Kiểm soát sự vi phạm trong sở hữu trí tuệ là thúc đẩy sáng tạo

Nội dung bài viết

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang diễn ra ngày càng trầm trọng trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến sở hữu trí tuệ. Thể hiện rõ nhất việc này là nạn hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và quyền lợi của nhiều người.

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chính là cách bảo vệ tài sản trí tuệ nhằm kích thích sự sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ. Chính vì thế mà sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được các quốc gia phát triển đặc biệt quan tâm bảo vệ.

Còn ở Việt Nam, sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xảy ra rất tự nhiên và đang trở thành hiện tượng bình thường như “chuyện thường ngày ở huyện”. Vi phạm không chỉ ở quyền tác giả, mà còn nhiều ở quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo,… Theo số liệu trong giai đoạn từ 2006-2010, các cơ quan chức năng đã xử lý 4.577 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng mức phạt lên đến gần 20 tỷ đồng. Nhiều người tiêu dùng đã hoàn toàn nhầm lẫn khi sử dụng sản phẩm với nhãn hiệu na ná nhau với ý đồ tạo ra sự nhầm lẫn cho khách hàng, khiến họ bị phân tâm khi lựa chọn sản phẩm. Hàng giả, hàng nhái tràn ngập khắp nơi gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng do quyền sở hữu trí tuệ bị vi phạm.

Sở hữu trí tuệ thường là những sản phẩm được sáng tạo ra từ bộ óc của con người cho nên ở đâu người ta cũng có thể phát hiện các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ. Đó có thể là những tác phẩm văn học, các bài hát, các phần mềm về máy tính hoặc các kiểu dáng công nghiệp,… Còn riêng lĩnh vực âm nhạc mấy lâu nay tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng đang càng trở nên “hot” bởi người dùng chỉ thích xài “của chùa” không mất phí.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang xảy ra tràn lan và đẩy những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chính đáng vào chỗ điêu đứng thậm chí bị phá sản. Bởi doanh nghiệp, cá nhân hay nghệ sĩ không những phải bỏ tiền của để đầu tư mà còn phải lao tâm khổ tứ vắt chất xám vào sản phẩm của mình để làm ra sản phẩm tiêu dùng mà không tiêu thụ được vì giá thành làm ra cao hơn so với hàng lậu, hàng nhái. Không thể để tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ theo kiểu “nước đổ đầu vịt”.

Chính sự vi phạm đó lý giải tại sao ở Việt Nam trung bình mỗi năm chỉ có một sáng chế đăng ký ở nước ngoài, trong khi đó các nước trong khu vực con số này lên tới hàng chục. Theo các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất phát từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là do họ chưa có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về giá trị của tài sản trí tuệ, chưa thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình trong đó có việc xác lập quyền và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì xác lập quyền và bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ giúp các doanh nghiệp thành công trong sản xuất kinh doanh mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp trước pháp luật. Và tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nghiêm trọng và phổ biến, chủ yếu là do các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều điểm bất cập, mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành quá thấp, không đủ sức răn đe,…

Thực tế sự vi phạm sở hữu trí tuệ đều bắt nguồn từ lợi ích kinh tế trước mắt mà không tính đến thiệt hại lâu dài, đó là hạn chế thậm chí giết chết sự sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp không muốn bỏ công, của đầu tư vào sản phẩm mà chỉ muốn thu lợi nhuận lớn nhờ “ăn cắp” chất xám của người khác. Hơn nữa, một số người tiêu dùng lại hám mua rẻ để tiếp tay cho những doanh nghiệp này. Nếu người nghe nhạc nào cũng chịu bỏ ra một khoản tiền lớn hơn để mua đĩa gốc thể hiện văn hóa tôn trọng bản quyền thì đĩa lậu làm sao sống được? Đã đến lúc việc thiết lập kỷ cương về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là điều cần thiết.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành các chỉ thị về việc tăng cường thực thi các quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và các quyền liên quan để "tuyên chiến" với nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với châu Âu và tích cực tham gia các buổi làm việc liên quan đến đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2012.

Để công tác chống hàng giả hàng nhái được hiệu quả hơn nữa, các cơ quan chức năng nên phối hợp cùng các phương tiện truyền thông tăng cường tuyên truyền rộng rãi những kiến thức về sở hữu trí tuệ đến tận các tầng lớp nhân dân. Đồng thời nhà nước cũng cần có những chế tài đủ mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Và có ngăn, chống được sự vi phạm sở hữu trí tuệ thì mới bảo vệ được quyền lợi cũng như sự sáng tạo của từng cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính,…

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan