Trong bài viết Lạm dụng nhãn mác đặc sản của tác giả Đăng Thư trên Báo Phụ Nữ trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
PN – Sau khi Hiệp hội nước mắm Phú Quốc công bố 80% nước mắm gắn thương hiệu Phú Quốc bán trên thị trường không phải là hàng “xịn”, không được bảo hộ và chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, phóng viên Báo Phụ Nữ đã khảo sát nhiều mặt hàng, phát hiện tình trạng tương tự.
Đảo quanh một vòng qua một số tuyến đường tại TP.HCM, không khó để bắt gặp những biển hiệu “cà phê Buôn Mê Thuột” (CPBMT) tại các quán giải khát, điểm rang xay cà phê. Thậm chí trên những gói cà phê bày bán trong các cửa hàng, siêu thị cũng có ghi “CPBMT”.
Tại điểm rang xay cà phê T.L. trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), người bán hàng giới thiệu chỉ bán CPBMT loại Robusta, nhưng đề cập đến có nhãn chỉ dẫn địa lý không thì người bán lắc đầu. Dựa theo mẫu tem chỉ dẫn địa lý của Hiệp hội CPBMT dán trên những sản phẩm được công nhận, chúng tôi tìm kiếm tại nhiều cửa hàng, siêu thị… nhưng rất nhiều sản phẩm được bày bán không có tem chỉ dẫn này.
Tuấn, chủ cửa hàng cà phê hạt Buôn Mê Thuột trên đường Lê Hồng Phong (Q.10) giải thích, do nhập nguyên liệu hạt từ Đăk Lăk về chế biến, có hóa đơn xuất hàng từ đại lý tại Buôn Mê Thuột nên gắn bảng hiệu như vậy để… chứng minh nguồn gốc. “Chưa từng thấy cơ quan nào nhắc nhở về vi phạm chỉ dẫn địa lý”, Tuấn cho hay. Chúng tôi khảo sát những sản phẩm khác như: vải thiều Thanh Hà, hồ tiêu Chư Sê…, hầu hết người bán hàng đều cho biết không có tem chỉ dẫn địa lý.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, cả nước hiện có khoảng 41 chỉ dẫn địa lý được cấp chứng nhận bảo hộ, hầu hết là các nông sản, đặc sản địa phương như: nước mắm Phú Quốc, CPBMT, chè San Tuyết Mộc Châu, chè Tân Cương, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, quýt Bắc Kạn… Ba sản phẩm được chính thức công nhận có chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài là nước mắm Phú Quốc, CPBMT, chè San Tuyết Mộc Châu.
Để có được nhãn mác chỉ dẫn địa lý dán lên sản phẩm là việc không dễ. Theo quy định của các hiệp hội ngành hàng, chỉ dẫn này được cấp cho những thành viên có vùng canh tác tại địa phương, với khí hậu, thổ nhưỡng… đặc trưng để tạo ra sản phẩm ấy. Quá trình chăm sóc, khai thác, chế biến, phải theo tiêu chuẩn chung để có sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn về màu sắc, kích thước, mùi, vị, hàm lượng dinh dưỡng… Trong khi đó, trên thị trường, hầu hết các sản phẩm được “gắn” chỉ dẫn địa lý bằng… miệng.
Hàng giả nhiều vô kể
Theo một số chuyên gia, CPBMT nổi tiếng trong và ngoài nước với đặc trưng của giống cà phê Robusta. Loại hạt này chỉ khi trồng tại một số vùng đất của Đăk Lăk mới cho ra sản phẩm có vị tự nhiên như đắng, chát, chua thanh… hay màu sắc, độ sánh, hương thơm đặc trưng.
Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội CPBMT, Đăk Lăk cho biết: có hàng trăm doanh nghiệp chế biến cà phê nhưng hiện mới có 15 doanh nghiệp thành viên của hiệp hội được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Những doanh nghiệp này đều thể hiện nhãn mác trên bao bì sản phẩm. Sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý đều có giá bán cao hơn ít nhất 5-10% so với mặt bằng giá thị trường. “Tuy nhiên, số lượng tự nhận CPBMT thì đếm không xuể, dù biết họ lấy cà phê từ Kon Tum hay Gia Lai, Đăk Nông… về chế biến, thậm chí pha tạp chất rồi cũng gọi là CPBMT”, ông Tương bức xúc. Theo ông Tương, hiệp hội đã nhiều lần phát hiện các đầu mối kinh doanh gian lận, ảnh hưởng đến uy tín CPBMT, nhờ cơ quan quản lý thị trường can thiệp xử lý. Tuy vậy, tình trạng lập lờ chỉ dẫn địa lý nhiều đến mức kiểm soát và đối phó không xuể.
Tương tự, hạt tiêu Chư Sê (Gia Lai) nổi tiếng khắp thế giới, nhờ hương thơm và vị cay hiếm vùng trồng hồ tiêu nào có được. Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, hiện mới có duy nhất một doanh nghiệp (Công ty Hùng Hưng) được cấp chứng nhận, nhưng thị trường thì tràn lan sản phẩm được giới thiệu là hồ tiêu Chư Sê.
Xem tem nhãn trước khi mua
Bằng mắt thường người tiêu dùng khó nhận diện được CPBMT. Chỉ những người sành cà phê, từng sử dụng CPBMT chuẩn mới phân biệt được sản phẩm qua màu sắc, hương vị.
Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi cho rằng, chứng nhận chỉ dẫn địa lý rất đượckhách hàng nước ngoài quan tâm. Người tiêu dùng ở nhiều nước có thói quen tìm hiểu nguồn gốc hàng hóa thông qua tem nhãn trên sản phẩm, còn trong nước, thói quen tiêu dùng không cần bao bì, nhãn mác khiến bản thân người tiêu dùng không biết mình bị ảnh hưởng quyền lợi vì mua nhầm hàng “đểu”.
Ông Hoàng Phước Bính nói: “Việc nhận diện hạt tiêu Chư Sê nhờ kích cỡ hạt lớn hơn hạt tiêu ở các vùng khác là chưa đủ, những khác biệt như hương thơm, vị cay thì không phải người tiêu dùng nào cũng có thể cảm nhận được”.
Ngay cả với những nông sản tươi thì việc phân biệt cũng không dễ. Vài tuần trước, dọc các tuyến đường của TP.HCM có rất nhiều xe vải thiều di động treo biển “vải thiều Thanh Hà”, nhưng hỏi người bán cách phân biệt với các loại vải khác thì hầu hết chỉ cho hay “ăn thử mới biết”(?). Ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, thương hiệu vải thiều Thanh Hà có chất lượng tốt, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhưng chủ yếu vẫn là bán tươi trực tiếp, rất khó nhận biết hàng Thanh Hà hay Chí Linh (một vùng trồng vải thiều khác của Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang).
Hầu hết các sản phẩm được cấp chứng nhận địa lý đều có mẫu tem chứng nhận riêng dán lên bao bì sản phẩm. Vì vậy, khách hàng nên dựa vào đó để nhận diện nguồn gốc sản phẩm để tránh nhầm lẫn.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty luật SB Law (Hà Nội), những doanh nghiệp, cá nhân tự ý gắn nhãn mác những thương hiệu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (tịch thu sản phẩm vi phạm, tiêu hủy sản phẩm và phạt tiền).
Mức xử phạt cao nhất với doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng (Căn cứ vào Nghị định 99/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp). Hiệp hội ngành hàng có thể kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm “nhái” thương hiệu được chỉ dẫn địa lý có thể áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng để đòi lại quyền lợi chính đáng.
Đăng Thư
* Để chai nước mắm được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc”, đòi hỏi sự khắt khe từ khâu chế biến. Chẳng hạn, nguyên liệu làm mắm phải là loại cá cơm sống ở vùng biển Kiên Giang – Cà Mau thuộc vịnh Thái Lan. Muối dùng để ướp cá phải là muối lấy từ các ruộng muối Nam Trung bộ, thùng ướp phải là thùng gỗ làm từ các loại cây như cây hộ phát, bời lời, vên vên, trai, quỷnh, mè điếc, sao; dụng cụ chứa nước mắm cốt phải là những vật liệu không độc hại, không ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm… Dù doanh nghiệp chỉ mất một khoản phí không đáng kể là tiền tem nhận diện dán trên sản phẩm, nhưng để đáp ứng những yêu cầu trên, giá thành nước mắm Phú Quốc chính hiệu, được dán nhãn cao hơn nhiều so với những cách làm thông thường khác. Giá bán lẻ một chai nước mắm “mượn hơi” Phú Quốc cùng dung tích chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba. Việc lập lờ này gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
(Bà Nguyễn Thị Tịnh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thanh Quốc, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc)
* Bà nội trợ chúng tôi chỉ biết thấy hàng hóa, sản phẩm Việt có nhãn mác thì yên tâm mua dùng, đâu ngờ bấy lâu mình đã mua nước mắm, cà phê, hạt tiêu “đểu”. Từ nay tôi sẽ lưu ý tem, nhãn sản phẩm. Có điều, vì sao các cơ quan quản lý cứ để tràn lan những sản phẩm mạo danh ấy? Địa phương nào cũng có cơ quan quản lý thị trường mà!
(Chị Lê Thị Hòa, khu phố 9, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Quý khách có thể tham khảo link bài viết sau:
http://phunuonline.com.vn/tieu-dung/tin-tuc/lam-dung-nhan-mac-dac-san/a125069.html