Tác giả Huệ Linh - Ngọc Bảo trong bài viết “ Khó xóa trách nhiệm dù dùng bút “tàng hình” ”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 29/5/2013 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
Để biết thêm thông tin về luật sư Nguyễn Thanh Hà, vui lòng bấm vào đây.
ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ ngày 12-5 đăng bài “Phát hiện đường dây bán “bút phù thuỷ ”- loại bút mà khi viết lên giấy có khả năng bay mực chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều bạn đọc đã gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ bày tỏ sự lo ngại loại bút này có thể bị kẻ xấu coi như công cụ lừa đảo
Bỗng dưng bay mất chữ
Những chiếc “bút phù thuỷ” được Đội chống hàng giả và xâm phạm Sở hữu trí tuệ, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, CATP Hà Nội phát hiện mới đây giống hệt những chiếc bút mực thông thường. Theo cơ quan chức năng, khi dùng chiếc bút này viết ra giấy chỉ từ 3 - 6 giờ mực sẽ biến mất. Chính vì vậy, người sử dụng có thể lợi dụng “bút phù thuỷ” để xác nhận chuyện vay nợ hay cam kết mua bán, trao đổi các sản phẩm, dịch vụ có giá trị. Anh Nguyễn Mạnh Hà, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên thừa nhận, sau khi biết thông tin loại bút này xuất hiện trên thị trường anh rất lo lắng, vì công việc hàng ngày của anh liên quan đến ký kết hợp đồng mua bán. Nếu chẳng may bên mua dùng loại bút này để ký nhận những điều khoản cam kết trong hợp đồng giữa 2 bên, rồi bỗng dưng chỉ sau vài tiếng không để lại bất cứ dấu vết gì thì anh biết căn cứ vào đâu để quy trách nhiệm đối với họ. Cũng theo anh Hà, thông thường hợp đồng mua bán hay các loại giao dịch khác đều được thực hiện giữa 2 bên. Nếu sau khi sở hữu tài sản, dịch vụ và hưởng lợi trên các loại tài sản đó, nhưng bên mua, hay bên có trách nhiệm sử dụng loại bút này để chối bỏ trách nhiệm thì chắc chắn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho bên có tài sản và cung cấp dịch vụ. Và điều mà anh Hà băn khoăn là anh sẽ phải làm gì để chứng minh bên thứ 2 đã ký vào bản hợp đồng và buộc họ phải có trách nhiệm với những điều khoản đã ký kết?
Cũng rơi vào tâm trạng hoang mang như anh Hà, mới đây trực tiếp đến giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần bản thân phóng viên ANTĐ đã được nhân viên ngân hàng khuyến cáo, để tránh rủi ro tất cả đơn vị trực thuộc hệ thống ngân hàng này chỉ sử dụng bút của mình khi giao dịch với khách hàng. Khi đặt câu hỏi đã có trường hợp hồ sơ đột nhiên mất chữ ký xảy ra tại ngân hàng chưa thì nhân viên giao dịch cho biết, dù chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, song do mọi giao dịch trong hệ thống ngân hàng liên quan đến ký nhận vay nợ, chuyển khoản, gửi tiền… nên họ phải đề phòng tình huống xấu nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về những chiếc bút có khả năng “tàng hình”, Trung tá Nguyễn Quang Huy - Đội trưởng Đội Giám định tài liệu - Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) - CATP Hà Nội cho biết, gần đây loại bút có khả năng bay mực (hay còn gọi là bút phù thuỷ) xuất hiện và được bán tràn lan trên thị trường. Qua thực tế giám định tài liệu, cơ quan chức năng chưa phát hiện được đối tượng nào sử dụng loại bút này để viết, ký kết các hợp đồng dẫn đến tranh chấp phải nghiên cứu, giám định. Bản chất loại bút này có tên hoá học là Thymolphthlein, thành phần chính là C28-H30-O4.
Đây là chất có độ kiềm cao, khi viết ra giấy chất hoá học có trong mực tác động với khí cacbonic có trong không khí làm cho độ kiềm giảm xuống, dẫn đến thay đổi màu sắc, thực chất là biến đổi từ chất có màu thành chất không màu nhưng chất Thymolphthlein vẫn còn bám trên giấy. Tuy nhiên, dù bị mất mực nhưng trên mặt giấy vẫn còn vết hằn của ngòi bút và lực tì bút. Bằng phương tiện nghiệp vụ, cơ quan chức năng có thể chụp và phân tích những vết hằn này để nghiên cứu và giám định. Bên cạnh đó, khi tăng độ kiềm của giấy, ngay lập tức những chữ viết không màu có thể trở lại màu sắc ban đầu, từ đó khôi phục lại nội dung một cách dễ dàng, chụp và đọc một cách bình thường.
Lợi dụng để lừa đảo
Theo Trung tá Nguyễn Quang Huy, loại bút “phù thủy” tự mất màu có nguồn gốc từ Trung Quốc, chúng có thể sử dụng vào những mục đích xấu trong giao dịch, mua bán. Người sử dụng loại bút này để viết, ký các loại tài liệu, giấy tờ, hợp đồng mua bán,… nhưng sau đó lại không thừa nhận thì đây là hành vi gian dối, trốn tránh trách nhiệm và lừa đảo. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức đặc biệt là các ngân hàng không nên quá lo lắng về vấn đề này, bởi, người bị hại có thể đến phòng kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan công an để giúp khôi phục lại những chữ viết, chữ ký như bình thường.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật S&B cho biết, trường hợp người sử dụng “bút phù thuỷ” để ký vào các loại giấy tờ giao dịch, hợp đồng kinh tế, mua bán, chuyển nhượng tài sản, bị người bị hại phát hiện và tố cáo. Nếu cơ quan điều tra xác định được hành vi của người dùng loại bút này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý và truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự. Cụ thể, điều 139 Bộ Luật Hình sự quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn… thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến mức cao nhất là chung thân”.
Trường hợp người dùng “bút phù thuỷ” để giả chữ viết, chữ ký giấy tờ của cơ quan tổ chức, các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính Nhà nước thì đối tượng thực hiện hành vi này có thể quy vào tội danh làm giả giấy tờ tài liệu của các cơ quan tổ chức Nhà nước. Tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi của đối tượng, cơ quan chứ năng có thể truy cứu trách nhiệm cụ thể từng trường hợp. Tương tự, nếu người sử dụng “bút phù thuỷ” để ký kết thực hiện các giao dịch mua bán liên quan đến tài sản dân sự, gây thiệt hại cho bên có liên quan thì sẽ bị truy trách nhiệm dân sự về hành vi gây thiệt hại cho người khác.
Hiện nay, trong các giao dịch mua bán nhà đất giữa các bên ngoài hình thức ký hợp đồng, thì còn có một quy định không bắt buộc đó là điểm chỉ. Trên thực tế, đây là hình thức được áp dụng khá phổ biến ở một số nước trên thế giới, do vân tay của mỗi người đều có cấu trúc khác nhau nên rất khó giả mạo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều người lại cho rằng đây là hình thức thủ công. Song luật sư Hà khẳng định nên áp dụng hình thức điểm chỉ trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế nhà đất vì khi xảy ra tranh chấp đây là cơ sở pháp lý có giá trị. Đặc biệt, trường hợp bên thứ 3 không có khả năng chứng minh thì việc xác định vân tay là phương pháp tương đối dễ dàng để cơ quan chức năng đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
Do các giao dịch chuyển nhượng, mua bán, thừa kế nhà đất, hay các giao dịch khác thường hay xảy ra tình trạng giả mạo chữ ký, hoặc dùng bút phù thuỷ để làm mất chữ viết nên luật sư Hà đưa ra lời khuyên, cá nhân, tổ chức khi thực hiện những giao dịch này đến văn phòng luật sư, văn phòng công chứng UBND xã, phường để được tư vấn, công chứng thậm chí là điểm chỉ và có người làm chứng để ngăn chặn các hành vi lừa đảo có thể xảy ra.
Xin mời bạn xem lại bài viết: Khó xóa trách nhiệm dù dùng "bút tàng hình" tại đây: