'Làm luật' ở cửa khẩu Lạng Sơn: Cần điều tra, xem xét làm rõ để kịp thời xử lý

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm/bài viết về tình trạng "làm luật" ở cửa khẩu Lạng Sơn trên báo Luật sư Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xem xét làm rõ việc các “nhà luật” này có được sự “hậu thuẫn” từ các cán bộ tại cửa khẩu hay không để kịp thời xử lý theo quy định về các tội phạm tham nhũng, các tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nếu phát hiện có các hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ của những cán bộ này.

Tài xế container chi hàng chục triệu đồng ‘tiền luật’ ở cửa khẩu Lạng Sơn

Liên quan đến vụ việc hơn 5.000 xe container nông sản đã bị kẹt ở Lạng Sơn trong thời gian dài vừa qua do phía Trung Quốc siết chặt cửa khẩu để chống dịch. Tuy nhiên, theo Thanh niên đưa tin, nhiều tài xế và chủ hàng phản ánh việc họ phải chịu chi phí “tiền luật” cho các “nhà luật” với số tiền lớn từ 10-30 triệu đồng mỗi xe nếu muốn hoàn tất các thủ tục thông quan.

Điều đáng nói là các khoản thu này không có hóa đơn, chứng từ. Theo giao kèo từ trước, các tài xế hoặc chủ xe container buộc phải nộp hết giấy tờ xe cho “nhà luật”. Các "nhà luật" sẽ lo mọi thủ tục, giấy tờ để xe thông quan sang Trung Quốc, sau đó báo chi phí về để tài xế thanh toán.

Tài xế nhận giấy tờ từ "nhà luật" sau khi đã đóng đủ "tiền luật". (Ảnh: Báo Thanh niên).

Làm rõ vấn đề về thủ tục và chi phí thông quan của xe hàng container qua cửa khẩu Hữu Nghị, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, luôn quan tâm đến công tác quản lý việc thu giá các dịch vụ logistics tại các dự án bến bãi và đã thực hiện ban hành giá đối với các dịch vụ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước.

Cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án giá để trình thẩm định đối với các dịch vụ thuộc thẩm quyền tự định giá của doanh nghiệp và phải niêm yết công khai toàn bộ danh mục giá các dịch vụ và thu theo giá đã niêm yết. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngày 12/01/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản giao Công an tỉnh điều tra, xác minh tình trạng “làm luật” ở cửa khẩu với các xe hàng container nông sản.

Điều tra, xem xét làm rõ để kịp thời xử lý

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, việc 5.000 xe container nông sản bị kẹt ở Lạng Sơn trong thời gian qua đã mang lại những khó khăn to lớn không chỉ với các doanh nghiệp đem sản phẩm đi xuất khẩu mà còn cả với những đơn vị vận chuyển tham gia vào quá trình này. Nhất là thời điểm đang dần gần kề Tết Nguyên đán, khi các doanh nghiệp đang cần đẩy nhanh việc thông quan hàng hoá để thanh toán các chi phí vận hành trong suốt cả năm qua cũng như đảm bảo quyền lợi cho tập thể công, nhân viên của mình.

Yếu tố khách quan do dịch bệnh khiến phía Trung Quốc buộc phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc thông quan dẫn đến quá trình thủ tục kéo dài chậm trễ. Tâm lý chung khi phải chờ đợi việc thông quan quá lâu khiến các tài xế mong muốn đưa kịp hàng hoá qua cửa khẩu càng nhanh chóng càng tốt, nhất là các container chứa nông sản rất dễ bị hư hỏng theo thời gian và điều kiện thời tiết không phù hợp.

Lợi dụng điều này, các “nhà luật” đã đưa ra mức giá cao chót vót lên tới 30 triệu đồng với cam kết sẽ thông quan thuận lợi. Những hành vi này nếu xét trên vấn đề đạo đức cho thấy thiếu đi sự thông cảm san sẻ giúp đỡ, lợi dụng tình hình khó khăn và tâm lý lo âu, nôn nóng của người khác để trục lợi cho mình.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Hà để xét hành vi này có dấu hiệu trái pháp luật hay không và mức xử phạt như thế nào thì sẽ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi này trước tiên ẩn chứa rủi ro do không có bất cứ chứng từ, hoá đơn nào được đưa cho các tài xế làm căn cứ xác định có giao dịch này trong khi các tài xế lại phải giao toàn bộ giấy tờ xe cho “nhà luật” để làm thủ tục. Tất cả các thoả thuận đều chỉ thông qua tin nhắn, thậm chí chỉ bằng lời nói giữa hai bên và không có người làm chứng.

Luật sư Hà kiến nghị: "Để giải quyết và ngăn chặn những hành vi này diễn ra, thiết nghĩ, chúng ta phải thu hẹp “điều kiện môi trường” để những “nhà luật” này lợi dụng thực hiện. Trước tiên, đó là việc phải có những chính sách giúp đẩy nhanh việc lưu thông hàng hoá qua cửa khẩu, nhất là ưu tiên với các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền phố biến cho doanh nghiệp; khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ thông quan ngay hàng hóa,…

Không chỉ vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp".

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần điều tra, xem xét làm rõ việc các “nhà luật” này có được sự “hậu thuẫn” từ các cán bộ tại cửa khẩu hay không để kịp thời xử lý theo quy định về các tội phạm tham nhũng, các tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 nếu phát hiện có các hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ của những cán bộ này.

Nguồn: https://lsvn.vn/vu-tai-xe-container-phai-chi-tien-luat-o-cua-khau-lang-son-dieu-tra-xem-xet-lam-ro-de-kip-thoi-xu-ly1642156904.html

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan