Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã nêu quan điểm về hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Thưa luật sư, thủ đoạn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Việc làm giả hồ sơ bệnh án không phải là vấn đề mới phát sinh, chỉ vì muốn trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nhờ đến các cá nhân hỗ trợ làm hồ sơ bệnh giả như mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để vào các Trung tâm, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh để có hồ sơ bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan pháp luật. |
Câu 2: Trong hoạt động tố tụng, người có bệnh tâm thần khi phạm tội sẽ phải chịu xử lý như thế nào về mặt pháp luật?
Trả lời:
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh “1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. 2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. 3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt”. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Như vậy, dựa vào các quy định trên, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điểu khiển hành vi của mình sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trước khi bị kết án, thì sau khi khỏi bệnh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. |
Câu 3: Vâng thưa luật sư, vậy những cá nhân phạm tội đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật như thế nào để thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an? Xin mời luật sư chia sẻ thêm về vấn đề này.
Trả lời:
Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Những cá nhân phạm tội đã lợi dụng “kẽ hở” nhân đạo của chính sách và quy định pháp luật nhằm trốn tránh trách nhiệm về những hành vi phạm tội. |
Câu 4: Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã có không ít đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội lại thoát tội với lí do được chuẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Ngoài việc giả tâm thần, làm giấy tờ giả, có đối tượng còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần thật rồi thay tên, đổi họ làm thành bộ hồ sơ giả. Thưa ông, vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây?
Trả lời:
Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”, tức là người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể “không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đây là một quy định mang tính nhân văn và thể hiện sự công bằng của pháp luật, dành cho những người mắc bệnh. Trên thực tế cũng có khả năng đối tượng vi phạm khi bị điều tra, có thể rơi vào tình trạng tâm thần không ổn định. Tuy nhiên, khi tình trạng “cứ có tội là bị tâm thần” trở nên quá phổ biến, thì với những trường hợp này, rất cần sự xem xét thật chính xác, công tâm để quy định nhân văn không bị lợi dụng. Quy trình chẩn đoán, giám định bệnh nhân tâm thần được quy định khá chặt chẽ tại Thông tư 18/2015/TT-BYT của Bộ Y tế nhưng việc thực hiện vẫn có thể có những lỗ hổng về quản lý nhân sự. Yếu tố con người là quan trọng nhất trong lĩnh vực chuyên môn. Cần phải thực hiện quy trình làm hồ sơ bệnh án chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt phải tiến hành kiểm tra chéo giữa các bác sĩ, các khoa phòng. Mặt khác, trong việc thực thi chế tài, đã chưa xử lý nghiêm những trường hợp cố ý làm sai lệch kết quả giám định. |
Câu 5: Đặt trường hợp bản thân là thân nhân, gia đình của người bị hại khi nhận được thông tin hung thủ thoát tội với lý do "bỗng dưng" mắc bệnh tâm thần, không ai là không cảm thấy phẫn nộ với những bác sĩ đã tiếp tay cho hành vi làm giả này. Việc làm trên không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng hoạt động tội phạm lộng hành. Xin luật sư hãy chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
Trả lời:
Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, đặc biệt nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người. Hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, trong cả nghiệp vụ y tế và điều tra, tạo điều kiện để các đối tượng phạm tội được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, công khai coi thường kỷ cương, tha hồ lộng hành; đồng thời gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử về sau. Thiết nghĩ, trong vụ việc này các đối tượng vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh. |
Câu 6: Việc làm giả không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như thế nào cho xã hội, thưa luật sư?
Trả lời:
Hành vi làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội có hệ lụy rất nghiêm trọng, làm sai lệch cán cân công lý, sai lệch hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đó mà tòa án có thể đánh giá, xác định sai về tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Thậm chí, có trường hợp còn không xử lý hình sự được hoặc chưa xử lý thì đã bắt buộc phải đưa đi chữa bệnh… Hậu quả là trực tiếp giúp người phạm tội trốn tránh được việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo tôi, một quy trình giám định tâm thần chặt chẽ, nghiêm minh, chính xác cần được thực hiện nghiêm túc hơn nữa, tránh sót người lọt tội. Điều này là hết sức cần thiết, bởi khi để những đối tượng “giả tâm thần” lọt lưới pháp luật, đồng nghĩa với việc thả ra xã hội những tội phạm nguy hiểm, thậm chí các đối tượng này còn có thể gia tăng các hành vi phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn. |
Câu 7: Vậy thưa luật sư, các ngành, các cấp và mọi người dân cần có những biện pháp nào để chung tay đấu tranh, ngăn chặn hành vi làm giả giấy tờ, hồ sơ bệnh án nhằm thoát tội, tạo môi trường xã hội bình đẳng, văn minh?
Trả lời:
Bộ Y tế, ngành giám định pháp y và các bệnh viện tâm thần có tham gia giám định cần khẩn trương rà soát, kiểm tra thật chặt chẽ, cẩn trọng để phát hiện và khắc phục sơ hở trong việc thực hiện quy trình giám định pháp y tâm thần. Tuy nhiên, dù các quy trình, thủ tục có chặt chẽ tới đâu, mà những người thực hiện không có đaọ đức nghề nghiệp, không có lương tâm và sẵn sàng vi phạm vì những lợi ích cá nhân, thì những “kẽ hở” sẽ vẫn xuất hiện, được tạo ra bởi chính những người thực thi công vụ không làm hết trách nhiệm hoặc cố tình lợi dụng công việc để trục lợi, tiếp tay. Do đó, mỗi cán bộ y tế, cán bộ điều tra cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện nhiệm vụ một cách công minh trong giám định các hồ sơ bệnh lý. Có như vậy mới bịt được hết các kẽ hở, để các quy định pháp luật, các chính sách nhân văn được dành cho đúng người. |