Làm gì để Luật phòng, chống tác hại rượu bia đi vào thực tiễn cuộc sống?

Nội dung bài viết

SBLAW giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên truyền hình nhân dân với nội dung Làm gì để Luật phòng, chống tác hại rượu bia đi vào thực tiễn cuộc sống?

MC: Thưa quý vị và các bạn, Luật phòng chống tác hại rượu bia được kỳ họp thứ 7 quốc hội khóa 14 thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Tuy còn hơn 5 tháng nữa luật mới chính thức đi vào cuộc sống tuy nhiên điều quan trọng nhất của văn bản này chính là việc tuyên truyền thực thi, ngăn ngừa.

1/ MC. Vâng thưa LS Nguyễn Thanh Hà việc cấm bán rượu bia cho trẻ dưới 18 tuổi là quy định đúng nhưng theo ông sẽ khó thực thi hay không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 5 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2020) quy định Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi” là hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Pháp luật nước ta cũng đã có quy định rất chặt về các điều kiện liên quan đến sản xuất, bán buôn, bán lẻ rượu. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào, bởi vẫn có không ít trẻ đi mua rượu với danh nghĩa “mua hộ”, không ít nhà tự nấu rượu rồi cho con em mình uống. Ngoài ra, việc xác định nồng độ cồn trong rượu cũng là điều đáng bàn, đặc biệt là đối với việc sản xuất rượu thủ công tại các gia đình. Rõ ràng, nếu nhìn vào thực tiễn việc kinh doanh rượu hiện nay ở nước ta thì có thể thấy khó có thể thực hiện quy định này.

Để thực thi có hiệu quả quy định này thì cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao nhất, gồm những bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý thị trường, quản lý phân phối, bán lẻ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thiết nghĩ để quy định này thực sự đi vào cuộc sống thì cần được thực hiện đồng bộ trên toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân kinh doanh rượu và của cả cộng đồng.

2/ Một điều cấm nữa nhận được nhiều sự quan tâm đó là cấm cán bộ công chức, và các lực lượng khác uống bia rượu trong giờ làm việc, học tập, giờ nghỉ trưa? dù thực tế chúng ta đã có 2 chỉ thị cấm nhưng 10 năm qua việc thực hiện yếu ớt, nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Trả lời:

Từ năm 2008 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị (Chỉ thị số 05 ngày 31/01/2008 về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và Chỉ thị số 26 ngày 5/9/2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp) quy định cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa.

Tuy nhiên, đến nay, quy định cấm cán bộ công chức viên chức uống rượu bia mới chỉ thành công tại một số cơ quan Nhà nước cấp Bộ, ngành, Viện nghiên cứu. Thực tế, tại nhiều nhà hàng quán bia, buổi trưa vẫn có rất đông cán bộ công chức, viên chức tranh thủ thời gian buổi trưa giao lưu, tiếp khách.

Nguyên nhân của tình trạng cán bộ viên chức vẫn sử dụng rượu bia trong giờ nghỉ trưa là do các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện Chỉ thị một cách nghiêm túc. Nhiều địa phương, cơ quan Nhà nước vẫn còn buông lỏng quản lý thời gian làm việc nhân viên, chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát hành vi vi phạm này, chưa nghiêm khắc xử lý nên hành vi vi phạm này rất dễ bị tái diễn.

3/ Vậy làm thế nào để việc tuyên truyền hiệu quả, đi vào thực chất, việc thay đổi nhận thức không chỉ dừng ở việc cấm thì né?

Trả lời:

Để nâng cao nhận thức của người dân một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện đồng bộ trên toàn xã hội: tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Thiết nghĩ đây là chính sách đúng, Nhà nước cần tập trung tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ bảo vệ sức khỏe lâu dài cho hàng triệu người tiêu dùng, bảo vệ thế hệ trẻ trong một nhận thức và hành động đúng đắn, văn minh.

Còn nếu quy định cấm bán rượu, bia đơn thuần chỉ là … cấm, trong khi người dân còn tồn tại không ít quan niệm sai về rượu bia, chưa kể những vấn đề phát sinh trong xã hội hiện đại, người trẻ sống thiếu ý chí, hưởng thụ, gia đình ly hôn… có xu hướng gia tăng, cái sự cấm ấy sẽ vô cùng khó thực hiện.

Thưa quý vị và các bạn, việc cấm công chức uống rượu bia, hay cấm bán rượu bia .. nếu không được luật hóa, với khung chế tài cụ thể, sẽ không thể có tác động tới thói quen của mọi người… chỉ khi những người uống rượu thực sự thấy lợi ích của mình bị đe dọa bởi hành vi trên thì việc cấm có đủ sức nặng bỏi thay đổi trong ý thức là thay đổi quan trọng nhất hiệu quả nhất chứ không phải là xử phạt nặng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan