bắt người. Lệnh bắt người phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên, chức vụ người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt; chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Khi thực hiện lệnh bắt, người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Phải có đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú, hoặc làm việc và người láng giềng chứng kiến.

Khác với lệnh bắt bị can, bị cáo, lệnh bắt khẩn cấp không cần có Viện kiểm sát phê chuẩn. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp sau đó phải được báo ngay cho Viện kiểm sát bằng văn bản để xét phê chuẩn.

Không được khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ khẩn cấp

Về thẩm quyền ra lệnh khám xét, Điều 193 Bộ luật TTHS 2015 nêu rõ, lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát (VKS) có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.

Trước khi tiến hành khám xét, điều tra viên phải thông báo cho VKS cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử kiểm sát viên (KSV) kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. KSV phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Đối với việc khám xét chỗ ở, khi khám xét phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành, nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

'Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản' - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.

Như vậy, lệnh khám xét nhà, chỗ ở phải được VKS phê chuẩn trước khi thực hiện. Đối với trường hợp phạm tội quả tang, cơ quan điều tra có thể khám xét trực tiếp tại thời điểm phát hiện. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ sau khi khám xét, cơ quan điều tra phải thông báo bằng văn bản cho VKS.

Link bài: https://anninhthudo.vn/lam-the-nao-de-nhan-biet-cong-an-rom-den-nha-doc-lenh-bat-kham-xet-gia-post442857.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan