Làm gì để ngăn chặn nạn hóa đơn trái phép?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn kênh VITV về vấn đề Làm gì để ngăn chặn nạn hóa đơn trái phép?

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Xin anh chia sẻ về thực trạng mua bán hóa đơn trái phép hiện nay tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý đã và đang có những biện pháp gì để ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn trái phép?

Trả lời:

Việc mua bán hóa đơn trái phép diễn vẫn ngầm diễn ra sôi nổi bởi nhu cầu về hóa đơn GTGT của doanh nghiệp rất lớn, các đối tượng tội phạm bất chấp quy định của pháp luật trước lợi nhuận dồi dào, khổng lồ; thậm chí vẫn tiếp tục thực hiện hành vi ngay sau khi đã chịu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, cơ quan công an liên tục phát hiện những hành vi mua bán hóa đơn trái phép, với tổng số tiền ước lượng lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí nghìn tỷ đồng.

Các đối tượng thường thực hiện hành vi bằng cách thành lập công ty ma sau đó mua hóa đơn GTGT của cơ quan thuế và bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính. Việc mua bán hóa đơn trái phép ngày càng trở nên có tổ chức và chuyên nghiệp hơn khi không chỉ dừng lại là những hoạt động tự phát của cá nhân đơn lẻ, mà những công ty ma này còn có sự câu kết với nhiều những đối tượng khác ở địa phương: tổ chức nhóm phụ trách công ty ma, nhóm tìm kiếm địa bàn, nhóm tìm kiếm đối tượng có nhu cầu để cung cấp hóa đơn (là những doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng hóa trôi nổi, nhập lậu…). Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể lợi dụng hoạt động sản xuất kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa mua bán trên các hóa đơn.

Hệ thống pháp luật Việt Nam có những văn bản pháp luật sau đây để điều chỉnh về hóa đơn bán hàng: Nghị định số 51/2010/ NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 Chính phủ quy định hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, các hành vi mua bán hóa đơn trái phép có thể bị xử phạt hành chính với các mức khác nhau tùy theo tính chất, mức độ theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP; hoặc có thể bị xử lý hình sự theo Điều 203 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nước. Đối với cá nhân, mức hình phạt cao nhất có thể phải chịu là phạt tiền từ 200.000.000 triệu đồng đến 500.000.000 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Kiến nghị của anh để quản lý nạn hóa đơn trái phép hiệu quả hơn?

Trả lời:

Thứ nhất, ngành thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại mà người nộp thuế giao dịch để đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng làm cơ sở xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn, xử lý theo quy định.

Thứ hai, cơ quan thuế cũng nên đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư ngỏ... để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đấu tranh với hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, mua bán hóa đơn. Đưa tin các vụ án trên địa bàn địa phương mà cơ quan công an, cơ quan chức năng đã điều tra khởi tố theo quy định của pháp luật về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, mua bán hóa đơn nhằm răn đe trong xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Ngoài ra, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an bảo đảm tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan