Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước năm 2023 chính là lạm phát và để kiềm chế lạm phát sẽ liên quan đến yếu tố lãi suất, trong khi đây là một cái giá ảnh hưởng rất nhiều đến các loại tài sản.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá hàng hóa (CPI) của tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng 1; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm ngoái và bình quân hai tháng đầu năm 2023 so với hai tháng đầu năm 2022 tăng 4,6%.
Trong giỏ hàng hóa đo giá tiêu dùng của Việt Nam có 34% là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với trọng số tăng khá lớn khoảng 5,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa (MSN)
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital nhìn nhận, con số 4,6% là chỉ số mà thị trường đang e ngại, vì lạm phát mục tiêu củ vượt trung bình 4,5% hay không là một chủ đề đáng chú ý.
Vị chuyên gia phân tích thêm, trong giỏ hàng hóa đo giá tiêu dùng của Việt Nam có 34% là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với trọng số tăng khá lớn khoảng 5,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó là nhà ở và vật liệu xây dựng chiếm 19%, cũng tăng 7,41% trong tháng 1, tháng 2. Về giáo dục, năm 2022 Việt Nam đang trong thời kỳ khắc phục do Covid-19 gây ra nên được miễn giảm học phí ở một số thời điểm, nhưng đến năm nay chi phí giáo dục đã tăng 11%.
Chỉ riêng lĩnh vực giao thông là không tăng, thậm chí còn giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có sự ảnh hưởng của giá xăng. Nhìn lại diễn biến giá xăng từ tháng 1/2022 đến nay, thời điểm đầu năm ngoái giá xăng chỉ khoảng 22.000 - 23.000 đồng/lít, sau đó tăng vọt lên 31.000 đồng/lít. Vì vậy nếu tính giá xăng ở thời điểm hiện tại khoảng hơn 22.000 đồng, thì mức tăng giá của xăng gần như bằng 0, thậm chí còn giảm.
Ngoài ra, chúng ta còn được hưởng lợi bởi yếu tố so sánh giá xăng dầu từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay với cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu khi đó đạt đỉnh ở mức hơn 32.000 đồng/lít vào tháng 7, sau đó Chính phủ đã có sự trợ cấp về giá xăng dầu, nên áp lực về CPI trong các tháng tới sẽ không đến từ giá xăng dầu. Như vậy, mức tăng đang tập trung vào hàng ăn, dịch vụ ăn uống, nhà ở và giáo dục.
“Đây là những biến số mà thị trường cần phải theo dõi, liệu trong thời gian tới có tiếp tục tăng hay không, khi đó mới kết luận được chỉ số CPI có ở trong phạm vi kiểm soát.
Có một yếu tố thị trường cần lưu ý đó là giá điện, được xem là biến số ảnh hưởng rất nhiều đến CPI. Hiện tại trên thị trường có thông tin giá điện có thể tăng vào cuối tháng 4 và gây áp lực lớn lên lạm phát”, ông Tuấn nhận định.
Kỳ vọng giảm lãi suất
Có thể thấy, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước năm nay chính là lạm phát và để kiềm chế lạm phát sẽ liên quan đến yếu tố lãi suất, trong khi đây là một cái giá ảnh hưởng rất nhiều đến các loại tài sản.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp kỳ vọng phía ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng tiền, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, thì các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực vận động hơn nữa để tự cứu lấy mình
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw cho biết, qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn về dòng tiền. Nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động dẫn đến lãi suất cho vay tăng. Nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, phải huy động vốn bên ngoài với lãi suất từ 20 - 30%.
Năm 2023, yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn có một số vấn đề như: Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng có khó khăn, đó là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới tăng lãi suất để chống lạm phát nhằm ổn định kinh tế, làm giảm hoạt động đầu tư và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua cũng đã tăng lãi suất, dẫn đến các doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn và vốn không còn giá rẻ như thời kỳ trước, thách thức cũng nhiều hơn trước.
Thứ hai, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết. Khi nào cuộc chiến đó còn, thì bất ổn kinh tế vĩ mô của toàn cầu sẽ còn ảnh hưởng đến chúng ta. Điển hình là giá năng lượng biến động mạnh ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc các doanh nghiệp kỳ vọng phía ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng tiền, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, thì các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực vận động hơn nữa để tự cứu lấy mình. Nhất là những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu,... nên tập trung vào kinh doanh cốt lõi và xem xét lại các danh mục đầu tư giúp tạo ra dòng tiền.
Cùng với đó là chú trọng nâng cao năng suất lao động, đổi mới quy trình sản xuất, tìm thêm nhiều nguồn vốn xã hội không chỉ dựa vào vốn ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Đặc biệt, doanh nghiệp cần năng động hơn trong quá trình tìm kiếm các nguồn vốn, ví dụ trước đây phải qua ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư, thì hiện nay họ có thể trực tiếp đi tìm những nguồn vốn trong xã hội khác bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hợp đồng đầu tư. Thêm vào đó, có thể kết hợp với hoạt động M&A, mua bán, chuyển nhượng các dự án không đủ vốn để tiếp tục triển khai dự án có nguy cơ bị thu hồi”, vị Luật sư chia sẻ.