Trong bài "Khó quy trách nhiệm pháp lý của đại sứ hàng... rởm" đăng trên báo Việt Nam mới, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch công ty luật SBLAW) cho biết: "Đối với những người nổi tiếng như các ca sỹ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu, á hậu, … quảng cáo cho sản phẩm của công ty của bà Nguyễn Thu Trang cho dù có chứng minh được các sản phẩm đã quảng cáo là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì cũng khó có thể xử lý".
Liên quan đến vụ việc sao Việt làm đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng nghi là giả của công ty TNHH Thiên nhiên TS. Việt Nam (TS. Group), dư luận đặt ra câu hỏi: "Liệu những đại sứ thương hiệu có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi lô hàng được khẳng định là hàng giả?", chúng tôi đã tham vấn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch công ty luật SBLAW), vị luật sư này cho biết:
"Đại sứ thương hiệu (Brand Ambassador) là hình thức đã xuất hiện từ lâu, khi mà quảng cáo truyền thống vẫn còn thịnh hành. Đại sứ thương hiệu là người đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quảng bá và khuếch trương tên tuổi doanh nghiệp, đại sứ thương hiệu luôn được quan tâm vì họ đại diện cho hình ảnh của công ty và sản phẩm quảng cáo.
Theo đó, đại sứ thương hiệu khi kí kết hợp đồng với doanh nghiệp phải tuân thủ các điều khoản mà doanh nghiệp đưa ra. Trong đó, khâu quảng cáo, PR cho sản phẩm là khâu cốt lõi của một đại sứ thương hiệu và họ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi hợp đồng ký kết.
Do đó, đối với những người nổi tiếng như các ca sỹ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu, á hậu, … quảng cáo cho sản phẩm của công ty của bà Nguyễn Thu Trang cho dù có chứng minh được các sản phẩm đã quảng cáo là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì cũng khó có thể xử lý.
Còn đối với công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam, nếu có kết luận của cơ quan điều tra chứng minh được các sản phẩm đã quảng cáo là hàng giả thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị xử lý theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi ích người tiêu dùng. Nếu hành vi nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 156 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả".
Nguồn: http://vietnammoi.vn/kho-quy-trach-nhiem-phap-ly-cua-dai-su-hang-rom-59359.html