Khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Nội dung bài viết

Nhận lời mời của truyền hình An ninh, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về Khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Câu hỏi 1: Có hay không việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH đang gặp khó khăn do bế tắc vì luật như Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự và Luật Hình sự (chưa hoàn thiện)? Do đó, muốn khởi kiện các DN này phải chờ các Luật hoàn thiện thưa ông?

Luật sư trả lời:

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) diễn ra phổ biến với số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đối với NLĐ đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

  • Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

d) Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn …”.

thì tổ chức công đoàn (CĐ) có quyền khởi kiện doanh doanh nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc do pháp luật đang có sự chồng chéo và bất cập trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH:

  • Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, để CĐ khởi kiện được và Tòa án thụ lý được thì phải thực hiện theo Bộ luật tố tụng Dân sự nhưng Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2016, như vậy trong 6 tháng đó là có khoảng trống.
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 đáng lẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng do bị sự cố Quốc hội đã phải tạm dừng, chỉnh sửa lại.

Thiết nghĩ có thể phải sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH, Bộ luật Hình sự nhằm tạo sự thuận lợi trong công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, để giảm nợ BHXH cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp và đơn vị tham gia BHXH.

  • Để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này, nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh cho NLĐ:
  • Ngày 30/6/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đã ban hành Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể. Theo đó, TLĐLĐVN hướng dẫn quy trình khởi kiện của các cấp CĐ và đã phối hợp với cơ quan BHXH tập huấn cho các cấp CĐ trong cả nước.
  • Đồng thời, TLĐLĐVN đã có công văn gửi Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị trả lời, tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra Tòa án.

Như vậy, khi CĐ khởi kiện doanh nghiệp có thể sử dụng những hướng dẫn này.

Câu hỏi 2: Có hợp lý không khi Tòa án NDTC đang cho rằng: Nếu Công đoàn (CĐ) khởi kiện thì phải khởi kiện BHXH chứ không phải khởi kiện doanh nghiệp bởi vì BHXH đã được Nhà nước giao quyền yêu cầu các DN tuân thủ pháp luật nên hầu hết các vụ kiện Tòa đều trả lợi hồ sơ không thưa ông?

Luật sư trả lời:

Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, việc chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật BHXH, mà đã là hành vi bị nghiêm cấm thì phải bị xử lý theo luật xử lý vi phạm hành chính, tức là cơ quan BHXH là cơ quan phải xử phạt trước. Sau xử phạt mà DN vẫn cố tình không đóng thì BHXH có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Và cuối cùng, đi theo con đường khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 216, đang được dự thảo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu các tòa trước đây đã thụ lý hồ sơ nợ, trốn đóng BHXH của các DN thì các tòa địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu ngành BHXH phải thực hiện theo đúng các quy định. Nếu CĐ khởi kiện thì phải khởi kiện BHXH chứ không phải khởi kiện doanh nghiệp bởi vì Nhà nước giao cho BHXH quyền yêu cầu các DN tuân thủ pháp luật mà BHXH không thực hiện được thì CĐ khởi kiện BHXH. Do đó Tòa án không thụ lý.

Khởi kiện được xem là biện pháp mạnh nhất và hữu hiệu nhất để xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, có tác dụng răn đe rất lớn. Nhiều doanh nghiệp lo sợ bị khởi kiện sẽ cân nhắc việc vi phạm quy định đóng BHXH hoặc tự nguyện truy nộp vì không muốn ảnh hưởng đến hình ảnh của đơn vị. Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, cơ quan BHXH không còn chức năng khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, việc này được chuyển sang cho tổ chức CĐ. Vì vậy, việc Tòa án không thụ lý đơn kiện của cơ quan BHXH thì các đơn vị sử dụng lao động có khả năng sẽ chây ỳ không chịu đóng BHXH, bởi cơ quan BHXH không có biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe.

Thiết nghĩ, Quỹ BHXH là quỹ do Nhà nước bảo hộ và nó là quỹ ảnh hưởng đến hàng chục triệu lao động do đó khi các doanh nghiệp này vi phạm thì Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm. BHXH đúng là sự nghiệp công, có thu, có đem sinh lợi nhưng BHXH cũng có chức năng thay mặt cho Nhà nước quản lý một nguồn vốn lớn lên đến mấy trăm nghìn tỷ. Thế thì BHXH cũng có quyền khởi kiện, chứ không phải là cơ quan “bị khởi kiện”. Giả sử vụ kiện phát sinh giữa CĐ và BHXH thì còn phức tạp hơn.

Đến nay việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH có thể coi như là đang bế tắc về mặt pháp luật vì CĐ đưa lên nhưng Tòa án sẽ không thụ lý với lý do như trên.

Câu hỏi 3: Trong số hơn 6.000 tỷ đồng nợ BHXH thì có đến 1.400 tỷ nói là nợ khó đòi, nhưng thực tế thì không có khả năng đòi bởi chủ DN đã bỏ trốn, hoặc DN phá sản, giải thể. Những trường hợp thế này thì sẽ giải quyết thế nào thưa ông?

Luật sư trả lời:

Ở Việt Nam, hiện số nợ BHXH của các doanh nghiệp lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, đặc biệt trong đó có 1.400 tỷ là nợ khó đòi (do doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, giải thể hoặc phá sản). Không những không thu được một số tiền lớn BHXH mà điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục nghìn lao động.

Tại Khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) về BHXH như sau:

7. Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động”.

Như vậy, Chính phủ phải ban hành một quy định về việc xử lý các khoản nợ ở các doanh nghiệp mà có chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản. Theo tôi được biết, Bộ LĐ-TBXH cũng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Khoản 7 Điều 10 của Luật BHXH, cũng đã lấy ý kiến các cơ quan chức năng và hiện nay cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ.

Câu hỏi 4: Với tư cách là một Luật sư, ông đánh giá như thế nào về hệ lụy của nó đối với quyền lợi hợp pháp của người lao động như khám chữa bệnh, chế độ thai sản… hay chế độ hưu trí của họ?

Luật sư trả lời:

Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp đang ngày càng nghiêm trọng, với số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đối với NLĐ đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi hợp pháp của NLĐ đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.

Doanh nghiệp vừa chiếm dụng số tiền lẽ ra phải trích đóng cho NLĐ, vừa lấy luôn cả số tiền trích đóng BHXH hằng tháng mà doanh nghiệp đã khấu trừ qua lương để phục vụ mục đích riêng của mình. Việc doanh nghiệp nợ BHXH khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi, khiến các quyền lợi của người lao động như: hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, … sẽ không được giải quyết. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp nợ BHXH nên cơ quan BHXH không tiến hành chốt sổ BHXH để người lao động hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tình trạng nợ BHXH kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động như không được hưởng các quyền lợi trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp và quyền lợi hưu trí sau này. Nguyên nhân nợ BHXH tăng đột biến trong năm nay một phần do kinh tế khó khăn nhưng đa phần là cố tình chây ì để chiếm dụng vốn do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp.

Thiết nghĩ, cần phải sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và phát huy đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đồng thời bảo đảm tính bình đẳng về chính sách BHXH trong cơ chế thị trường; quy định chế tài xử lý vi phạm BHXH mạnh, có tính răn đe, để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt chính sách BHXH.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan