Khi Quy chuẩn 41/2016/BGTVT “vênh” với Luật Giao thông đường bộ, áp dụng văn bản nào?

Nội dung bài viết

Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ" QCVN 41/2016/BGTVT chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-11-2016. Tuy nhiên, một số quy định tại Quy chuẩn 41/2016/BGTVT lại “vênh” với quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ 2008 đã dẫn đến hiểu lầm cho người tham gia giao thông, gây tình trạng “khó xử” cho lực lượng CSGT.

Những điểm “vênh” trong Quy chuẩn 41 so với Luật Giao thông đường bộ

Tại mục 10.3.2, Điều 10 Quy chuẩn 41 quy định, ý nghĩa của tín hiệu đèn vàng “Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ”. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”.

Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

Theo điểm c, khoản 3, Điều 10, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (là căn cứ pháp lý trực tiếp để ban hành Thông tư số 06/2016 - Bộ GTVT): “Tín hiệu vàng là phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tính hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”. Do đó, Thông tư 06/2016 của Bộ GTVT quy định khi đèn có tín hiệu vàng mà các phương tiện đã tiến sát đến vạch dừng được đi tiếp là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ. Cục Kiểm tra văn bản cũng khẳng định, quy định này có thể gây ra những khó khăn cho người tham gia giao thông, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật vì khái niệm “tiến sát” là rất khó xác định.

Tại Điểm 3.30, Điều 3, Quy chuẩn 41 quy định “Xe ôtô con (hay còn gọi là xe con) là xe ôtô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg; xe ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500kg”.

Tại Điểm 3.32, Điều 3 quy định “Ôtô tải (hay còn gọi là xe tải), là xe ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1.500kg trở lên”.

Nhưng theo Giấy chứng nhận xuất xưởng và theo giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đối với các xe ôtô chở hàng (kể cả xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 1.500kg) đều được ghi là loại phương tiện xe tải. Mặt khác, tại Khoản 4, Điều 11 của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có quy định việc gắn phù hiệu đối với xe tải kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn (theo mẫu phù hiệu tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ). Theo đó, xe có khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg được coi là xe tải.

Việc xác định xe ô tô chở hàng với khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg là xe con theo như Quy chuẩn 41 là không phù hợp, trái với quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Với thực trạng cơ sở hạ tầng, tình hình giao thông và mật độ phương tiện như hiện nay, nếu xác định xe tải thành xe con như Quy chuẩn 41, sẽ khiến giao thông của thành phố hỗn loạn.

Áp dụng Luật Giao thông đường bộ hay Quy chuẩn 41?

Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Luật này cũng quy định: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Mà Luật (Luật Giao thông đường bộ 2008) là hiệu lực có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư (Thông tư 06/2016/TT-BGTVT). Do đó, trong trường hợp này khi có sự không thống nhất giữa Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn 41 thì sẽ áp dụng các quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008.

Thiết nghĩ, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét, xử lý những nội dung chưa thống nhất trong Thông tư 06/2016/TT - BGTVT với Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan