Trong khi số liệu thống kê cho thấy giao dịch mua bán căn hộ thời gian qua có dấu hiệu chững lại thì tranh chấp tại các dự án lại có xu hướng gia tăng. Người mua nhà cần rút ra bài học gì sau các sự việc này? Về vấn đề này, bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công
Thực tế, câu chuyện tranh chấp nhà chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, các tranh chấp càng ngày càng bùng phát một cách mạnh mẽ, thậm chí mức độ và quy mô lớn
hơn rất nhiều so với trước.Điều này xuất phát từ thực tế nhà chung cư đang mọc lên ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở tăng cao, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự tăng lên về số lượng lại không đi cùng chất lượng, nhiều chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận đã không quan tâm tới quyền lợi của người mua nhà.
Theo các chuyên gia bất động sản, bên cạnh nguyên nhân chủ đầu tư bất tín, không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận với khách hàng, thì nhiều vụ việc nguyên nhân lại xuất phát một phần từ lỗi người mua nhà. Mặc dù so với trước đây, phần lớn người mua nhà đã kỹ tính hơn, nhưng không phủ nhận có nhiều người phó mặc cho các đơn vị phân phối, để rồi khi nhận nhà, không ưng ý và dẫn đến tranh chấp bùng phát.
Các đơn vị phân phối vì muốn bán nhà nhanh và nhiều để thu phí, họ đã quảng cáo quá về dự án so với thực tế, thuyết phục người mua nhà ký hợp đồng, từ đó cũng phát sinh các tranh chấp.
“Điều đáng buồn là dù tranh chấp ngày càng gia tăng về quy mô nhưng các quy định pháp lý về xử lý tranh chấp chung cư lại chưa theo kịp. Thực tế, dù Nghị định, thông tư và các văn bản quy định về quản lý chung cư đều đã có đầy đủ, nhưng lại chưa có đủ chế tài và khung pháp lý xử lý tranh chấp chung cư, khiến tranh chấp chung cư vẫn bùng phát”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhận định.
Theo ông Hà, điểm bất lợi của người mua nhà hiện nay do không được trang bị đầy đủ về pháp lý hoặc không ý thức vai trò và tầm quan trọng của các nhân viên tư vấn pháp lý dẫn đến khi ký hợp đồng thường bị động, ký vào hợp đồng mua bán do chủ đầu tư soạn sẵn. Những hợp đồng này thường quy định các điều khoản có lợi cho chủ đầu tư khi xảy ra tranh chấp.
Tại Việt Nam, hầu hết người dân chỉ tìm đến luật sư khi đã xảy ra tranh chấp. Quy định pháp luật hiện nay cũng đã quy định về các loại hợp đồng mua nhà mẫu với những điều khoản công bằng. Tuy nhiên, chủ đầu tư ít khi áp dụng và đôi khi sử dụng các hợp đồng nhằm lách luật.
Đối với các mâu thuẫn, căng thẳng tại nhiều dự án chung cư ở Hà Nội hiện nay, lời khuyên được đưa ra với người mua nhà là cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, không có những hành vi vi phạm pháp luật như gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản. Sau đó, nên tiến hành thương lượng, hòa giải; thể hiện quyền tự do thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không thể thống nhất được một thỏa thuận chung thì có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp người dân muốn khởi kiện ra tòa án thì có thể tham khảo, nhờ tư vấn từ phía các chuyên gia pháp lý bất động sản, các luật sư có kinh nghiệm để hỗ trợ các thủ tục liên quan.
Người mua nhà cần rút ra những kinh nghiệm từ các vụ việc tranh chấp này. Trước khi tiến hành ký hợp đồng, người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp cho mình các thông tin có liên quan như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của chủ đầu tư; xác định nguồn gốc cũng như mục đích sử dụng đất thông qua sổ đỏ; các loại giấy phép xây dựng, quy hoạch, bản vẽ, thiết kế chi tiết dự án; năng lực của chủ đầu tư dự án…
Gần đây xảy ra nhiều tranh chấp do chủ đầu tư giao nhà không đúng với diện tích ban đầu đã thỏa thuận, do đó, trước khi mua nhà, người mua nhà và chủ đầu tư cần thống nhất kỹ về diện tích căn hộ/cách tính diện tích, các trang thiết bị có sẵn khi được chủ đầu tư bàn giao nhà… Khi nhận bàn giao nhà, cần đo đạc lại diện tích căn hộ và yêu cầu chủ đầu tư xác nhận rõ trong biên bản bàn giao.
Còn theo luật sư Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty Luật Gia Phú, phổ biến nhất trong các tranh chấp chung cư là tranh chấp sở hữu diện tích chung. Việc phân định diện tích sở hữu chung – riêng mặc dù đã được quy định khá rõ trong Luật Nhà ở nhưng vẫn phát sinh nhiều tranh chấp nhất. Ngoài ra còn có các tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ chung cư, tiến độ xây dựng, thanh toán, chất lượng xây dựng, bầu ban quản trị…
Luật sư Trần Quang Khải cho rằng, cần xây dựng Luật Chung cư để điều chỉnh tất cả các quan hệ liên quan đến nhà chung cư. Việc tạo một hành lang pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp giải quyết nhanh các tranh chấp liên quan đến chung cư.
Nguồn: http://vfpress.vn/tai-chinh/lam-sao-de-tranh-vuong-vao-tranh-chap-chung-cu-504665.html