Khách mời:
Em là nạn nhân của bạo hành gia đình, em bị chồng kiểm soát cả về kinh tế lẫn thời gian, thường xuyên bị chồng mắng chửi và đánh đập. Gần đây em không chịu được nữa nên đã bỏ trốn. Anh ta đe dọa em, đe dọa bố mẹ người thân của em vì việc em bỏ trốn. Em muốn hỏi việc anh ta nhắn tin đe dọa em, người thân của em thì có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Em có thể kiện anh ta ra tòa không hay phải làm cách nào để bảo đảm an toàn cho em với người thân của mình?
Theo Khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì trong trường hợp này, bạn có các quyền sau đây:
“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”
Như vậy, khi bị bạo hành gia đình bạn hoàn toàn có quyền tìm đến các cơ quan, tổ chức để trình báo và yêu cầu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình.
- Đối với việc nhắn tin đe dọa người thân, đây cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nếu phát hiện hành vi này. Cụ thể, trường hợp nhắn tin đe dọa giết nạn nhân hoặc giết người thân của nạn nhân:
Căn cứ Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội Đe dọa giết người thì:
“1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Từ quy định này có thể thấy: nếu người gửi tin nhắn cho nạn nhân có kèm theo những hành động cụ thể khiến nạn nhân biết và tin rằng nếu không quay lại làm thì hành vi giết người sẽ xảy ra thì người gửi tin nhắn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội đe dọa giết người.
Tuy nhiên, nếu họ chỉ nhắn tin như vậy chứ không có các hành động cụ thể thì chưa thể coi là dấu hiệu của tội đe dọa giết người.
Trường hợp thứ hai, hành vi nhắn tin không mang tính chất đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận được tin nhắn phải thực hiện những yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự nhưng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số, vô tuyến điện.
Như vậy tùy vào tính chất mức độ mà chồng bạn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hành vi này.
- Để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của mình, theo quy định tại Khoản 1 Điều 18, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thì: Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhấthoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ của mình, phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người đứng đầu cơ sở đểbáo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Ngoài ra, nếu bạn không thể tiếp tục chịu đựng và sống với người chồng bạo lực thì bạn có thể chọn giải pháp ly hôn. Đối với hành vi bạo lực gia đình, pháp luật luôn bảo vệ người bị hại, cụ thể tại Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.