Làm gì để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh?

Nội dung bài viết

Thời gian qua, phát hành trái phiếu để huy động vốn đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thu hẹp; các ngân hàng từng bước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Nếu năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên tới 16,6% GDP.

Dù vậy, trong 2 năm trở lại đây, có thực trạng là nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi lãi suất tiền gửi để thu hút vốn. Doanh nghiệp huy động được vốn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư… nhưng tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường.

Trong bối cảnh đó, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” nhằm tạo điều kiện để cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp… trao đổi, hiến kế giải pháp góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả. Đúng như mục tiêu tại Nghị quyết 54 về cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành là dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 20% GDP.

Tọa đàm sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày 19-4 qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hội trường Lầu 2, trụ sở Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.

Đơn vị đồng hành: CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN RỒNG VIỆT

Các đại biểu, khách mời tham gia tọa đàm: 

1. TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia;

2. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế;

3. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM;

4. TS Lê Đạt Chí – Trường ĐH Kinh tế TP HCM;

5. Ths Nguyễn Anh Vũ – Trường Đại học Ngân hàng TP HCM;

6. TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital;

7. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW;

8. Ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á;

9. Ông Phùng Xuân Minh – Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting);

10. Ông Trương Quốc Bình, Phó tổng giám đốc Saigon Raiting;

11. Ông Trần Huy Doãn – Phó Phòng đầu tư Công ty Chứng khoán ACBS.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tham gia tọa đàm và có bài tham luận quan trọng, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận của luật sư trong hội thảo.

Câu 1: Đã có những “lòng vòng”, “biến tướng” của dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp sau khi huy động, gây ra những hệ lụy và rủi ro cho chính doanh nghiệp đó khi sử dụng vốn không đúng mục đích, rủi ro cho trái chủ, ông đánh giá sao về thực tế này? Vậy liệu quy định hiện nay đang có kẽ hở liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp?

Trả lời:

Trong khi điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã tích cực sử dụng trái phiếu. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư trong hồ sơ phát hành thông báo huy động tiền từ trái phiếu để hoàn thành một dự án, nhưng trên thực tế lại lấy khoản tiền đó để mua dự án khác hoặc đem tiền đi đầu tư.

Số lượng trái phiếu phát hành dưới hình thức huy động vốn nhắm vào cộng đồng nhà đầu tư cá nhân này có thể lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Trường hợp doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp nguy hiểm.

Huy động vốn dưới dạng tiền gửi ngân hàng được thực hiện dưới cơ chế giám sát rất chặt của ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, huy động vốn từ trái phiếu, do các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối cho nhà đầu tư cá nhân lại đang có sự giám sát rất lỏng lẻo. Nếu đây là tác nhân dẫn đến việc kiểm soát nợ xấu không hiệu quả thì rủi ro sẽ đổ dồn về nhà đầu tư cá nhân.

Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.

Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định, mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Từ đó có thể thấy rằng Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao.

Câu 2: Nhiều ý kiến cho rằng để kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quan trọng là cơ quan quản lý cần giám sát, hậu kiểm dòng vốn doanh nghiệp huy động được sau khi phát hành, mục đích sử dụng vốn, quá trình triển khai dự án…, các chuyên gia nghĩ sao về thực tế này?

Trả lời:

Để kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc cơ quan quản lý cần giám sát, hậu kiểm dòng vốn doanh nghiệp huy động được sau khi phát hành, mục đích sử dụng vốn, quá trình triển khai dự án…doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải có những biện pháp để hạn chế rủi ro như sau:

Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp:

– Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Vì vậy, trước khi cân nhắc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

– Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn/dài hạn, hệ số luân chuyển hàng tồn kho…).

– Nhà đầu tư cần năm bắt được đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

– Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Doanh nghiệp phát hành cần trung thực khi công bố thông tin và sử dụng vốn huy động:

Đối với các doanh nghiệp huy động trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất rủi ro khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Ngoài nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Câu 3: Làm sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định, đóng góp và kênh huy động vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp và thị trường?

Trả lời:

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ổn định, đóng góp và kênh huy động vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp và thị trường, cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp:

-Tập trung triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế cho việc vận hành, đặc biệt sắp xếp lại thị trường. Nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý theo hướng điều chỉnh để các đối tượng liên quan, bao gồm: nhà đầu tư, nhà phát hành, các trung gian tài chính, các tổ chức xếp hạng tín dụng, các cơ quan quản lý thực hiện minh bạch hóa thông tin tài chính và tuân thủ những quy chuẩn của pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế.

– Rà soát, đánh giá về cơ chế chính sách liên quan đến phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo cả 2 phương thức ra công chúng và riêng lẻ theo hướng: Đối với phát hành ra công chúng, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán; Đối với phát hành riêng lẻ, quy định đối tượng phát hành và giao dịch là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

-Tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với các đối tượng quản lý; tổ chức đoàn kiểm tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp.

– Đào tạo, phổ biến quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thông tin tuyên truyền về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khuyến nghị nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Trên các phương tiện thông tin, cơ quan quản lý cần thường xuyên cung cấp thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; trong đó, khuyến nghị cụ thể doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ quy định pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về các rủi ro có thể có khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Thứ hai, hình thành tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ:

Thị trường trái phiếu thứ cấp là trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi được phát hành trên thị trường sơ cấp, có thể được giao dịch trực tiếp giữa các nhà đầu tư hoặc thông qua đại lý. Hình thành tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cũng như giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành, giúp doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn minh bạch, hiệu quả, từ đó góp phần hoàn thiện hơn thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể sử dụng để thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các hoạt động vay vốn, giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp…

Thứ ba, xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp:

Theo thông lệ quốc tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất cần có sự tham gia của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để gia tăng chất lượng trái phiếu giao dịch trên thị trường. Tổ chức thực hiện định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phải có uy tín, nhân sự chất lượng cao, các sản phẩm xếp hạng, đánh giá tin cậy. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giải pháp trước mắt là liên doanh, liên kết với các tổ chức có tín nhiệm của nước ngoài để thành lập tổ chức trong nước. Tập trung thành lập 1-2 doanh nghiệp là tiền đề để công ty định mức tín nhiệm ra đời.

Trước khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp ra đời và hoạt động ổn định, chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp cần được tập trung cập nhật để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp sẽ công bố thông tin những nội dung cơ bản của tất cả các đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức thực hiện phát hành riêng lẻ, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của mọi đối tượng nhà đầu tư, cũng như phục vụ công tác thống kê, báo cáo.

Câu 4: Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đang được sửa đổi, bổ sung. Theo luật sư, Nghị định này cần sửa đổi, bổ sung những điểm nào để bịt “lỗ hổng”, góp phần cho thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, bền vững?

Trả lời:

Cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo một số phương hướng như sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

Trước tiên, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành; cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Tiếp đến, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, cần sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Cùng đó, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành đối với Nghị định 153/2020/NĐ-CP bởi hiện nay mới chỉ có Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan