Kiều hối về Việt Nam và những điều cần biết

Nội dung bài viết

Kiều hối là số tiền ngoại tệ do người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài gửi về cho gia đình và người thân ở Việt Nam. Kiều hối có vai trò lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Vậy pháp luật có những quy định cụ thể như thế nào về hoạt động chuyển và nhận kiều hối?  Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Công ty luật SB Law đã có những chia sẻ trên Chương trình Cẩm nang Kiều bào của đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, thời điểm cuối năm có thể xem là giai đoạn bà con Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước sôi động nhất. Ông đánh giá thế nào về vai trò của nguồn tiền này đối với kinh tế VN?

Trả lời:

Những lợi ích tích cực mà lượng kiều hối mang lại, nhất là với các nước đang phát triển; đối với Việt Nam nó đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nói chung. Dòng tiền này đổ về Việt Nam ngày càng nhiều. Điều này góp phần nâng cao chất lượng sống, cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Ngoài ra, nó còn mang đến những lợi ích như sau:

  • Bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người nhận kiều hối từ nước ngoài.
  • Tạo thêm nguồn lực kinh tế cho nước nhà, làm giảm sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la Mỹ.
  • Tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn từ nước ngoài và lãi suất cao.
  • Góp phần thúc đẩy kinh tế, vốn làm ăn, ổn định đời sống thông qua đầu tư, kinh doanh của Việt kiều.
  • Giúp cải thiện ngân sách đầu tư nhà ở, y tế, giáo dục…

– Hiện nay, ngoài kiều hối thì cũng có những hình thức chuyển tiền đa dạng khác từ nước ngoài về Việt Nam. Chẳng hạn như: các nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hay viện trợ. Song, thực tế, tất cả chúng ta đều thấy được rằng kiều hối là một nguồn ngoại tệ có tính ổn định nhất.

Câu hỏi 2: Hiện có những cơ sở pháp lý nào trong hệ thống luật pháp Việt Nam liên quan đến hoạt động chuyển và nhận kiều hối?

Trả lời:

Liên quan đến hoạt động chuyển và nhận kiều hối, hiện nay được quy định trong các văn bản sau:

- Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối;

- Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế;

- Thông tư 34/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

- Thông tư 11/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, bàn đổi ngoại tệ của cá nhân.

Câu hỏi 3: Thực tế cho thấy, kiều hối có vai trò rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Ngày càng có nhiều người chú ý và dùng dịch vụ liên quan đến ngành nghề này. Vậy xin luật sư cho biết, có những cách thức chuyển kiều hối về Việt Nam nào?

Trả lời:

Theo Điều 4 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/8/1999 thì người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam dưới các hình thức sau:

  1. Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép;
  2. Chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghịêp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế;
  3. Cá nhân mang theo người vào Việt Nam.

Cụ thể như sau:

Chuyển tiền qua tổ chức tín dụng quốc tế

Các tổ chức tín dụng quốc tế uy tín, có mạng lưới rộng lớn trên thế giới là kênh phù hợp để chuyển kiều hối, ví dụ như Western Union, MoneyGram hay UniTeller. Thủ tục chuyển tiền nước ngoài qua các tổ chức tín dụng rất nhanh gọn và đơn giản. Tổng thời gian từ lúc gửi cho tới lúc nhận chỉ từ 2 - 5 ngày (tùy theo từng loại ngoại tệ).

Chuyển tiền kiều hối qua ngân hàng

Ngân hàng được coi là một phương thức chuyển kiều hối thuận tiện cho cả người gửi lẫn người nhận, ngay cả khi người nhận không có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt nếu như người thụ hưởng có nhu cầu đổi, bán hay gửi ngoại tệ vào tài khoản tiết kiệm thì việc gửi kiều hối qua ngân hàng là phương án thuận tiện và tối ưu nhất. Bên cạnh đó, ngân hàng thường có nhiều chính sách ưu đãi cho người nhận và gửi kiều hối vào tài khoản tiết kiệm.

Người chuyển kiều hối chỉ cần tới ngân hàng tại nước ngoài, cung cấp thông tin về người thụ hưởng bao gồm họ tên đầy đủ, số tài khoản và tên ngân hàng trong nước và làm thủ tục chuyển tiền. Nếu người nhận không có tài khoản tại ngân hàng thì người gửi cần bổ sung thêm thông tin nhân thân (số căn cước công dân/chứng minh thư/hộ chiếu/giấy tờ tương đương) kèm ảnh để ngân hàng làm thủ tục gửi kiều hối.

Hiện nay hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều cung cấp dịch vụ chuyển và nhận tiền kiều hối từ các quốc gia trên thế giới. Khách hàng hãy liên hệ trực tiếp với nhân viên tại chi nhánh, phòng giao dịch tại các ngân hàng để được hướng dẫn thủ tục chi tiết nhất.

Chuyển tiền qua tổ chức bưu chính quốc tế

 Trong trường hợp có nhu cầu gửi kiều hối nhanh, thủ tục ngắn gọn thì việc chuyển ngoại tệ qua các tổ chức bưu chính quốc tế là phương án được nhiều người lựa chọn. Mức phí cho dịch vụ tại các tổ chức này dao động từ 4 - 6% tùy theo chính sách của mỗi nơi. Ngoài ra, nếu bên nhận và bên gửi cùng sở hữu thẻ thanh toán quốc tế (VISA, Mastercard, ...) thì có thể chuyển kiều hối thông qua thẻ.

Cá nhân mang kiều hối về Việt Nam

 Nguồn kiều hối do cá nhân ở nước ngoài mang vào Việt Nam chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng lượng kiều hối hàng năm. Tuy nhiên với cá nhân mang kiều hối về Việt Nam cần phải tuân thủ một số quy định của pháp luật, cụ thể là Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN:

- Mang kiều hối phải khai báo với hải quan cửa khẩu: Với mọi khoản ngoại tệ có giá trị vượt mức 5,000 USD, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam đều phải khai báo với hải quan. Nếu khoản ngoại tệ bằng hoặc thấp hơn 5,000 USD và cá nhân có nhu cầu gửi số tiền vào tài khoản thanh toán ngoại tệ của tổ chức tín dụng thì cũng phải thực hiện khai báo.

- Trường hợp ngoại lệ: Nếu cá nhân mang giấy tờ có giá như sổ tiết kiệm, séc du lịch, hoặc phương tiện thanh toán như thẻ ngân hàng,... thì không cần khai báo hải quan cửa khẩu.

Câu hỏi 4: Tôi là Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Sau bao nhiêu năm khó khăn làm việc và tích góp, tôi có để dành được số tiền là hơn 25 nghìn USD. Sắp tới, tôi sẽ đi máy bay về Việt Nam cùng số tiền của mình về quê hương để làm ăn và biếu tặng người thân. Vì xa quê hương đã lâu nên tôi chưa nắm rõ các thông tin. Xin hỏi: Khi mang ngoại tệ vào Việt Nam thì có bắt buộc phải khai báo không?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh, có quy định về mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh như sau:

“1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam)”.

Tại Công văn 6521/NHNN-QLNH ngày 19/08/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn như sau:

"1. Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt cá nhân phải khai báo Hải quan cửa khẩu là trên 5.000 USD (Năm nghìn Đô la Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và trên 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

-Cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (gọi chung là Tổ chức tín dụng được phép) cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu."

Theo đó, mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt cá nhân phải khai báo Hải quan cửa khẩu là trên 5.000 USD (Năm nghìn Đô la Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và trên 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam). Như vậy, trường hợp bạn nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt là 25.000 USD thì phải khai báo Hải quan cửa khẩu.

Câu hỏi 5: Lúc này luật sư có điều gì lưu ý khi kiều bào mang tiền về Việt Nam?

Trả lời:

Nếu mang theo số tiền mặt là ngoại tệ có giá trị tương đương trên 5.000 USD hoặc trên 15 triệu đồng khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mà không khai báo thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức phạt hành chính

Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:

Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng Việt Nam;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng Việt Nam;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này mà số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo thì xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000. 000 đồng Việt Nam;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng Việt Nam;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý: Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trường hợp bị xử lý hình sự

Theo Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật tiền Việt Nam, ngoại tệ trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc các hành vi khác như: buôn lậu, buôn bán hàng cấm…thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Mức phạt quy định với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Bên cạnh đó, tội này cũng quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như:

Phạt tiền từ 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 – 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

– Có tổ chức;

– Vật phạm pháp trị giá từ 300 – 500 triệu đồng;

– Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 01 – 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 – 10 năm nếu phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy việc Kiều bào mang tiền về Việt Nam cần yêu cầu những thủ tục nhất định như: Khai báo hải quan, quy định số tiền tối đa có thể mang về khi nhập cảnh… để từ đó nhằm đảm bảo an toàn cho chính người đó và nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng việc này để thực hiện rửa tiền, …

Do đó, để thuận tiện và an toàn nhất cho Kiều bào ta về nước ăn tết thì theo tôi họ cần có sự chủ động chuẩn bị trước. Cần thực hiện các thủ tục chuyển tiền về nước qua các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật nếu số tiền cần chuyển lớn. Còn nếu số tiền trong mức cho phép quá cảnh thì có thể cầm trực tiếp về, đồng thời chủ động chuẩn bị các giấy tờ cho việc khai báo và nhập cảnh.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan